BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cắt hợp đồng với nhà thầu xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông

Cập nhật ngày: 03/04/2013 - 11:40
HTML clipboard

(BTN)- Ông Trịnh Văn Lo- Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã khẳng định như trên khi trao đổi với phóng viên sáng ngày 2.4.2013 về tình hình xử lý lục bình trong mùa khô 2012 – 2013.

Gần hai năm “xử lý” cầm chừng

Ông Trịnh Văn Lo cho biết, theo yêu cầu đề ra đối với công tác xử lý lục bình (đã được UBND tỉnh phê duyệt), 90 ngày sau khi ký hợp đồng, đơn vị thi công phải đảm bảo thông thoáng suốt tuyến sông Vàm Cỏ Đông dài khoảng 101km, từ Đồn Biên phòng 839 (xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên) đến rạch Tràm (xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng). Mặt sông cần được giữ thông thoáng liên tục ở chiều rộng trung bình 70m nhằm đảm bảo luồng tàu chạy.

Tháng 6.2011, Sở GTVT tổ chức đấu thầu gói thầu xử lý lục bình sông Vàm Cỏ Đông. Điều kiện để tham gia đấu thầu là: Nhà thầu phải chứng minh có vốn cố định và lưu động từ 3 tỷ đồng trở lên; phải có đủ phương tiện cơ giới dùng để vớt lục bình; công suất vớt lục bình mỗi ngày từ 78.000m2 trở lên; phải trình bày phương pháp, máy móc, thiết bị vớt hợp lý, khả thi để đạt công suất yêu cầu; phải chứng minh lục bình sau khi vớt được đưa vào bãi tập kết, sử dụng lục bình chế biến thành các sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài hoặc có nơi tiêu thụ ổn định, không gây ô nhiễm môi trường.

Một phương tiện “xử lý lục bình” của Công ty Thanh Sơn “chết đứng” giữa dòng sông lục bình

Công ty Thanh Sơn đã đưa giá chào thầu là 4.950.000.000 đồng (thấp hơn 1 tỷ đồng so với mức giá trần của tỉnh đưa ra), dù chưa phải là đơn vị đưa ra mức giá chào thầu thấp nhất nhưng được chọn. Theo Sở GTVT, lý do là Công ty Thanh Sơn tỏ ra đáp ứng được các yêu cầu khác như năng lực xử lý, năng lực tài chính, hướng giải quyết “đầu ra” cho lục bình. So với các nhà thầu khác, Công ty Thanh Sơn “trội” hơn.

Trong gần 2 năm qua, Công ty Thanh Sơn đã triển khai trục vớt lục bình ở một số điểm ven sông Vàm Cỏ Đông, nhưng do lượng lục bình quá lớn mà năng lực của nhà thầu còn hạn chế, không bố trí đầy đủ thiết bị máy móc và nhân công xử lý nên hiệu quả rất hạn chế. Trong nhiều lần kiểm tra, Sở GTVT xác định lục bình dồn ứ lại gây ách tắc dòng sông ở nhiều đoạn với chiều dài khoảng từ 1km đến 3km. Vào mùa khô 2011 - 2012 và mùa khô 2012 - 2013, tình trạng lục bình lấp sông tái diễn như thời điểm chưa triển khai gói thầu xử lý lục bình. Người dân lưu thông qua nhiều khúc sông vô cùng khó khăn, có những thời điểm ghe máy, thuyền máy không thể đi lại được. Điều này gây bức xúc trong dư luận nhân dân, nhiều người cho rằng “tiền tỷ trôi sông” vì việc xử lý lục bình không hiệu quả.

Về cơ bản, việc trục vớt lục bình kém hiệu quả bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Bởi theo dự báo của nhiều người và các phương tiện thông tin đại chúng, việc xử lý một khối lượng lục bình khổng lồ thường xuyên di chuyển bằng cách “vớt” là khó khả thi.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Thanh Sơn (độ chính xác của số liệu này chỉ mang tính lý thuyết tương đối), sông Vàm Cỏ Đông qua Tây Ninh có chiều dài 106km, nơi rộng nhất khoảng 155m, nơi hẹp nhất khoảng 90m, diện tích mặt sông khoảng 13.231.000m2. Sau khi vớt từ dưới sông lên bờ và để cho ráo nước, 1m2 lục bình có trọng lượng trung bình khoảng 10kg. Tại thời điểm đấu thầu (tháng 6.2011), có khoảng 92.617 tấn lục bình trên sông Vàm Cỏ cần được xử lý để làm thông thoáng mặt sông. Công ty Thanh Sơn lập phương án xử lý lục bình bằng cách sử dụng băng chuyền đặt trên bờ, “lôi” lục bình đưa lên xe “đưa đi tiêu thụ”. Bình quân, mỗi băng chuyền hoạt động 7 giờ/ngày với công suất trung bình 5 tấn/giờ. Với 8 băng chuyền có công suất 35 tấn/ngày/băng chuyền, mỗi ngày nhà thầu sẽ vớt được gần 300 tấn. Nếu hoạt động suốt 300 ngày/năm, sẽ có 94.500 tấn lục bình được vớt lên khỏi mặt sông.

Ngay từ khi phương án xử lý lục bình của Công ty Thanh Sơn được công bố, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về hiệu quả xử lý của doanh nghiệp này. Bởi Công ty không có máy móc chuyên dùng có công suất cao. Mặt khác, những thiết bị, máy móc dùng vớt lục bình là do Công ty Thanh Sơn “tự chế”, hoạt động không ổn định, thường xuyên hư hỏng nên việc trục vớt gián đoạn liên tục. Mặt khác, nếu triển khai đúng 8 điểm vớt lục bình dọc sông Vàm Cỏ Đông, chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, nhiên liệu và chi phí nhân công rất cao, nhà thầu khó có khả năng thực hiện. Đúng như dự đoán, Công ty Thanh Sơn chỉ triển khai một số phương tiện thô sơ ở 3, 4 điểm, trục vớt cầm chừng chờ… mưa!

Kiên quyết dừng gói thầu?

“Liệu có sự lựa chọn sai lầm trong việc chọn nhà thầu xử lý lục bình không?”, phóng viên đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở GTVT. Ông Lo cho biết, tại thời điểm đấu thầu và so với các đơn vị tham gia đấu thầu khác thì không thể chọn được đơn vị khá hơn Công ty Thanh Sơn. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý lục bình, Công ty Thanh Sơn đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tìm được đầu ra cho lục bình sau khi vớt nên chi phí đầu tư cao. Khả năng tài chính có giới hạn cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế của việc xử lý lục bình.

Năm 2012, sau 1 năm xử lý lục bình kém hiệu quả, Sở GTVT đã ra “tối hậu thư” cho nhà thầu, buộc cam kết nếu trong thời gian nhất định mà không cải thiện được hiệu quả vớt lục bình thì Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh đề nghị cắt hợp đồng. Vớt không xuể, “bí” quá, Công ty Thanh Sơn đành áp dụng “sáng kiến” của ông Tư Đảnh (xã Thành Long, Châu Thành): đuổi lục bình bằng cách giăng dây ngang sông, lợi dụng con nước đẩy lục bình về hạ lưu. Thay vì dùng máy móc để vớt như đề án đã đưa ra, Công ty giăng dây “đuổi” lục bình và khẳng định chắc nịch sẽ “đạt kết quả không ngờ”. Tuy nhiên, việc này chỉ gây phiền toái, khiến nhiều phương tiện giao thông đường thuỷ không lưu thông được, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông lẫn trật tự xã hội. Sau đó, dòng sông lại dày đặc lục bình!

Vì sao hơn một năm qua, Công ty Thanh Sơn không bảo đảm yêu cầu xử lý lục bình, nhưng tỉnh vẫn để nhà thầu này tiếp tục thực hiện dự án? Ông Lo cho biết Sở đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xử lý lục bình và đã đề cập đến việc “cắt” hợp đồng với Công ty Thanh Sơn vì hiệu quả xử lý lục bình quá kém. Tuy nhiên, để ngừng gói thầu này phải thực hiện các bước theo quy trình, đồng thời Công ty Thanh Sơn cũng mong muốn có thêm thời gian để cải thiện hiệu quả xử lý lục bình. “Tôi cũng đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh cho tổ chức đấu thầu lại, hoặc chọn giao cho đơn vị có năng lực hơn trong việc xử lý lục bình. Tuy nhiên, trước mắt hầu như không có đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nào muốn tham gia gói thầu này, vì cho rằng khó thực hiện đạt yêu cầu, trong khi chi phí đầu tư rất cao”, ông Lo cho biết.

Cách đây hơn tháng, trước thực trạng lục bình “tái lấp” sông Vàm, Công ty Thanh Sơn dùng phương tiện cơ giới “chặt” lục bình thành từng đoạn nhỏ cho trôi sông (không vớt) nhưng việc này xem ra chẳng khác gì “ném đá ao bèo”. Gần đây, hầu như Công ty Thanh Sơn đã dừng hẳn hoạt động trục vớt lục bình theo phương án đã được UBND tỉnh chấp thuận. Có người cho rằng “có lẽ nhà thầu chờ… mưa xuống đẩy lục bình xuống hạ lưu mà khỏi mất công vớt”. Tuy nhiên, trước sự phản ứng khá gay gắt của dư luận trong thời gian qua về hiệu quả không chấp nhận được của gói thầu xử lý lục bình gần 5 tỷ đồng, Sở GTVT đã có động thái kiên quyết đối với gói thầu này. “Tôi đã đề xuất với Giám đốc Sở tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương “cắt” hợp đồng với Công ty Thanh Sơn và kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất”, ông Trịnh Văn Lo nói.

HOÀNG ĐÌNH BẢO