Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại Tây Ninh, tính đến hết tháng 5.2011, ngành chức năng đã phát ra hơn 81.000 thẻ BHYT dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

![]() |
Trẻ dưới 6 tuổi là đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí |
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến thời điểm này, cả nước hiện còn khoảng 2 triệu trẻ em dưới 6 tuổi chưa nhận được thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Một trong những nguyên nhân chính, theo lý giải của Bộ Y tế là do: “Công tác bàn giao giữa Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan bảo hiểm còn chậm, chưa thống nhất được quy trình cấp thẻ BHYT tại địa phương”. Nhận định của Bộ Y tế không sai, song thực tế không phải chỉ có vậy.
Luật BHYT không quy định sau khi trẻ được sinh ra mấy ngày thì phải được cấp thẻ BHYT nên có nhiều trường hợp thẻ đến với trẻ rất muộn nhưng vẫn không phạm luật! Ngoài lý do ấy, còn có một số lý do khác khiến cho việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có cả vấn đề chất lượng khám chữa bệnh BHYT.
Cháu Nguyễn Thị Yến Nhi con anh Nguyễn Ngọc Thanh (nhà ở ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) sinh tháng 11.2009, tính đến nay đã gần 2 tuổi mà vẫn chưa có thẻ BHYT, anh Thanh cho biết: sau khi bé Nhi chào đời, nhân viên y tế của ấp có nhắc anh về việc đưa giấy khai sinh để làm thủ tục để cháu được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên do một vài trục trặc về giấy tờ nên cháu Nhi hiện vẫn chưa có thẻ BHYT. Ngoài chuyện thủ tục, anh Thanh tỏ ra không mặn mà lắm với việc làm thẻ BHYT cho con, bởi theo anh: “Mua thuốc ngoài nhà thuốc uống mau khỏi hơn thuốc của BHYT cấp”! Anh Thanh cho biết anh cũng sẽ làm thủ tục xin cấp thẻ BHYT cho con nhưng chỉ để “đề phòng khi có chuyện không may xảy ra”.
Là gia đình thuộc diện hộ nghèo, chị Trần Thị Thu Hương, ấp Cầu Trường, xã Hảo Đước (Châu Thành) cho hay, cả hai vợ chồng và đứa con lớn đã được cấp thẻ BHYT. Riêng, con trai út của chị- cháu Trương Tấn Sang sinh tháng 9.2009 chưa được cấp thẻ. Chị Hương cho biết, mấy năm trước, thấy cán bộ ấp, xã phát thẻ BHYT cho thì cầm, chứ bản thân chị hoàn toàn không biết chính sách BHYT cho người nghèo và trẻ em. Những lúc con đau ốm, chị tự mua thuốc ngoài điều trị cho con dù thu nhập của gia đình không khá lắm. Được nghe giải thích về quyền lợi của người có thẻ BHYT, chị Hương có vẻ quan tâm, hỏi: “phải làm gì để có thẻ BHYT?”
Tương tự như chị Hương, anh Nguyễn Kỳ Trí, nhà ở ấp Trường (xã Hảo Đước) cho biết con trai anh tên là Nguyễn Việt Thành năm nay 3 tuổi rưỡi nhưng cũng chưa có thẻ BHYT. Anh cũng chưa từng biết đến quy định trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Con bệnh anh chỉ biết ra nhà thuốc.
Anh Trần Văn Dũng, nhà ở ấp Vịnh, xã An Cơ có cô con gái tên là Trần Thị Yến Nhi. Gần 1 năm sau khi ra đời, con gái anh mới có được thẻ BHYT tuy vậy anh Dũng không hề thắc mắc về sự chậm trễ này, bởi anh chỉ nghe mang máng rằng hình như chỉ có con em của những hộ cận nghèo và nghèo thì mới được Nhà nước cấp không thẻ BHYT, còn các hộ khác thì không được anh cũng không quan tâm. Cả hai vợ chồng anh Dũng đều mù chữ.
![]() |
Tại khu đăng ký khám chữa bệnh BHYT- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh |
Lý giải về việc không làm thủ tục để cho các con được hưởng BHYT miễn phí, một giáo viên (xin không nêu tên) nhà ở Thị xã, công tác tại một trường THCS ở Châu Thành nói: anh không mấy tin tưởng vào chất lượng khám và chữa bệnh BHYT! Kinh tế gia đình anh không đến nỗi nào nên khi nhà có người bệnh thì cứ điều trị theo dịch vụ cho chắc ăn.
Có những trường hợp vợ chồng lấy nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Vì vậy khi sinh con, họ không kịp thời làm giấy khai sinh cho con. Mà không có giấy khai sinh thì trẻ không thể có thẻ BHYT. Có trẻ, mãi đến tuổi đi học, mới làm giấy khai sinh. Nhiều bậc cha mẹ do thiếu hiểu biết hoặc chủ quan chỉ sau khi con cái đau ốm phải điều trị tốn kém mới lo làm thẻ BHYT cho chúng.
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Quyên, Trưởng Trạm Y tế xã An Cơ (Châu Thành) cho biết: trong thực tế, có một số hộ gia đình do chỉ tạm trú ở địa phương một thời gian rồi chuyển đi nơi khác nên họ không quan tâm mấy đến quyền lợi về y tế của con em mình. Mặt khác, họ thường e ngại vấn đề thủ tục.
Từ những trường hợp cụ thể như trên, có thể rút ra vài nguyên nhân chính khiến cho việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em chưa đạt yêu cầu. Trước tiên, việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn hạn chế (thậm chí có biểu hiện… chuyền “quả bóng trách nhiệm cho nhau). Thứ hai, công tác thông tin tuyên truyền, giải thích về lợi ích của BHYT đối với người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn cũng chưa đi vào chiều sâu. Bằng chứng là còn không ít người không biết gì về chính sách BHYT của Nhà nước. Thứ ba- nguyên nhân quan trọng: chất lượng khám chữa bệnh dành cho người có thẻ BHYT vẫn chưa làm cho người dân cảm thấy thực sự yên tâm.
Tại Tây Ninh, tính đến hết tháng 5.2011, ngành chức năng đã phát ra hơn 81.000 thẻ BHYT dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, số thẻ này có đến được các cháu bé hay không thì lại là vấn đề khác. Việc quản lý, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn của mỗi địa phương trong tỉnh hiện vẫn đang tồn tại những điều bất cập. Có nhiều trường hợp cán bộ phụ trách ở địa phương nhận thẻ BHYT của trẻ em về nhưng lại… cất vào ngăn tủ khi nào có người dân đến hỏi thì mới đưa ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng thẻ BHYT dành cho trẻ em là do cán bộ phụ trách bị quá tải công việc hoặc do trên thẻ không ghi địa chỉ cụ thể của đối tượng được nhận thẻ nên cán bộ muốn giao thẻ cũng chẳng biết đâu mà tìm… |
Đ.V.T