Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cát Tiên là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam đạt danh hiệu Danh lục Xanh
Chủ nhật: 19:11 ngày 30/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cát Tiên là Vườn Quốc gia đầu tiên và là Khu bảo tồn thứ hai của Việt Nam, sau Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận năm 2021, được nhận danh hiệu Danh lục Xanh.

Bàu Sấu Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi lưu giữ nhiều quần thể động vật hoang dã quý hiếm. (Nguồn: Báo Lâm Đồng)

Vườn Quốc gia Cát Tiên vừa được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức công nhận là khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu Danh lục Xanh IUCN.

Cát Tiên là Vườn Quốc gia đầu tiên và là Khu bảo tồn thứ hai của Việt Nam (Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận năm 2021) được nhận danh hiệu này, đánh dấu bước ngoặt cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên chia sẻ: “Sự công nhận này thể hiện cam kết của chúng tôi trong công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.”

Được công nhận Danh lục Xanh là kết quả của nỗ lực bảo tồn đúng hướng, kiên trì của cả tổ chức trong nước và sự hỗ trợ từ quốc tế, ông Phạm Xuân Thịnh nhấn mạnh.

Tham gia Danh lục Xanh từ năm 2016, hành trình của Vườn Quốc gia Cát Tiên bắt đầu với việc đánh giá các biện pháp bảo tồn, bao gồm bảo vệ các loài đang nguy cấp, gìn giữ sự đa dạng của hệ sinh thái thông qua các dự án phục hồi giám sát đa dạng sinh học, phục hồi sinh cảnh và bảo tồn loài.

Các chương trình và sáng kiến giáo dục môi trường cũng được Vườn triển khai nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Chim hồng hoàng quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp được ghi nhận và bảo vệ nghiêm ngặt tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. (Nguồn: Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên)

Cộng đồng địa phương cũng tham gia tích cực vào các hoạt động bảo tồn, mang lại cho họ cơ hội phát triển sinh kế bền vững.

Bên cạnh đó, Vườn ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuần tra bảo vệ và giám sát động vật hoang dã. Đội ngũ nhân viên của Vườn thường xuyên được tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn để quản lý và bảo vệ hiệu quả.

Năm 1978, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hình thành Khu rừng cấm Nam Bãi Cát Tiên, có chức năng quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ, là tiền đề của Vườn Quốc gia Cát Tiên hiện nay.

Trải qua 46 năm hình thành và phát triển, Vườn Quốc gia Cát Tiên đang quản lý hơn 71.000ha rừng đặc dụng, là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao được thể hiện qua sự phong phú và đa dạng về hệ sinh thái, đa dạng về loài.

Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng là nơi có thành phần loài thực vật phong phú và đa dạng nhất trong các rừng đặc dụng ở khu vực Nam Bộ, với cả thực vật sống trên cạn, vùng bán ngập và vùng đất ngập nước. Đây cũng là nơi cư trú của 1.655 loài thực vật và 1.720 loài động vật, trong đó có nhiều loài nguy cấp quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam.

Trong khoảng từ năm 2010-2023, các nhà khoa học đã ghi nhận và công bố thêm khoảng 100 loài mới từ các nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Nơi đây cũng được biết đến là khu vực có quần thể bò tót có số lượng lớn nhất tại Việt Nam, nơi duy nhất còn tồn tại quần thể cá sấu nước ngọt ngoài tự nhiên, nơi sinh sống của voi châu Á với số lượng cao thứ 2 Việt Nam, nhiều loài động vật nguy cấp đặc hữu khác còn tồn tại với số lượng lớn...

Cây tung được cộng đồng mạng mệnh danh “Thằn lằn sấm” tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. (Nguồn: Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên)

Danh lục Xanh của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế là một bộ Tiêu chuẩn toàn cầu nhằm ghi nhận các Khu bảo tồn đã đạt được các kết quả bảo tồn thiên nhiên thành công.

Bộ tiêu chuẩn này cung cấp quy trình xác minh đảm bảo, trao chứng nhận cho những khu vực đáp ứng và duy trì được 17 tiêu chí và 50 chỉ số được chia thành 4 lĩnh vực gồm quản trị tốt; thiết kế và lập kế hoạch tốt; quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công.

Quá trình đánh giá Danh lục Xanh được thực hiện bởi một ban chuyên gia đánh giá độc lập, với sự giám sát chặt chẽ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Tiêu chuẩn Danh lục Xanh được duy trì tính nhất quán trên toàn cầu nhưng có sự điều chỉnh và áp dụng theo bối cảnh địa phương.

Tiêu chuẩn Danh lục Xanh được sử dụng để phân tích khoảng trống trong công tác quản trị để các nhà quản lý có thể đưa ra những giải pháp cải thiện.

Châu Á chiếm 50% số lượng các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn được công nhận danh hiệu Danh lục Xanh trên toàn cầu.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á tham gia Danh lục Xanh từ năm 2015 cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nguồn Vietnam+

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục