(BTNO) - Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi về thực trạng đời sống công nhân cao su hiện nay, ông Trương Văn Cư- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Tân Biên xác nhận: chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, có khoảng 200 công nhân của Công ty xin nghỉ việc.
|
Mủ cao su rớt giá, kinh tế gia đình cũng “rớt” theo, nhiều công nhân của Nông trường cao su Bổ Túc (thuộc Công ty cao su Tân Biên) phải đi nhặt củi đem bán để kiếm thêm thu nhập. Có người đành chấp nhận bỏ hẳn cái nghề mình từng gắn bó gần cả chục năm qua.
Từ công nhân trở thành… “tiều phu”
Một sáng cuối tháng 4, chúng tôi theo chân anh Dương Văn Mau (32 tuổi, ngụ ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) đi vào vườn cao su kiếm củi. Anh Mau cùng với cha của anh là ông Dương Văn Được, 58 tuổi đi trên một chiếc xe máy cày nhỏ kéo theo rờ-moóc, trên đó có máy cưa, dây thừng, dao rựa cùng với đồ ăn, thức uống.
Anh Mau điều khiển chiếc máy cày chạy chầm chậm dọc theo vườn cao su, gặp cây nào bị đổ ngã là dừng lại, gọi điện thoại cho chủ vườn hoặc nhân viên bảo vệ vườn để xin cưa cây lấy củi. Khi được đồng ý, anh Mau liền xách máy cưa xuống, bắt tay vào việc rong cành nhánh trên thân cây.
Ông Được lấy thước đo, chia cây ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn dài cỡ 1 mét để sau đó anh Mau dùng cưa cắt rời ra. Cắt thân cây xong, anh tiếp tục cắt từng cành lớn, cành nhỏ thành những lóng có chiều dài tương tự. Rồi ông Được đỡ giúp những lóng củi ấy lên để anh Mau vác đem chất lên rờ- moóc máy cày.
Trong lúc nghỉ mệt, anh Mau mới có thời gian rảnh để tâm sự. Anh làm công nhân Nông trường cao su Bổ Túc từ năm 2005 đến nay. Những năm trước, khi mủ cao su chưa rớt giá, trung bình mỗi tháng anh kiếm được 9 triệu đồng.
Với khoản thu nhập ấy anh không cần phải đi làm thêm như bây giờ. Những năm gần đây, khi mủ cao su bị tuột giá, thu nhập của anh bị giảm xuống chỉ còn 6 triệu đồng/tháng, không đủ để nuôi vợ và hai đứa con. Vì thế gần hai năm nay, hễ lúc nào rảnh rỗi là anh lại theo cha đi làm “tiều phu”.
Ba tháng gần đây, cao su đang vào mùa thay lá, toàn bộ nông trường tạm ngưng thu hoạch mủ nên ngày nào cha con anh cũng rong ruổi trong vườn cây. “Có ngày cha con tôi kiếm được 3- 4 mét khối củi nhưng có ngày đành về xe không”- anh Mau kể.
Theo lời anh, công việc kiếm củi coi vậy mà không đơn giản chút nào, bởi vì: “Mỗi ngày cha con tôi phải đi từ 7 giờ sáng. Hôm nào xe không mắc lầy thì đến chạng vạng là về tới nhà. Hôm nào không may xe bị lún sình thì đến 9- 10 giờ khuya mới về được.
Có hôm bị mắc lầy nặng, phải đổ củi xuống hết để về xe không, chờ hôm sau vào nhặt lại”. Củi cao su kiếm được, anh Mau chất thành hàng dài trước sân nhà, chờ thương lái đến mua.
Không có điều kiện mua xe máy cày, sắm máy cưa như cha con anh Mau, nên anh Lê Văn Tam, 51 tuổi, ngụ cùng ấp Trảng Ba Chân chỉ biết dựa vào sức mình. Hằng ngày, vợ chồng anh điều khiển chiếc xe lôi máy vào vườn cao su, tìm những cành rơi rụng dưới đất chất lên thùng xe.
Không thì dùng cây sào bằng tầm vông có gắn móc sắt để giật những cành khô trên cao. Trung bình, mỗi ngày vợ chồng anh Tam kiếm được khoảng 3 mét khối củi. Cành nhánh cao su đem về, vợ chồng anh bỏ công cưa thành từng lóng chờ bán cho thương lái.
Anh Tam nói: “Để kiếm được một xe củi cao su không phải dễ. Hai vợ chồng tôi phải lao động quần quật cả ngày, đôi khi còn phải trả giá đắt”. Nói xong anh giơ ra cho chúng tôi xem cánh tay trái còn một vết sẹo dài.
Đó là dấu vết tai nạn hồi năm ngoái, khi giật một cành cao su khô, anh bị vấp đá, chạy không kịp nên cành cây rớt xuống, theo phản xạ anh đưa tay lên đỡ.
Hậu quả là ống xương cánh tay bị gãy, phải đi bệnh viện. Anh được phẫu thuật và nẹp vào đó một ống inox. Hiện đã tới thời hạn phải trở lại bệnh viện để lấy ống inox đó ra, nhưng vì chưa có tiền nên anh đành để vậy.
Kiếm củi đã cực, bán củi cũng chẳng sướng gì. Anh Tam kể: những năm trước, mỗi ngày có ít nhất 2 xe tải từ các tỉnh miền Tây lên tận đây mua củi cao su, giá bán lúc đó 170.000 đồng/khối. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả tuần mới có một xe đến mua mà giá lại tụt giảm, chỉ còn 150.000 đồng/khối.
Củi bị ế ẩm, anh Tam phải chất thành năm bảy hàng dài trước sân. Ở ấp Trảng Ba Chân, không chỉ gia đình anh Tam mà còn có khoảng 20 hộ khác cũng làm nghề kiếm củi cao su. Củi không bán được tạo thành một bãi củi dài ngút ngàn dọc hai bên đường, đến nỗi người dân trong ấp đặt tên cho cái xóm dân cư này là “xóm Củi”.
Cũng theo lời anh Tam, nhiều người trong xóm là công nhân Nông trường cao su Bổ Túc như anh. Vì thu nhập ít ỏi nên họ mới phải đi làm thêm cái nghề “tiều phu” vừa cực nhọc vừa không ít nguy hiểm, hy vọng kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống.
Xoay xở để tồn tại
Không đủ sức tiếp tục đeo bám nghề cạo mủ cao su, một số người vốn là công nhân cao su lâu năm, cuối cùng cũng đã chia tay với cái nghề mình từng gắn bó. Trường hợp của anh Dương Văn Đây là một thí dụ. 35 tuổi, anh Đây đã có gần 6 năm làm công nhân cạo mủ ở Nông trường Bổ Túc.
Vợ anh cũng là một công nhân cạo mủ lành nghề tại đây. Khi đời sống công nhân bị “tuột” theo giá mủ, đầu năm 2014, anh Đây xin nghỉ làm công nhân. Sau đó, anh mua 2 con bò cái về nuôi và đi thu hoạch mủ cao su phụ vợ. Anh giải thích: trung bình, mỗi công nhân được Nông trường giao khoán thu hoạch mủ khoảng hơn một công.
Trên thực tế, công nhân khó có thể hoàn thành hết định mức công việc của mình, vì vậy, bao giờ một công nhân chính thức cũng phải tự thuê thêm một nhân công khác phụ việc. Những năm trước đây, hai vợ chồng anh Tam thuê hai người phụ việc và phải trả công với giá khá cao.
Vì vậy, trước tình hình thu nhập bị giảm sút, anh Đây đành xin nghỉ việc nông trường để tự mình phụ việc cho vợ. Hằng ngày, ngoài phụ việc thu hoạch mủ cao su, thời gian còn lại, anh tranh thủ đi cắt cỏ cho bò ăn.
Anh Tam còn có một người em rể cũng đã chia tay với nghề cao mủ từ đầu năm 2014 trong khi người anh vợ của anh thì đang chờ quyết định cho nghỉ chính thức. Nhiều công nhân khác của Nông trường cũng đã nghỉ việc, một số trở về quê tìm phương kế sinh nhai, một số là người tại địa phương thì chuyển sang nghề khác.
|
Công nhân khổ, công ty cũng “mệt”
Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi về thực trạng đời sống công nhân cao su hiện nay, ông Trương Văn Cư- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên (Công ty cao su Tân Biên) xác nhận: chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, có khoảng 200 công nhân của Công ty xin nghỉ việc.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ấy. Thứ nhất, công nhân lớn tuổi, hết sức lao động. Thứ nhì, gia đình công nhân cũng có trồng cao su, những năm trước đây các hộ này thuê người thu hoạch, nay họ muốn nghỉ làm công nhân để rảnh tay chăm sóc vườn nhà.
Thứ ba, do tiền lương năm nay có giảm so với những năm trước, cụ thể như năm 2014: lương bình quân mỗi công nhân là 5,5 triệu đồng/tháng; năm nay, mức lương bình quân được Công ty công khai ngay từ đầu năm là 4,2 triệu đồng/tháng (giảm 1,3 triệu đồng).
Nguyên nhân giảm lương công nhân cũng là do giá thu mua mủ cao su trên thị trường tụt giảm (năm 2014, giá bán bình quân một tấn mủ cao su là 37,2 triệu đồng; năm nay chỉ còn khoảng 30,5 triệu đồng- giảm 6,7 triệu đồng/tấn).
Ông Cư cho biết thêm, trước tình hình công nhân nghỉ việc nhiều như vậy, mùa thu hoạch này, Công ty cao su Tân Biên phải “đau đầu mệt óc” sắp xếp lại việc thu hoạch mủ cho phù hợp tình hình thực tế. Ngoài ra, Công ty còn áp dụng một số biện pháp khác như vận dụng nhiều nguồn để có tiền thưởng cho công nhân vào những ngày lễ lớn;
Tiếp tục duy trì hoạt động tổ chức cho số công nhân đạt lao động tiên tiến và loại A được đi tham quan du lịch trong nước; duy trì hội trại truyền thống hằng năm cho công nhân được vui chơi, giải trí.
Đặc biệt, mỗi quý các nông trường đều tổ chức đối thoại với công nhân một lần để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, bên cạnh đó là tuyên truyền tình hình chung của ngành cao su trong nước, cũng như những thách thức mà Công ty đang gặp phải để công nhân thấu hiểu và chia sẻ, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đại Dương - Quốc Sơn