Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn; hiệu quả công tác cấp nước, tình trạng thất thoát, thất thu nước sạch.
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 4064/KH-UBND về thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2024-2028, với mục tiêu bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng. Đồng thời bảo đảm cung cấp nước liên tục và chất lượng nước theo quy chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khoẻ người dân.
Trạm cấp nước sạch huyện Bến Cầu. (Ảnh minh hoạ)
Để triển khai thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra, kế hoạch UBND tỉnh triển khai 6 nội dung như:
Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14.12.2018 của Bộ Y tế; kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn theo quy chuẩn quy định.
Bố trí huy động, lồng ghép các nguồn lực, đầu tư cải tạo, sửa chữa công trình cấp nước nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là khu vực khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa.
Quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước: bảo vệ chất lượng nguồn nước đầu vào; xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép.
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước là bảo vệ sức khoẻ đến người sử dụng nước.
Ứng dụng, lồng ghép tiến bộ khoa học trong đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa công trình cấp nước; trong sản xuất, cung cấp nước sạch nông thôn bảo đảm chất lượng, an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố.
Tổ chức các hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho các cán bộ, người lao động, nâng cao năng lực trong công tác quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước.
Kế hoạch còn đề ra một số nhóm giải pháp. Cụ thể, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ:
Đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô lớn, liên xã, liên huyện, ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống công trình thuỷ lợi (hồ chứa, kênh chuyển nước, kênh chính) để xử lý, cấp nước cho sinh hoạt.
Mở rộng tuyến ống các công trình cấp nước tập trung nông thôn kết nối với hệ thống cấp nước đô thị (khu vực phù hợp) để mở rộng phạm vi cấp nước và bao phủ vùng cung cấp nước, bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả, bền vững.
Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nước tại các công trình; kịp thời phát hiện các công trình có nguồn nước ô nhiễm để có giải pháp khắc phục, xử lý phù hợp, bảo đảm chất lượng nước đầu vào và sau xử lý; có phương án tìm kiếm nguồn nước thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước đang khai thác.
Người dân được hỗ trợ thiết bị lọc nước trên địa bàn huyện Bến Cầu. Ảnh minh hoạ
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn; hiệu quả công tác cấp nước, tình trạng thất thoát, thất thu nước sạch.
Đồng thời nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thiết bị xử lý nước hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; sử dụng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại về kiểm soát chất lượng và khử trùng nước; đầu tư các thiết bị phục vụ công tác giảm thất thoát, duy trì ổn định áp lực và cấp nước liên tục; giám sát chặt chẽ, phát hiện sự cố kịp thời trên toàn hệ thống, tránh thất thoát nước.
Theo đó, kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2024-2028 tỉnh tổ chức triển khai tại 44 công trình cấp nước trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, triển khai tại 12 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Tân Biên, 9 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Tân Châu, 2 công trình cấp nước tập trung huyện Dương Minh Châu, 5 công trình cấp nước tập trung huyện Châu Thành, 1 công trình cấp nước tập trung thị xã Hoà Thành, 5 công trình cấp nước tập trung huyện Bến Cầu, 10 công trình cấp nước tập trung thị xã Trảng Bàng và 3 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố Tây Ninh.
Trên cơ sở kế hoạch được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, kiểm tra, đánh giá độc lập theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, phòng ngừa các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, khu vực bảo vệ nguồn nước, xử lý kịp thời các sự cố, các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước và mất an toàn hệ thống cấp nước.
Theo UBND tỉnh, việc duy trì hoạt động bền vững của các công trình cấp nước tập trung nông thôn, bảo đảm hiệu quả, cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, chất lượng nước theo quy chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khoẻ người dân đang là một trong những vấn đề được quan tâm trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2025, có 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân là 15%. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 85%.
Nhi Trần