Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Cao nguyên Bokor và nhà kinh doanh Campuchia gốc Việt
Thứ tư: 09:40 ngày 22/05/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhà kinh doanh Campuchia gốc Việt là Công tước (Oknha) Sok Kun, Nghị sĩ Thượng viện Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Campuchia.

HTML clipboard

(BTN) - Trước nay, ngành du lịch Campuchia hầu như chỉ duy nhất tuyến Phnom Pênh - Seam Reap, thăm thủ đô xứ Chùa Tháp và khu đền cổ Angkor, kỳ quan thế giới nổi tiếng. Bước sang năm 2013, du lịch Campuchia lại có thêm tuyến “xuống biển, lên núi” thăm thành phố biển Sihanoukville và cao nguyên Bokor, một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng mới được đưa vào khai thác từ đầu năm nay. Điều lý thú là cả hai địa chỉ du lịch độc đáo, Angkor và Bokor, đều do một nhà đầu tư người Campuchia gốc Việt quản lý, kinh doanh: Công tước (Oknha) Sok Kun, Nghị sĩ Thượng viện Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Campuchia, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sokimex. Sok Kun còn có cái tên Việt Nam rất dân dã là: Ông Sáu Cò.

XỨ SƯƠNG MÙ TRÊN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

Cao nguyên Bokor nằm về phía Đông Nam nước Campuchia, thuộc tỉnh Kam Pot, giáp biên giới với tỉnh Kiên Giang của Việt Nam. Từ phía Việt Nam nhìn sang, người ta thấy một dãy núi mờ xa, người Việt thường gọi là núi Tà Lơn, từ đất liền đổ dài ra vịnh Thái Lan. Đỉnh núi cao nhất của cao nguyên Bokor nằm sát bờ vịnh, chỉ cách đảo Phú Quốc của Việt Nam khoảng hơn 10 hải lý. Từ vị trí này du khách dễ dàng gọi điện thoại bằng sóng của nhà mạng Việt Nam qua các trạm phát trên đảo Phú Quốc. Theo tuyến du lịch “xuống biển, lên núi”, du khách đi 270km từ Phnom Pênh đến Sihanoukville tắm biển, nghỉ một đêm, rồi tiếp tục đi 130km sang Kam Pot, lên cao nguyên Bokor, cao 1.080 mét so với mặt biển. Điểm đặc biệt, rất độc đáo của Bokor là tuy cùng nằm trên cùng vĩ tuyến với miền Tây Nam bộ của Việt Nam, nhưng Bokor lại có khí hậu ôn đới như thành phố Đà Lạt của Việt Nam. Ban ngày, Bokor cũng có sương mù lãng đãng, là đà sát mặt đất vào buổi chiều. Ban đêm, ngay vào những ngày hè của mùa du lịch, nhiệt độ ở Bokor cũng chỉ khoảng 12 đến 15 độ. Do vậy, các phòng nghỉ ở khu resort Bokor không cần lắp máy lạnh và nhất thiết phải có phòng tắm nước nóng.

Tượng thánh nữ Jamao trên đường đèo Bokor

Những người hướng dẫn du lịch cho biết, theo các tài liệu lịch sử và địa lý Campuchia, cao nguyên Bokor do người Pháp phát hiện và xây dựng thành nơi nghỉ dưỡng từ khi thực dân Pháp mới đặt chân sang Đông Dương, tương tự như việc phát hiện các khu vực Sa Pa, Đà Lạt của Việt Nam. Di tích của thời kỳ Pháp thuộc còn lại ở Bokor là một khách sạn - casino khá hoành tráng, một ngôi nhà thờ với một tháp chuông mái nhọn tương tự như nhà thờ Sa Pa, một tháp nước và một số nền móng tàn tích của các kiến trúc dân dụng khác. Về phía Vương triều Monivong của Campuchia, năm 1908 nhà vua cũng cho xây dựng nơi này một ngôi chùa, gọi là chùa Năm Thuyền, vì chùa toạ lạc ở địa điểm có 5 ghềnh đá tự nhiên hình mũi thuyền. Thế nhưng, không hiểu vì sao người Pháp lại không quy hoạch và phát triển Bokor thành khu dân cư như Sa Pa hay Đà Lạt, mà chỉ khai thác cao nguyên này một thời gian rồi bỏ hoang từ năm 1917. Cũng theo lời người hướng dẫn du lịch, thì có lẽ chính quyền thực dân Pháp không khai thác Bokor vì địa hình quá hiểm trở, người Pháp chỉ xây dựng đường đất lên núi từ các lối mòn của dân bản địa, trong khi đây là con đường đèo độ dốc cao, hơn 1.000 mét với rất nhiều khúc quanh rất gắt, kiểu “cua tay áo, cùi chõ”.

Cao nguyên Bokor chỉ mới “hồi sinh” từ khi Nhà nước Campuchia quy hoạch khu vực này thành khu du lịch vào năm 2008 và doanh nhân Sok Kun trúng thầu xây dựng, khai thác Bokor. Trong vòng 5 năm, Sok Kun đã đổ vào đây hàng trăm triệu USD để xây dựng con đường đèo dài 32km với hai làn đường bê-tông nhựa phẳng phiu và hàng chục km đường trên cao nguyên nối liền các điểm trong khu du lịch. Trên đường đèo còn có một điểm nhấn là tượng đài thánh nữ Jamao tại một mặt bằng hiếm hoi ở khoảng nửa đường. Thánh nữ Jamao được người dân Campuchia tôn sùng như một vị thần có quyền năng mang đến sự bình an, may mắn cho mọi người. Những nơi thờ cúng Jamao thường là ở các vị trí hiểm trở, nguy hiểm trên các con đường thiên lý trên đất nước Chùa Tháp. Người đi đường ngang qua các nơi thờ Jamao thường dừng lại thắp hương, cầu nguyện để được thượng lộ bình an.

Trên cao nguyên Bokor, rộng 140.000 ha, doanh nhân Sok Kun đã xây dựng một khu resort 5 sao với những khu khách sạn, casino, nhà hàng tiệc cưới… đồng thời phục chế các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc còn để lại. Không chỉ thế Oknha Sok Kun còn có tham vọng xây dựng Bokor thành một thành phố du lịch kiểu như Đà Lạt với một Trung tâm hội nghị quốc gia và 3.000 căn hộ biệt thự. Điều này đã được quy hoạch trong dự án lâu dài và quy mô nhất của người giàu nhất Vương quốc Campuchia hiện nay.

CÔNG TƯỚC SOK KUN:

TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Nói ông Sáu Cò - Oknha Sok Kun là người giàu nhất Campuchia có lẽ không phải là không có cơ sở. Chỉ cần lướt vào địa chỉ internet của Tập đoàn Sokimex, hoặc vào Google gõ các từ Sok Kun, Sokimex hay Angkor, Bokor sẽ khai thác được vô số thông tin về nhà đầu tư này. Bởi lẽ Sok Kun chính là người được Chính phủ Campuchia giao quyền khai thác du lịch ở kỳ quan thế giới Angkor. Tại đây, ông đã trúng thầu việc quản lý di tích, bán vé vào cổng khu di tích đền cổ và phục vụ nghỉ dưỡng cho du khách quốc tế ở khu khách sạn 5 sao Seam Reap. Với việc quản lý khai thác hai khu Angkor và Bokor, ông Sáu Cò – Oknha Sok Kun thực sự đã là “trùm du lịch” ở Vương quốc Campuchia. Nhưng vẫn chưa hết, Sok Kun còn đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khách sạn 5 sao ở vị trí “đắc địa” nhất tại trung tâm thủ đô Phnom Pênh: ngã tư sông Mekong - Tonle Sap, tức “quảng trường sông 4 mặt”, đối diện khu Hoàng cung Vương quốc Campuchia…

Đoàn Báo Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm trước di tích khách sạn- casino do người Pháp xây dựng trên cao nguyên Bokor

Trong chuyến tham quan mới đây ở Campuchia, phóng viên Báo Tây Ninh không có may mắn được gặp nhà kinh doanh 2 quốc tịch Sáu Cò - Sok Kun, nhưng qua lời người hướng dẫn và thông tin từ internet, được biết, Sáu Cò sinh ra trong một gia đình Việt kiều Campuchia đã hồi hương về Việt Nam từ trước năm 1975. Khi đất nước Campuchia hiền hoà bị đắm chìm trong tai hoạ diệt chủng do Pol Pot - Ieng Sary gây ra, Sáu Cò tham gia lực lượng quân tình nguyện Việt Nam giúp đất nước Campuchia hồi sinh. Sau chiến tranh, Sáu Cò sang Campuchia sinh sống và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với số vốn ban đầu chỉ có “một chỉ rưỡi vàng”. Cần cù, chí thú làm ăn, Sáu Cò làm đủ thứ việc từ nhỏ đến lớn, ban đầu ông học tập mua hoá chất về làm cao su rồi trở thành nhà chế biến sản phẩm cao su; ban đầu là người buôn bán quần áo rồi trở thành doanh nghiệp may mặc; ban đầu là người mua bán xăng lẻ rồi trở thành nhà nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu chủ lực của đất nước Campuchia với trên 1.000 cây xăng ở khắp cả nước; ban đầu là người bán “dép râu” cho vài đơn vị bộ đội rồi trở thành nhà cung cấp quân trang, quân dụng độc quyền cho quân đội Hoàng gia Campuchia… Đặc biệt, với 2 quốc tịch, Sok Kun còn hoạt động kinh doanh ở Việt Nam với một công ty hàng không phục vụ ngành dầu khí ở Vũng Tàu và một số doanh nghiệp dệt may ở thành phố Hồ Chí Minh. Dù kinh doanh ở Việt Nam hay Campuchia, Sok Kun đều là “doanh nghiệp đầu tư trong nước”.

Để thay lời kết cho bài viết “Nhân vật và sự kiện” này, chúng tôi xin mượn lời một nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, với câu trả lời phỏng vấn rất cảm động của Công tước Sok Kun: “Tôi từng trải qua thời gian rất nghèo, nhưng có người còn nghèo hơn tôi, nên tôi rất thương người nghèo. Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ Campuchia kêu gọi tôi giúp xây dựng trường học, đường sá, chùa chiền… Tôi đã đóng góp 9 triệu USD. Tôi được nhà vua phong tước vị Công tước là vì thế… Thế giới này tôi đi nhiều lắm, nhưng chẳng ở đâu bằng Việt Nam và Campuchia. Tôi là người Việt Nam. Tôi vinh dự về điều đó”.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục