BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cắt tranh- Nghề của người nghèo

Cập nhật ngày: 29/10/2009 - 05:43

Ở ấp Vịnh, xã An Cơ, huyện Châu Thành hiện còn “sót” lại 3 vựa tranh.

Cô Sáu, chủ một vựa tranh trong số đó cho biết, thỉnh thoảng vẫn có người tìm đến mua tranh. Khách hàng không còn là những hộ nghèo mua về lợp nhà như xưa nữa mà là các doanh nghiệp, chủ quán cà phê tận TP.HCM. Cũng còn một vài người đến để tìm tranh lợp cho gian nhà phụ hoặc nhà bếp, tránh cái nóng giữa mùa hè.

Hiện tại, một tấm tranh sau khi thành phẩm được bán với giá 4.500 đồng. Một ngày, người khoẻ mạnh có thể đánh được trên 30 tấm. Vựa tranh của cô Sáu thường xuyên có 3-5 người đánh tranh thuê, với tiền công 500 đồng/tấm.

Cũng theo cô Sáu, vùng nguyên liệu tranh nay không còn dồi dào như trước, tìm những trảng tranh bạt ngàn như xưa giờ chỉ còn là… trong mơ. Người đi cắt tranh phải lùng sâu vào khu vực Bàu Rau Muống bên xã Phước Vinh hoặc qua tận Campuchia. Việc mua đi bán lại cũng không còn tính theo “tay tranh” như trước, mà là bán mão cả xe. Một xe tranh thường dao động ở mức 60.000 - 80.000 đồng, cao lắm cũng không quá 100.000 đồng.

Nay ít ai còn theo nghề cắt tranh như cô Tươi.

Để có được những tấm tranh đẹp, đòi hỏi tranh phải sạch sẽ, hom chẻ phải đều. Những vựa tranh giờ không còn nhiều, tuy vậy những tấm tranh màu vàng óng thường làm người ta nghĩ về một thời chưa xa...

Chúng tôi đã tìm đến nhà cô Đào Thị Tươi- chuyên làm nghề cắt tranh đã gần 20 năm nay. Từ tờ mờ sáng, vợ chồng cô Tươi đã đèo nhau trên chiếc xe cub cà tàng đến Sóc Thiết, Bàu Rau Muống. Một cái garmèn cơm, 1 chai nước, 1 đôi bao tay, 1 cái liềm và vài sợi dây, đó là toàn bộ “đồ nghề” của một người cắt tranh. Chìa đôi bàn tay với những vết sẹo trên đó, cô Tươi nói: “Trước, nhiều người làm nghề cắt tranh lắm, nhưng những năm gần đây, tranh không còn đắt hàng như trước. Thêm vào đó, nghề này vất vả nên ai cũng oải, nghỉ hết rồi, chỉ còn nhà tôi làm nghề này thôi!”.

Nay sắm được chiếc xe cub cà tàng, đối với cô Tươi đã khá lắm rồi, những năm mới vào nghề thì chuyện hai vợ chồng cô đạp xe 2-3 giờ liền để qua xã Phước Vinh hay ngược lên Hoà Hiệp kiếm tranh là bình thường . Đi từ 3 giờ sáng, trở về sau 2 giờ chiều, mỗi xe tranh kiếm được cũng chỉ đủ đắp đổi.

Tranh sau khi cắt xong, phải dùng mũi liềm cào phần gốc cho thật sạch, sau đó chở về nhà phơi (có người phơi trong rừng). Sau 2 - 3 ngày nắng tốt, những cọng tranh khô vàng óng, được giũ cho thật sạch rồi mới đem bán cho vựa.

“Bây giờ hôm nào trời nắng cô mới đi làm, vì phải lùng vào tận trong rừng lận. Vợ chồng cô chịu cực chịu khổ quen rồi nên mới bám được cái nghề này, chứ người trẻ bây giờ chẳng ai làm nổi đâu!”- cô Đào Thị Tươi tâm sự.

THANH PHƯƠNG