Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Quy định mới về cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích:
Cấp sở được giao quyền chủ động
Thứ ba: 08:47 ngày 30/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Các cá nhân, tổ chức được cấp chứng chỉ và giấy chứng nhận hành nghề tu bổ di tích ngoài việc có đầy đủ pháp nhân về tổ chức, văn bằng chuyên môn về xây dựng còn phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL (các cơ sở bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích của Bộ từ Trung ương đến các địa phương).

Vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn, triển khai Nghị định số 61/2016/NĐ-CP (Nghị định 61) của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi tắt là di tích). Các đại biểu tham dự tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị định 61 của Chính phủ có hiệu lực pháp luật ngay tại thời điểm ban hành 1.7.2016 gồm có 4 chương, 21 điều quy định rất cụ thể về kinh doanh giám định cổ vật (chương II) và hành nghề tu bổ di tích (chương III). Nghị định 61 ra đời kịp thời cụ thể hoá, bổ sung những khiếm khuyết cho Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18.9.2012 (Nghị định 70) của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh và Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28.12.2012 (Thông tư 18) của Bộ VH,TT&DL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Có thể nói Nghị định 61 là “cây gậy mới” cho ngành VH,TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; vì Nghị định 70, Thông tư 18 quy định về điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề khi tham gia lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích là “Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích và thi công tu bổ di tích có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định tại Điều 6 thông tư này (Thông tư 18) được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…”. Nay, Điều 10, Nghị định 61 có nêu: “Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề (tu bổ di tích)”.

Ngoài ra, Nghị định 61 quy định rất cụ thể việc hành nghề tu bổ di tích, chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích được cấp cho các cá nhân khi đáp ứng đủ điều kiện về lập quy hoạch, lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thi công và giám sát thi công tu bổ di tích. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích cũng do giám đốc Sở VH,TT&DL hoặc giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cấp lại và thu hồi cho các tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định về lập quy hoạch, lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thi công và giám sát thi công tu bổ di tích.

Các cá nhân, tổ chức được cấp chứng chỉ và giấy chứng nhận hành nghề tu bổ di tích ngoài việc có đầy đủ pháp nhân về tổ chức, văn bằng chuyên môn về xây dựng còn phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL (các cơ sở bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích của Bộ từ Trung ương đến các địa phương). Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận hành nghề tu bổ di tích đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trước ngày 1.7.2016 vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn.

Như vậy kể từ nay, Giám đốc Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn toàn chủ động trong việc mời gọi các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực ở địa phương lập quy hoạch, dự án, thi công và giám sát thi công các công trình di tích ở địa phương, không còn phải mất thời gian trông chờ từ Bộ (phải lập và gửi hồ sơ về Bộ). Các tổ chức, cá nhân cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề tu bổ di tích ở địa phương.

Kết luận hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên đề nghị Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn thiện bộ thủ tục hành chính về kinh doanh giám định cổ vật, hành nghề bảo quản, tu bổ phục hồi di tích; tổ chức tập huấn ở địa phương; bảo đảm quy trình thủ tục thẩm định, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề tu bổ di tích theo sự phân cấp của Bộ VH-TT&DL trong thời gian tới, nhằm đảm bảo tốt nhất cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở từng địa phương.

Võ Hoà Minh

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh