Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tuyển dụng người không học sư phạm vào ngành giáo dục:
Câu chuyện bị động nguồn nhân lực
Thứ tư: 00:15 ngày 26/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 5.4, Bộ GD&ÐT ban thành Thông tư 11 quy định chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học. Kể từ ngày 22.5, Thông tư 11 có hiệu lực. Vậy, những người nào có thể trở thành giáo viên nếu trước đó không học trường sư phạm?

Giáo viên Trường THPT Trần Ðại Nghĩa (TP. Tây Ninh) ôn thi cho học sinh lớp 12.

Thông tư 11 quy định, những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học gồm các ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ. Sinh viên có bằng tốt nghiệp nêu trên, nếu có nhu cầu, nguyện vọng theo nghề dạy học thì phải học để lấy chứng chỉ chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Do đối tượng tuyển dụng không học trường sư phạm, Thông tư 11 quy định một số nội dung, yêu cầu, tiêu chuẩn đối với những người muốn theo nghề, trong đó có phẩm chất và năng lực giáo dục, dạy học.

Về phẩm chất: tôn trọng, tin tưởng vào khả năng học tập, sự tiến bộ của học sinh, yêu thương học sinh, sẵn sàng hỗ trợ học sinh trong học tập và cuộc sống. Ứng viên phải cam kết nuôi dưỡng, phát huy năng lực của mỗi học sinh, yêu nghề, tự hào, tận tâm với nghề, ý thức được sự cần thiết tự rèn luyện, tự phát triển nghề nghiệp.

Về năng lực giáo dục: vận dụng được kiến thức về tâm lý học, giáo dục học lứa tuổi học sinh tiểu học để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục học sinh tiểu học. Vận dụng được các kiến thức về giao tiếp sư phạm với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh, học sinh, xã hội trong các hoạt động giáo dục.

Thực hiện có hiệu quả các hoạt động quản lý hành vi để giúp phát triển nhân cách của học sinh tiểu học, thực hiện có kết quả các hoạt động phối hợp giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng để phát triển năng lực học sinh tiểu học.

Về năng lực dạy học: vận dụng được kiến thức tâm lý học tiểu học, giáo dục học tiểu học và lý luận dạy học môn học để dạy học ở cấp tiểu học. Phân tích được chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, chương trình môn học, chỉ ra được mối liên hệ giữa các môn học ở cấp tiểu học, mục tiêu môn học với mục tiêu của cấp học.

Phân tích được cấu trúc bài học, lựa chọn được nội dung dạy học phù hợp, thiết kế được kế hoạch dạy học cho các bài học hoặc chủ đề gắn với môn học cụ thể ở cấp tiểu học theo định hướng phát triển năng lực.

Xác định được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, vận dụng để thực hành tổ chức các hoạt động dạy học. Ứng viên có trình độ nhất định để ứng dụng được công nghệ thông tin trong dạy học, hoạt động giáo dục, mô tả, hệ thống được các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh tiểu học nói chung và môn học cụ thể nói riêng.

Về năng lực định hướng sự phát triển học sinh: tìm hiểu được đối tượng giáo dục, xác định được hướng phát triển của học sinh, hỗ trợ được học sinh phát triển, tư vấn cho cha mẹ học sinh về sự phát triển của học sinh.

Thông tư 11 còn yêu cầu ứng viên về năng lực hoạt động xã hội, cụ thể là thực hiện đầy đủ  quy tắc ứng xử của nhà trường, xã hội, các quy định về quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia hoạt động trong cộng đồng nghề nghiệp, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động cộng đồng.

Về năng lực phát triển nghề nghiệp, thực hiện được hoạt động sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, có kỹ năng trao đổi, làm việc hợp tác phát triển chuyên môn, thực hiện được các hoạt động nghiên cứu sư phạm ứng dụng, tự học, tự bồi dưỡng để phát triển nghề nghiệp, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề ở trường tiểu học....

Ðể có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, ứng viên phải học 35 tín chỉ, trong đó  31 tín chỉ bắt buộc, 4 tín chỉ tự chọn. Một tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết, 1 tiết lý thuyết tương đương với 2 tiết thảo luận, thực hành.

Không giống cấp tiểu học, ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, Thông tư 12 của Bộ GD&ÐT quy định, những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, cấp THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên của hai cấp học này đều có thể học để lấy chứng chỉ sư phạm.

Ðể trở thành giáo viên cấp THCS, THPT, ứng viên được yêu cầu tôn trọng, tin tưởng vào khả năng học tập và sự thay đổi tích cực của học sinh, sẵn sàng hỗ trợ học sinh trong học tập. Cam kết nuôi dưỡng, phát huy tiềm năng của từng học sinh, sẵn sàng tư vấn học sinh về tâm lý học đường, phương pháp học tập tích cực và về lựa chọn, phát triển nghề nghiệp. Ứng viên cần yêu nghề, tận tâm với nghề, tin tưởng và tự hào về nghề dạy học, ý thức được sự cần thiết của việc tự học, tự nghiên cứu suốt đời đối với nhà giáo.

Yêu cầu về năng lực giáo dục, thực hiện được các nhiệm vụ giáo dục đáp ứng các yêu cầu của trường phổ thông, làm được công tác chủ nhiệm lớp, tổ chức được hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, biết cách phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh, cộng đồng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Năng lực dạy học, biết vận dụng được tri thức khoa học chuyên ngành để triển khai dạy học các nội dung của chương trình môn học cấp THCS, THPT. Xây dựng được kế hoạch dạy học môn học cấp THCS,THPT đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Xây dựng được kế hoạch bài học phù hợp với đặc thù môn học, đặc điểm học sinh và môi trường giáo dục, tổ chức được hoạt động dạy học đáp ứng yêu cầu môn học cấp THCS, THPT...

Năng lực định hướng sự phát triển học sinh, tìm hiểu được đối tượng giáo dục, có khả năng tư vấn, tham vấn giáo dục, hỗ trợ học sinh phát triển cá nhân.

Năng lực hoạt động xã hội, thực hiện nghiêm túc những quy định về văn hoá ứng xử và về trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Nhận thức đúng về phát triển nghề nghiệp của bản thân, tham gia có hiệu quả hoạt động sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Xây dựng được đề cương nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể trong giáo dục.

Thời lượng chương trình tuỳ vào từng cấp học cụ thể nhưng khối học phần chung dành cho ứng viên gồm 17 tín chỉ. Một tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết, 1 tiết lý thuyết tương đương với 2 tiết thảo luận, thực hành.

Ngoài ban hành hai thông tư nêu trên, Bộ GD&ÐT ban hành chính sách đào tạo giáo viên theo địa chỉ như một hình thức cử tuyển mới (Báo Tây Ninh đã thông tin).

Như đã đề cập nhiều lần, khoảng 20 năm trở lại đây, chính sách đối với những người lao động trong ngành Giáo dục, cụ thể là giáo viên có nhiều thay đổi, nhiều biến động. Có giai đoạn sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, không tìm được việc làm đúng ngành đúng nghề như dự định ban đầu.

Lại có giai đoạn, ngành Giáo dục cần giáo viên (tuỳ từng địa phương, từng môn học, bậc học) nhưng tuyển không được. Lại còn có chuyện, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, nguồn tuyển cũng có nhưng thi tuyển lại không đậu...

Năm 2014, tại thời điểm đó, sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều, Bộ GD&ÐT, Bộ Nội vụ yêu cầu tạm dừng tuyển dụng những người học ngành nghề khác (nhưng có chứng chỉ sư phạm) vào ngành giáo dục.

Bảy năm sau, 2021, trước tình hình thiếu giáo viên ở một số môn học, bậc học, cũng chính Bộ GD&ÐT ban hành chính sách tuyển dụng người không học sư phạm vào ngành... Tóm lại, chuyện thừa, thiếu giáo viên có hàng loạt nguyên nhân.

Chương trình và sách giáo khoa mới (Chương trình 2018) mới triển khai được một năm. Ở cấp tiểu học có thể không có quá nhiều biến động nhưng hai cấp học còn lại (THCS, THPT) sẽ có nhiều thay đổi, vì cấu trúc chương trình, sách giáo khoa thay đổi.

Trong đó, việc tích hợp, nói nôm na cho dễ hiểu là việc sáp nhập một số môn học trước đây thành môn học có tên gọi mới nhưng lại chưa chuẩn bị đội ngũ giáo viên để có thể thích ứng chương trình mới. Tại một số kỳ họp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội từng chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ÐT về câu chuyện thừa, thiếu giáo viên hoặc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình, sách giáo khoa 2018.

Những lo ngại của dư luận trong và ngoài ngành không phải không có cơ sở. Chỉ còn vài ba tháng nữa, năm học 2021-2022 triển khai đối với lớp 6 nhưng không có giáo viên dạy những môn học tích hợp. Ðiều này có nghĩa, sau khi đã ghép, sáp nhập một số môn học lại với nhau, việc triển khai chuyên môn như thế nào, ai sẽ dạy những môn học này, đến giờ chưa được làm rõ.

Sẽ chẳng có gì bất ngờ khi hai hoặc ba giáo viên dạy một cuốn sách sáp nhập, vì không giáo viên nào đủ trình độ để dạy hai môn học, nếu có dạy, chất lượng cũng không cao. Trên thực tế, giáo viên chỉ cần đủ kiến thức, phương pháp để dạy thật tốt một môn học. Chưa kể, lần đầu tiên trong lịch sử, môn Hoá học xuất hiện ở lớp 6....

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh