Vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông- Công an Tây
Ninh có tổ chức cấp phát 300 áo phao cho 25 chủ phương tiện đang làm nhiệm vụ
vận chuyển hành khách tại 14 bến đò ngang trên địa bàn tỉnh.
Việc cấp áo phao cho các chủ phương tiện vận
chuyển hành khách trên sông là một chủ trương đúng của ngành chức năng. Điều đó
thể hiện sự quan tâm đối với việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi
tham gia giao thông trên sông nước. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là chủ trương tốt
đẹp này chưa phát huy được tác dụng. Chúng tôi có dịp đến hai bến đò ngang trên
sông Vàm Cỏ Đông và chứng kiến tận mắt việc các chủ phương tiện không chấp hành
nghiêm quy định của Nhà nước.
 |
Khách đi đò Bến Đình không có ai mặc
áo phao |
Tại bến đò ngang Phước Chỉ (ấp Phước Bình, xã
Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng)- nơi vừa diễn ra lễ cấp phát áo phao, có 3 chiếc đò
liên tục vận chuyển hành khách từ xã Phước Chỉ qua xã Lộc Giang (thuộc huyện Đức
Huệ, tỉnh Long An) và ngược lại. Mỗi chiếc chở khoảng 5 – 10 hành khách, tuyệt
nhiên không có hành khách nào mặc áo phao khi sang sông. Trên chiếc đò biển số
TN- 02892, có 7 cặp áo phao và phao treo tòn ten hai bên thành đò. Tất cả các áo
phao còn để nguyên trong bao ni lông (giống y như khi được phát). Một số áo phao
và phao khác để trên gác, trong mui đò, theo kiểu “cất để đó” chứ không phải để
sử dụng. Hai chiếc đò còn lại, tình trạng cũng tương tự. Chúng tôi thử quan sát
một số chuyến đò, đều nhận thấy lúc hành khách xuống đò, người điều khiển phương
tiện không hề lên tiếng nhắc nhở hành khách mặc áo phao.
Chúng tôi hỏi anh Ngô Thành Đê- người điều khiển
chiếc đò biển số TN- 02892 về việc sử dụng áo phao, anh trả lời: “Có đưa cho bà
con nhưng họ không chịu mặc vì ngại áo phao cồng kềnh”. Hỏi sao áo phao vẫn để
trong bọc ni lông, anh nói “để cho nó mới”.
Tại bến đò Bến Đình (ấp B, xã Tiên Thuận, huyện
Bến Cầu), có một chiếc đò đưa khách sang xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu). Trưa ngày
15.6.2011, chúng tôi thấy đò qua lại trên sông liên tục, mỗi chuyến chở khoảng
20 hành khách và các loại xe mô tô. Hai bên thành đò có treo nhiều phao, áo phao
nhưng cũng không có ai mặc áo phao. So với đò ở Phước Chỉ, đò ở đây có quy mô
nhỏ hơn, không có mui che nhưng lại chở số lượng người và xe nhiều hơn.
Lúc này đang là mùa mưa. Vào những lúc có mưa
giông, dễ gây sóng to gió lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ là
không nhỏ. Việc cấp phát áo phao để bảo vệ tính mạng cho hành khách qua lại trên
sông như ngành công an đã làm là rất cần nhưng chưa đủ để chấm dứt hết mọi nỗi
lo. Thiết nghĩ, các cấp, ngành có trách nhiệm cần tăng cường khâu kiểm tra, kiểm
soát, thường xuyên có biện pháp giáo dục, nhắc nhở, răn đe, trong trường hợp cần
thiết cũng phải xử lý thật nghiêm khắc đối với các chủ phương tiện còn lơ là,
không thực hiện nghiêm các quy định. Kể cả đối với hành khách đi đò, cũng cần
rèn tập cho họ thói quen đề cao cảnh giác, biết tự phòng ngừa cho bản thân trước
những rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra, nhằm bảo vệ tính mạng của chính mình. Đừng
chủ quan, giỡn mặt với… thuỷ thần nếu không muốn trở thành nạn nhân của loại tai
hoạ sông nước mà hậu quả của nó thường rất khó lường.
ĐẠI DƯƠNG