BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện ngày giáp tết

Cập nhật ngày: 16/01/2023 - 00:05

BTN - Ở bên ấy, lúc nào em cũng mong muốn có dịp về thăm quê. Lẽ ra em về trước năm 2020, nhưng kẹt đại dịch dữ quá nên nay em mới xin nghỉ phép để về quê ăn tết.

Chiều 23 tháng Chạp, Bàn Dân vừa cúng đưa ông Táo xong thì có khách đến nhà chơi. Vừa gặp mặt nhau, Bàn Dân nhận ra ngay anh bạn hàng xóm dù đã xa cách khá lâu, gần 30 năm từ khi anh xuất ngoại sang Mỹ định cư theo diện thân nhân bảo lãnh. Anh bạn gần như không có gì thay đổi, lại có vẻ phương phi, trắng trẻo hơn xưa và có phần trẻ hơn tuổi “đáo tuế”, sáu mươi sắp bước qua sáu mốt.

- Ông về quê ăn tết à, lâu dữ rồi hả?

- Vâng, từ ngày xuất cảnh tới giờ em mới về quê lần đầu. Quê mình thay đổi nhiều quá, nếu không có người em rể xuống sân bay đón, em phải tự đi về thế nào cũng bị lạc!

- Ông thấy quê hương thay đổi ra sao, có tốt hơn hồi ông mới đi không?

- Tốt quá đi chứ! Không phải biết anh làm báo mà em nói xuôi theo anh đâu. Ngay từ lúc rẽ từ quốc lộ 22B vô hướng Long Hoa em đã đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác…

- Bất ngờ gì, kể tôi nghe đi, ông vô Long Hoa bằng đường nào? Hồi ông rời quê, chỉ có độc con đường Long Hoa - Giang Tân thôi, bây giờ có tới bốn đường đấy!

- Ban đầu em có biết là đường nào đâu, cứ ngỡ là đường ra Giang Tân mới nâng cấp. Tới chừng qua một giao lộ thấy bảng tên đường Trần Phú, em mới hỏi người em đi đón mình: Đường Trần Phú là đường nào vậy? Nó trả lời: Đường từ quốc lộ vô cửa 5 Toà thánh đó anh.

Em giật mình: Nội ô Toà thánh làm gì có cửa 5, bộ cửa mới xây hả? Nó mới nói: Em quên, cửa 5 là tên cửa mới, cửa cũ là cửa 7. Em giật mình: Vậy là lộ Bình Dương cũ đây mà. Không ngờ con lộ đá đỏ lầy lội lỗ hang ngày nào, xe cộ chỉ đi được một đoạn ngắn, nay là con đường to đẹp như vầy. Nhưng…

- Nhưng sao?

- Nhưng em có cảm giác dàn đèn đường khít quá, chắc xài điện hao dữ lắm!

- Ừ, lúc đầu tôi cũng có cảm giác như vậy, sau đó tôi tra cứu lại mới biết theo tiêu chuẩn quy định khoảng cách giữa hai cột đèn chiếu sáng lắp đặt trên đường phố, qua các khu dân cư khu phố chỉ là 25 tới 30 mét. Mà ông khỏi lo chuyện điện đóm đi, Tây Ninh mình bây giờ sản xuất điện dư xài cho gần một triệu hai trăm ngàn dân trong tỉnh, còn thừa sản lượng để xuất khẩu qua nước láng giềng nữa đấy!

- Vậy à, vậy chắc là tỉnh mình có nhà máy điện lớn lắm hả anh?

- Đúng vậy, nhưng không phải chỉ có một mà có cả chục nhà máy lớn ở trong lòng hồ Dầu Tiếng…

- Em nhớ hồi đi dân công xây dựng thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng thì đó là công trình thuỷ nông thôi mà, địa thế trong đó đâu có làm thuỷ điện được?

- Đúng vậy, nhưng hồ Dầu Tiếng rộng mấy chục ngàn héc-ta, còn có ba bốn ngàn héc-ta vùng bán ngập, quanh năm thừa nắng để khai thác sử dụng làm điện mặt trời. Vì vậy, Tây Ninh mình bây giờ gần như trăm phần trăm hộ dân cả thành thị lẫn nông thôn đều có điện xài.

Trở lại câu chuyện của anh bạn Việt kiều, thấy anh có vẻ cởi mở, Bàn Dân hỏi thăm về nguyên do anh rời quê đi định cư ở nước ngoài, anh bộc bạch chuyện riêng của mình:

- Thật ra, hồi đó em ra đi vì gia đình khó khăn quá! Anh cũng biết, học xong phổ thông, không vô đại học được nên em đi bộ đội. Lúc ấy là thời chiến tranh biên giới, em chẳng những hoàn thành ba năm nghĩa vụ quân sự mà thời gian tại ngũ tới bốn năm. Rời quân ngũ em không tìm được việc làm, lại “mặc cảm” vì… nhà có ông anh cả đi du học rồi định cư luôn ở Mỹ.

Tới chừng hai bên bình thường hoá quan hệ, Nhà nước có chính sách cho đi đoàn tụ theo diện bảo lãnh thì em đưa vợ con đi thôi. Qua đó khi còn trẻ khoẻ em chí thú học hành, ra trường có việc làm tốt trong ngành công nghiệp ô tô, em làm luôn cho tới bây giờ. Ở bên ấy, lúc nào em cũng mong muốn có dịp về thăm quê. Lẽ ra em về trước năm 2020, nhưng kẹt đại dịch dữ quá nên nay em mới xin nghỉ phép để về quê ăn tết.

- À, hoá ra ông làm trong ngành ô tô. Chắc ông biết chuyện xe ô tô Việt Nam giờ đã xuất được sang thị trường Mỹ rồi chứ?

- Biết chứ sao không anh, giờ là thời công nghệ thông tin mà, có chuyện gì trên thế giới mà người ta không biết!

- Vậy mà cũng có những người, là người Việt mình ở Mỹ lại cố tình “mắt lấp tai ngơ”, biết mà vẫn làm như không biết, lại còn bóp méo thông tin, xuyên tạc này nọ để phỉnh phờ, lôi kéo người khác chống lại Tổ quốc mình nữa đó!

- Đúng là cũng có những chuyện như thế, nhưng người Việt mình bên ấy bây giờ cũng hiểu rõ chuyện “bên nhà”, cũng thường xuyên về nước, thăm quê, chứ đâu có mấy người quên mất cội nguồn, Tổ quốc.

- Ông nói rất phải. Bàn Dân biết ông thật lòng, cầu mong mọi người ở xa Tổ quốc đều nhận thức đúng đắn như ông, cho dù ở đâu cũng không quên mình là người Việt, hướng về nước Việt và giữ được bản sắc dân tộc để cùng đồng bào trong nước phấn đấu dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh, vươn lên cùng bè bạn năm châu.

 Bàn Dân