BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đôn Thuận, Trảng Bàng:

Cát tặc “rút ruột” đất nông nghiệp  

Cập nhật ngày: 29/10/2020 - 20:52

BTNO - “Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc để ghe, tàu khai thác cát cận bờ sông Sài Gòn như đang diễn ra. Đây là việc cần làm ngay nhằm bảo vệ bờ sông và đất đai của người dân gần đó” – Ông Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1950, ngụ ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng) nêu ý kiến.

Tàu khai thác cát lấn sâu vào dãy đất nông nghiệp và như đang hoạt động hết công suất

Theo phản ánh của ông Sơn, đất của ông nằm giáp với sông Sài Gòn, tại một đoạn bờ sông thuộc địa phận ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận. Nhiều năm qua, tàu, ghe sắt khai thác cát công suất lớn của DNTN Cát đá sỏi Minh Hưng (DNTN Minh Hưng) thường xuyên hoạt động cận bờ sông. Việc khai thác thác cát gần bờ như vậy đã gây sạt lở, ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp ven sông của người dân, trong đó có đất của ông Sơn.

“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh vấn đề này đến chủ doanh nghiệp, cơ quan chức năng. Thế nhưng, tình hình bơm hút cát cận bờ vẫn cứ diễn ra. Thậm chí, vì quá bức xúc nên người dân đã dùng nạng thun bắn sỏi, dùng cây ném vào ghe sắt để đẩy đuổi những người điều khiển ghe bơm cát. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp nhất thời, tình trạng bơm hút cát cận bờ vẫn cứ tái diễn.

Đứng trước nguy cơ đất nông nghiệp gần bờ sông bị thu hẹp dần diện tích mà không làm gì được, nhiều người dân địa phương đành chọn cách bán luôn đất cho chủ doanh nghiệp khai thác cát, hoặc bán cho người ở nơi khác đến mua. Trong số những người rơi vào tình thế phải bán đất có tôi...” - Ông Sơn cho biết.

Cận cảnh dàn máy “khủng” của tàu bơm hút cát

Theo ông Sơn, hiện ông vẫn còn khoảng 5.000m² đất nông nghiệp gần sông, giáp với khu vực mà hằng ngày nhiều ghe vẫn lén lút khai thác cát. Đó là mảnh đất ruộng cuối cùng của gia đình. Thực tế, mảnh đất này đã và đang bị sạt lở, diện tích bị giảm đáng kể.

Ông Sơn kiến nghị Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc để ghe, tàu khai thác cát cận bờ sông Sài Gòn như đang diễn ra. Đây là việc cần làm ngay nhằm bảo vệ bờ sông và đất đai của người dân gần đó. Bảo vệ luôn vùng đất nông nghiệp cặp sông mà chủ DNTN Minh Hưng đã mua lại từ bà con, tránh việc nhận sang nhượng đất lúa gần sông để rồi... cho ghe bơm hút cát cận kề, hoạt động ngoài phạm vi được cấp phép.

Qua quan sát vào các ngày 17, 19, 24, 29.10.2020, việc ông Sơn phản ánh có nhiều tàu, ghe sắt hoạt động khai thác cát cận đoạn bờ sông nêu trên là có thật. Nếu tính theo đường chim bay, từ cầu Cá Chúc (cách UBND xã Đôn Thuận khoảng 300m) hướng về sông Sài Gòn khoảng 800m là đến khu vực thường xuyên có nhiều tàu khai thác cát sát bờ sông. Thực tế, với khoảng cách như vừa nêu, người quan sát có thể nhìn thấy làn khói đen kịt của những phương tiện khai thác cát tại  một khóm cây cặp bờ sông, liền kề cánh đồng đất nông nghiệp.

Xa hơn chút nữa lại bắt gặp thêm một chiếc

Quan sát bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng phát hiện ra các tàu, ghe như trên. Thế nhưng, để đến gần các phương tiện này là vô cùng khó khăn. Bởi vì, tại đây hầu như không có phương tiện để tiếp cận bằng đường thủy. Chỉ có thể đến “điểm nóng” khai thác cát bằng đường bộ băng qua một cánh đồng bưng. Người không quen địa hình dễ rơi vào tình huống bị “mắc lầy”, khi đó nếu càng cử động thì càng bị lún sâu xuống vùng đất “không chân” (loại đất này thường có nhiều cát), rất nguy hiểm. 

Địa hình như vậy, có thể là một lợi thế cho các tàu, ghe bơm hút cát tăng cường hoạt động cận bờ mà không lo bị người dân hoặc cơ quan chức năng “làm phiền”. Theo quan sát, hằng ngày có khoảng 5 tàu và ghe sắt tập trung khai thác cát tại đây. Cụ thể là tại một khóm cây tiếp giáp cánh đồng ruộng bưng, gần với thửa đất mà ông Sơn đang đề cập. Khách quan, có 3 phương tiện thường hay neo đậu sát khóm cây để bơm hút cát.

3 tàu sắt này như luôn hoạt động hết công suất khi tiếng động cơ liên tục gầm rú và thải ra làn khói đen bốc lên cuồn cuộn. 2 ghe sắt còn lại hoạt động cách đó không xa, cách bờ sông khoảng 10m, thỉnh thoảng lại áp sát bờ sông tiếp giáp dãy ruộng bưng để thả ống hút cát. Trung bình, cứ khoảng 40 phút thì các ghe đầy cát và rời đi, không lâu sau đã quay lại vị trí cũ, tiếp tục hì hục bơm hút cát gần bờ sông suốt cả ngày.

Vị trí các tàu, ghe thường tập trung hoạt động không nằm trong phạm vi các điểm khép góc được phép khai thác (tại khu vực hình tròn)

Sáng 29.10, cùng chứng kiến 4 phương tiện đang bơm hút cát sát bờ sông (ghe thứ 5 bị một lùm cây khác và vườn cao su gần sông che khuất). Sau khi xem qua bản đồ vị trí khu vực gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản của DNTN Minh Hưng, cán bộ địa chính xã Đôn Thuận cho hay, 4 ghe đang hút cát ngoài phạm vi được cấp phép, tức khai thác trái phép. Cán bộ địa chính đã đánh dấu trên bản đồ tại vị ví 4 ghe này đang hoạt động.

Cẩn thận hơn, ngay lúc đó cán bộ địa chính và Phó chủ tịch UBND xã Đôn Thuận Nguyễn Văn Hưng tiếp tục đối chiếu bản đồ địa chính và bản đồ nêu trên, quả nhiên vị trí 4 ghe được đánh dấu nằm ngoài phạm vi các điểm khép góc được phép khai thác khoáng sản.

Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 1601 (gia hạn) ngày 14.7.2017 do UBND tỉnh cấp cho DNTN Minh Hưng: Gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản số 2348 ngày 7.9.2016 để DNTN Minh Hưng được tiếp tục khai thác khoáng sản cát xây dựng tại đoạn sông Sài Gòn từ km 19 đến km 29 thuộc địa phận xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (nay là Thị xã Trảng Bàng) và xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đến tháng 2.2021.

Với diện tích 344.036m² được giới hạn bởi các điểm góc theo thứ tự 3 khu. Từng khu được đánh số thứ tự và diện tích cụ thể, có tọa độ xác định trên nền bản đồ khu vực khai thác khoáng sản tỷ lệ 1/5.000 kèm theo, cùng các quy định không thể tách rời giấy phép gia hạn này.

Ông Phạm Văn Còn – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Trảng Bàng cho biết, trong năm nay Phòng không nhận được phản ánh nào từ người dân về việc khai thác cát của DNTN Minh Hưng. Ông Nguyễn Văn Hưng cũng đồng ý kiến như ông Còn. Ông Hưng còn cho hay do mới nhận nhiệm vụ sang mảng này nên chưa tiếp cận được hồ sơ của doanh nghiệp khai thác cát.

“UBND xã Đôn Thuận sẽ mời đại diện DNTN Minh Hưng và người dân phản ánh lên làm việc, nhằm có hướng giải quyết theo quy định” – ông Hưng nói.

Minh Quốc