BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện pháp đình: Nỗi ray rứt sau một phiên toà!

Cập nhật ngày: 23/07/2009 - 08:58

Chỉ vì một phút không kiềm chế bản thân mà suốt đời phải gánh lấy hậu quả

Trong ánh nắng oi bức cuối mùa hè, trước giờ làm việc buổi chiều, tôi cùng với chị đồng nghiệp đứng trước hành lang của cơ quan đón gió, hít thở không khí trong lành. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng của rất nhiều người từ dưới cầu thang đi lên, già trẻ lớn bé đều có. Tôi chợt nhớ chiều nay có phiên toà hình sự xét xử một vụ án “giao cấu với trẻ em”.

Đoàn người đi lên từng đợt, chưa bao giờ tôi thấy trụ sở Toà án nhộn nhịp đến như thế, người đến tham dự phiên toà đứng kín hết hành lang. Thư ký toà án bắt đầu mời những người tham dự phiên toà vào phòng xử và phổ biến nội quy phiên toà. Theo nội quy, cấm trẻ em dưới 16 tuổi tham dự phiên toà trừ trường hợp được mời đến tham dự phiên toà. Thư ký bắt đầu kiểm tra, mời những người không đủ điều kiện tham dự phiên toà ra khỏi phòng xử án. Tôi nhìn thấy trên băng ghế đầu một cô gái trẻ, ngồi cạnh cô là một cụ già khoảng 60 tuổi, tôi đoán cô gái là bị hại. Tôi nôn nóng muốn xem mặt bị cáo thế nào, nhưng do bị cáo tại ngoại nên chưa nhận ra được là ai thì Hội đồng xử án bắt đầu làm việc. Những người không đủ điều kiện tham dự phiên toà đa phần là những cô cậu ở tuổi 15-16, vây kín hết cửa ra vào và cứ núp ló nhốn nháo đến nỗi lãnh đạo Toà án phải ra giữ trật tự.

Chủ toạ mời bị cáo lên đứng trước vành móng ngựa. Tôi thấy một thanh niên có khuôn mặt “thư sinh” trông rất hiền. Bị cáo tên là Đ.T.B, sinh năm 1985 bị truy tố về tội “Giao cấu với trẻ em”. Bị hại Đ.T.N, sinh năm 1995.

Do có sự quen biết nên khi em N buồn việc gia đình, có đến tìm B và rủ B đi uống cà phê, N có nói với B là không muốn về nhà, muốn tìm nhà trọ ở. Thế là B tìm cho N một nhà trọ gần khu vực B sinh sống. Sau đó do thiếu kìm chế và được sự đồng ý của N, B đã thực hiện hành vi giao cấu với N. Sau khi N trở về nhà, bị cha mẹ phát hiện sự việc, cha của N làm đơn tố cáo B về hành vi “hiếp dâm”. Quá trình điều tra xác định B phạm tội “giao cấu với trẻ em” và phía gia đình B đã bồi thường cho gia đình N số tiền 50 triệu đồng. Về phía gia đình N cũng đã có đơn xin giảm hình phạt tù cho bị cáo. Sau khi xem xét, nghiên cứu kỹ hồ sơ, Hội đồng xét xử tuyên xử bị cáo B theo khoản 1 Điều 115 BLHS phạm tội “giao cấu với trẻ em” với mức hình phạt 1 năm tù giam, nhưng cho hưởng án treo vì có những tình tiết giảm nhẹ theo Điều 46 BLHS. Về biện pháp tư pháp, Toà ghi nhận gia đình em N chấp nhận bồi thường danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ cho em N số tiền 50 triệu đồng. Những người tham dự phiên toà vỗ tay tán thưởng Hội đồng xét xử đã có một bản án hợp tình hợp lý. Đây là hiện tượng ít thấy ở Toà án.

Sau phiên toà, tôi có trao đổi với Hội đồng xét xử và nhận thấy cũng phấn khởi. Thế nhưng sau phiên toà tôi cứ băn khoăn với rất nhiều câu hỏi mà không biết bao giờ mới có được câu trả lời. Đối với bị cáo, dù sao cũng phải mang suốt đời trong lý lịch của mình là “có tiền án”, rồi sau này cậu ấy sẽ hoà nhập cộng đồng như thế nào? Công việc của cậu ấy sau này có bị ảnh hưởng gì không?... Chỉ vì một phút không kìm chế bản thân mà suốt đời phải gánh lấy hậu quả. Còn riêng đối với bị hại, cuộc sống sau này của em sẽ ra sao? Sự việc này có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách, đạo đức của em? Cuộc sống của em như thế nào trong dư luận dèm pha?... Việc học hành của em liệu có bị bạn bè xa lánh?... Chỉ vì một phút nông nổi do buồn chuyện gia đình mà em buông thả để rồi phải nhận hậu quả cả đời. Số tiền 50 triệu đồng liệu có đủ để bù đắp cho em và gia đình về mặt tinh thần hay không?... Thiết nghĩ đây là một bài học kinh nghiệm cho những bậc phụ huynh, nên có sự quan tâm hơn đối với con cái mình và chọn cách cư xử phù hợp để giáo dục con cái, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

THIÊN KIỀU

(TAND huyện Gò Dầu)