HTML clipboard
Quà về cho mẹ là mái tóc pha
sương,
là những vết thương trên
ngực cha
cứ trở gió lại đau nhức
nhối!
(Phan Long)
Cuối năm 1975, anh lính
thông tin Lê Xuân Thành trở về quê nhà ở Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) trong vinh quang
chiến thắng chung của cả dân tộc. Anh về với cuộc sống đời thường sau khi để lại
60% sức khoẻ ở mặt trận miền Đông Nam bộ và chiến trường Campuchia. Kết hôn với
cô thôn nữ Vũ Thị Minh (ảnh), sinh liền một lúc ba con trai, nhận mấy sào
ruộng khoán, vui cảnh nghèo nhưng êm đềm.
Cho đến 2001, đứa con trai
lớn (sinh năm 1976) đang khoẻ mạnh bỗng dưng có những biểu hiện không bình
thường như nói lảm nhảm không dứt, tự nhiên la hét, nhiều lúc bỏ nhà đi suốt
đêm. Đưa con đi bệnh viện, anh chị mới hay con mình bị bệnh tâm thần. Nỗi đau
như trời giáng xuống cả nhà. Chưa hết, một năm sau, ngày mùng 4 Tết, anh Thành
bỗng lôi bình ắc quy, lấy dây điện chăng mắc khắp nhà, rồi lấy ba lô sắp xếp
quần áo, miệng liên tục nhắc tên đồng đội, tên các trận đánh, có lúc phát ra
hàng loạt tiếng Campuchia, có lúc chạy ra sân ngửa mặt lên trời chỉ trỏ, bảo
đang ra dấu cho khẩu đội pháo tấn công! Đó là lúc cuộc sống bình yên kết thúc,
khởi đầu cho những ngày tràn ngập cay đắng, khổ đau đối với chị Minh.
Năm sào ruộng khoán không đủ
nuôi cả gia đình năm miệng ăn, huống chi còn thuốc thang cho hai người bệnh,
cuộc sống quá vất vả nhưng không đáng sợ bằng những lời ra tiếng vào của hàng
xóm láng giềng. Không thể chịu đựng nổi, chị Minh đành dắt díu chồng con vào tận
Tây Ninh, đến xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. “Khoảng thời gian đó tôi đau
khổ tưởng chừng không thể gượng dậy, mấy lần định tự tử cho thoát cảnh khổ”, chị
Minh hồi tưởng lại, những ngày đầu mới đến vùng quê mới- “Nhưng chồng, con như
vậy làm sao mình dám ngã quỵ”- chị nói. Chị làm tất cả mọi việc từ mua đầu chợ,
bán cuối chợ, rảnh lại làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi hai đứa con học hành,
lo ăn uống, thuốc thang cho hai người bệnh, đêm lại phải thức trắng canh chừng
người chồng và đứa con kẻo họ lên cơn gây tai hoạ. Chị thấy như mình bị lì đi,
không còn cảm giác đau khổ nữa. Mỗi tháng, tiền thuốc cho hai người bệnh hơn hai
trăm ngàn đồng. Thời tiết ở Tây Ninh quá nóng dường như khiến người bệnh càng
nặng thêm, anh Thành vẫn cứ giăng dây điện khắp nhà, thiết kế chỗ này là của Bộ
chỉ huy, chỗ kia là của thông tin. Giữa trưa nắng, anh ra đứng giữa đường, nói
là phát tín hiệu cho pháo binh bắn địch! Lại ra lệnh không được hành động nếu
chưa có lệnh chỉ huy, rồi còn làm thơ, ca hát hoặc lảm nhảm vu vơ. Con trai thì
có lúc la hét khản giọng, có lúc bỏ nhà đi suốt đêm. Chị Minh chỉ còn biết nhìn
chồng con trong nước mắt.
Cuộc sống nghiệt ngã đến mức
có người đã thốt lên: “Trời, tôi mà gặp vậy chắc bỏ đi mất rồi!”. Chị lặng
người, ứa nước mắt: “Sao làm thế được, thấy người ngoài họ khổ, mình cũng phải
giúp, huống chi đây là chồng, là con của mình mà!”. Đó là những lần hiếm hoi chị
để người ngoài thấy nước mắt rơi, còn lại hầu như mọi người chỉ thấy chị cười.
Dù đã 55 tuổi, dầu dãi nắng mưa nhưng nước da chị Minh vẫn trắng hồng, mỗi khi
cười hai đồng tiền ẩn hiện, gợi nhớ cô Minh trẻ trung hay cười, hay hát ngày
xưa. Chị thích hát và hát rất hay, mỗi khi có dịp là chị hát, có lẽ đó là một
cách để chị vượt qua sự nghiệt ngã của số phận. Không chỉ vậy, chị còn tích cực
tham gia công tác phụ nữ. Là tổ trưởng tổ phụ nữ số 1, chi Hội Phụ nữ ấp Tân
Định, xã Suối Đá, trong đó hầu hết là chị em phụ nữ nghèo, thiếu vốn làm ăn, chị
Minh thành lập tổ xoay vòng vốn không tính lãi với số tiền lên đến 35 triệu đồng
để hỗ trợ vốn cho 17 chị em. Chín hội viên nghèo trong tổ được chị vận động chăm
lo bằng nhiều hình thức như giúp gạo, giúp công lao động. Những việc làm của chị
càng khiến chị em phụ nữ thêm tin yêu và cũng là động lực giúp chị vượt qua
nghịch cảnh để vươn lên.
Hiện giờ, gia đình chị Vũ
Thị Minh chưa hết khó khăn nhưng cũng tạm ổn định. Hai đứa con của chị thấy mẹ
quá vất vả, nhiều lần định bỏ học nhưng chị nhất định không cho, nhờ vậy, đến
nay cũng đã tốt nghiệp cao đẳng, bắt đầu san sẻ gánh nặng với mẹ. Chị đã xây
được căn nhà nhỏ che nắng che mưa. Chỉ thương người chồng, bị thương tật nặng
nhưng chưa hề hưởng chế độ thương binh. Theo lời chị: “Lúc anh mới về, thấy còn
sống là mừng rồi đâu có nghĩ gì đến chế độ nên giấy tờ mất hết, Huân chương cũng
mất. Bây giờ muốn làm chế độ thì phải về quê nhưng nghèo thế này, chồng con thế
kia thì làm sao mà đi được hả cô?”.
Trời tháng Năm nắng gay gắt,
đẩy bầu trời cao vòi vọi. Nụ cười của chị hiền và bình dị quá đỗi, nó khiến tôi
phải nhói lòng, phải quay mặt đi, càng thấy căm ghét chiến tranh. 35 năm đã trôi
qua nhưng còn nhiều vết thương vẫn đang nhức nhối!
THANH NAM