Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tôi tự hỏi: Tình bà bao la vậy, nhưng không biết bà có đủ sức chờ cháu mình, đến ngày đón lại ánh bình minh?
Các bị cáo tại phiên tòa
Đứng trước Hội đồng xét xử TAND tỉnh trong phiên toà hình sự xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” là 3 bị cáo còn rất trẻ, gồm: Trần L.T (sinh năm 1999), Bùi Q.H (sinh năm 2005) và Cao N.N ( sinh năm 2000), cùng ngụ huyện Gò Dầu. Cả ba bị Viện KSND tỉnh truy tố với tội danh “giết người” theo điểm n, khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự với tình tiết giết người mang tính chất côn đồ.
Theo cáo trạng, vào khoảng 22 giờ ngày 25.12.2021, Trần L.T, Bùi Q.H và Cao N.N chuẩn bị hung khí là đao tự chế, bình xịt hơi cay để chờ chóm của Phạm V.P và Nguyễn C.B đến. Sau trận “thư hùng” giữa hai băng nhóm, V.P bị Trần L.T xịt hơi cay vào mặt, dùng đao chém vào người; Q.H cầm đao chém nhiều nhát vào đầu V.P. Riêng N.N chạy ra để phụ giúp nhóm L.T nhưng bị xịt hơi cay nên bỏ chạy vào nhà rửa mặt. Kết quả Phạm V.P bị thương tích đến 58% và theo nhận định của Viện KSND tỉnh, bị hại không chết là ngoài ý muốn của các bị cáo.
Phiên toà kết thúc, bị cáo Trần L T bị tuyên phạt 9 năm tù; Bùi Q.H và Cao N.N, mỗi bị phạt 5 năm tù về tội “giết người”. Ngoài ra, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường thiệt hại sức khoẻ, tinh thần cho bị hại.
Điều đáng tiếc sau phiên toà này là sự nông nổi của các bị cáo lẫn bị hại. Ban đầu, bị hại V.P hoàn toàn không có mâu thuẫn gì với nhóm bị cáo. Chỉ vì nghe tin bạn mình bị nhóm L.T đánh nên chủ động lên mạng xã hội Facebook nhắn tin thách đấu. Thậm chí, V.P cùng C.B còn chủ động mang đao, chạy mô tô vào tận nhà bị cáo L.T để “nói chuyện”.
Nhóm bị cáo L.T nghe V.P “thách đấu” nên đã chuẩn bị hung khí chờ “đón tiếp”. Vừa đến nhà L.T, V.P mới lớn tiếng hỏi “T. chó là thằng nào?”, nhưng đã bị L.T chủ động tấn công bằng hơi cay, sau đó là mà loạn đao gây thương tích nặng.
Tại phiên toà, bị hại V.P cho rằng việc chủ động đi tìm bị cáo L.T chỉ để “nói chuyện” nhưng khi Hội đồng xét xử hỏi tại sao lại mang hung khí theo thì V.P ấp úng trả lời là… thủ thân (!?).
Vụ án có một phần nguyên nhân lỗi là do bị hại V.P muốn thể hiện “bản lĩnh” của mình, nếu không chủ động “thách đấu”, tìm đến nhà bị cáo L.T, bị hại đã không bị chém thương tích nặng nề như thế. Còn các bị cáo cũng muốn thể hiện “ta đây là giang hồ thứ thiệt”, sẵn sàng gây thương tích nặng nề cho đối phương, bất chấp hành vi của mình vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Một phút thể hiện mình là “giang hồ thứ thiệt” đã đẩy thanh xuân lẽ ra rất đẹp đẽ của các bị cáo, có người chưa đủ tuổi thành niên, trở thành những tháng ngày tăm tối phía sau song sắt; còn sức khoẻ bị hại thì bị tổn hại, ảnh hưởng đến sức lao động.
Xót lòng hơn khi chứng kiến cảnh bà nội của bị cáo L.T đôn đáo tìm luật sư được chỉ định bào chữa cho cháu mình để hỏi thủ tục bồi thường như thế nào với hy vọng L.T sớm ra tù, làm lại cuộc đời. Bà cho biết, ba mẹ L.T đã ly hôn, không ngó ngàng gì đến con mình, bà và cô ruột của T phải chạy vạy khắp nơi để có tiền đền cho bị hại khi nằm viện. Giờ đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà cũng phải ráng kiếm tiền để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thay cho đứa cháu lầm lỗi, chỉ mong sau khi chấp hành án, nó biết ăn năn hối cãi là bà vui rồi, chứ không mong mỏi gì thêm.
Tôi tự hỏi: Tình bà bao la vậy, nhưng không biết bà có đủ sức chờ cháu mình, đến ngày đón lại ánh bình minh?
Tấn Hưng