Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Câu chuyện biên chế: Vừa thừa vừa thiếu, vừa tinh giản vừa tuyển dụng
Thứ năm: 23:52 ngày 11/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang xây đựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung 1.015 chỉ tiêu, cụ thể: sự nghiệp GD&ĐT 431 chỉ tiêu, sự nghiệp Y tế 522 chỉ tiêu, sự nghiệp Văn hoá 16 chỉ tiêu, sự nghiệp khác 46 chỉ tiêu.

Giáo viên tập huấn thay sách giáo khoa (Ảnh minh hoạ)

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh vừa kết thúc cách nay ít ngày, UBND tỉnh báo cáo tình hình quản lý, sử dụng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 và trình HĐND tỉnh nghị quyết phê duyệt số lượng người làm hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2022.

HƠN 2.000 BIÊN CHẾ CHƯA SỬ DỤNG

Năm 2021, căn cứ Nghị quyết số 47/2020/NQ-HĐND ngày 10.12.2020 của HĐND tỉnh về giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021, UBND tỉnh ban hành quyết định giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn tỉnh là 17.548 chỉ tiêu, trong đó, Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) 14.377 biên chế, Y tế 2.291 biên chế, Văn hoá 385 biên chế và sự nghiệp khác 495 biên chế.

Tính đến ngày 31.3.2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí, sử dụng 15.432 người/17.548 chỉ tiêu (tỷ lệ 87,94%), còn 2.116 biên chế chưa bố trí, trong số này phần lớn thuộc biên chế của ngành Giáo dục, Y tế.

Năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tuyển dụng được 696/1.933 chỉ tiêu (tỷ lệ 36%), cụ thể: sự nghiệp GD&ĐT tuyển dụng được 409/1.430 chỉ tiêu, sự nghiệp Y tế tuyển dụng được 208/403 chỉ tiêu, sự nghiệp Văn hoá tuyển dụng được 39/56 chỉ tiêu, sự nghiệp khác tuyển dụng được 40/44 chỉ tiêu.

Số nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc và hưởng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP là 459 người, trong đó nghỉ hưu đúng tuổi 195 người, thôi việc 185 người và tinh giản biên chế 79 người.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang xây đựng kế hoạch tuyển dụng bổ sung 1.015 chỉ tiêu, cụ thể: sự nghiệp GD&ĐT 431 chỉ tiêu, sự nghiệp Y tế 522 chỉ tiêu, sự nghiệp Văn hoá 16 chỉ tiêu, sự nghiệp khác 46 chỉ tiêu.

UBND tỉnh đánh giá, việc giao số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đúng quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Công tác quản lý số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện đúng quy định của pháp luật, trên tinh thần từng bước tinh giản số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm theo lộ trình.

Tuy vậy, việc xây dựng phương án tự chủ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chậm, do đó, việc thực hiện giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chuyển sang nguồn thu sự nghiệp chưa kịp thời. Việc tuyển dụng để bố trí đủ số lượng người làm việc theo số lượng được giao còn chậm, hiện còn 2.116 chỉ tiêu chưa bố trí (chiếm tỷ lệ 12,06%).

Nguyên nhân của hạn chế, khó khăn được xác định: Bộ Tài chính chưa ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với ngành GD&ĐT chưa bố trí đủ chỉ tiêu so với số được giao có nhiều nguyên nhân. Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, việc tuyển dụng viên chức mầm non, tiểu học, trung học học cơ sở thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển dụng.

Tiêu chuẩn giáo viên mầm non phải đạt trình độ cao đẳng trở lên (trước đây chỉ cần trình độ trung cấp), giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ đại học trở lên (trước đây chỉ cần đạt trình độ cao đẳng).

Các cơ sở đào tạo phải điều chỉnh lại kế hoạch đào tạo nên số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không kịp đáp ứng nhu cầu giáo viên hiện nay. Trước đây, ngoài nguồn tuyển dụng giáo viên trong tỉnh còn có nguồn tuyển dụng giáo viên từ các tỉnh bạn. Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều thiếu giáo viên nên nguồn tuyển dụng giáo viên hầu như không còn.

Do áp lực công việc của ngành học mầm non và chế độ tiền lương của giáo viên thấp nên chưa thu hút người lao động tham gia vào ngành. Công tác tuyển sinh giảm nhiều trong những năm gần đây nên thiếu nguồn đầu vào đối với các cơ sở đào tạo, nhất là đối với giáo viên mầm non… Các cơ quan, đơn vị địa phương đã thông báo tuyển dụng khoảng 431/1.409 chỉ tiêu chưa bố trí.

Đối với ngành Y tế (chưa bố trí 566 chỉ tiêu so với số chỉ tiêu được giao 2.291, tỷ lệ 24,71%), có các nguyên nhân sau: năm 2019, 2020, Sở Y tế đã thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (giải thể trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, giải thể 2 phòng khám đa khoa khu vực Tân Đông và Bình Thạnh; sắp xếp lại trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở sáp nhập trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình vào trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố).

Có 3 đơn vị sự nghiệp đã chuyển sang giao quyền tự chủ tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng) và biên chế đã được UBND tỉnh điều chuyển về các đơn vị sự nghiệp công lập khác có nhu cầu. Do dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, kéo dài nên việc tuyển dụng của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Y tế kéo dài từ năm 2020 sang năm 2021.

Đối với sự nghiệp văn hoá (chưa bố trí đủ 54 chỉ tiêu so với số giao 385, tỷ lệ 14,03%), có các nguyên nhân: số lượng viên chức làm việc nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc tinh giản biên chế trong năm 2021 là 16 trường hợp. Sau khi sắp xếp, các đơn vị phải xây dựng lại đề án, danh mục vị trí việc làm, bảng mô tả công việc và khung năng lực, làm căn cứ để tuyển dụng. Do tình hình dịch Covid-19 nên các đơn vị, địa phương chưa thực hiện tuyển dụng, hiện nay các đơn vị đã có kế hoạch tuyển dụng của năm 2022.

Theo tinh thần tinh giản, đến năm 2025, tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh phải thực hiện giảm tối thiểu 10% trên tổng số người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số giao năm 2021.

Thực hiện giảm số lượng người làm việc đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được UBND tỉnh giao biên chế nhưng nhiều năm chưa sử dụng. Giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và bổ sung số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp năm 2022 trên cơ sở số lượng đã thẩm định của Bộ Nội vụ. Căn cứ Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2022 là 17.197 người, giảm 351 người so với năm 2021.

Trong đó, sự nghiệp GD&ĐT 14.254 người (giảm 123 người), Y tế 2.060 người (giảm 231 người), Văn hoá 385 người (giữ nguyên), sự nghiệp khác 498 người (tăng 3 người do điều chuyển từ sự nghiệp GD&ĐT sang sự nghiệp khác).

TUYỂN DỤNG GẦN 66.000 GIÁO VIÊN

Một thông tin rất quan trọng liên quan đến biên chế, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế.

Trong đó có 336.328 biên chế cán bộ, công chức, 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Trong tổng biên chế viên chức được giao có 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026. Ngoài ra, còn có 686 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương; 205.571 cán bộ, công chức cấp xã; 1.358 biên chế Công đoàn tạm giao các địa phương. Trong tổng số biên chế nêu trên, chỉ riêng ngành Giáo dục lên đến gần 66.000 giáo viên.

Trong khi đó, ngày 18.7.2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, trong đó nêu rõ đến năm 2026, tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

Cụ thể, xem xét công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị của những năm trước, Bộ Chính trị kết luận như sau: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; giai đoạn 2021- 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021 thì phải đồng thời thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026; tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021.

Từ những điều vừa trình bày ở trên, không khó để nhận thấy, cơ chế, chính sách pháp luật trong vấn đề tuyển dụng, sử dụng biên chế còn không ít bất cập. Có những vấn đề tồn tại từ lâu vẫn chưa giải quyết xong, lại có vấn đề do thay đổi (có phần đột ngột về chính sách) nên khó tuyển dụng, như trong ngành Giáo dục.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh