Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cậu học trò bán vé số đỗ vào trường chuyên

Cập nhật ngày: 04/08/2011 - 01:16

Tuổi thơ của cậu học trò Nguyễn Lê Ngọc Kha ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành là những ngày tháng đầy gian khó. Khi Kha mới 3 tuổi đầu thì cha mẹ em chia tay nhau. Từ đó, một mình mẹ Kha vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ để nuôi dạy hai anh em Kha ăn học. Thương mẹ tảo tần hôm sớm, từ khi còn nhỏ Kha đã tập đi bán vé số phụ mẹ. Cứ sau mỗi buổi học về Kha lại rong ruổi khắp nơi bán vé số cho đến chiều tối mới về. Vào những ngày nghỉ hè, Kha dành trọn thời gian để đi bán vé số. Mỗi ngày Kha cũng kiếm được vài chục ngàn đồng để phụ giúp mẹ bởi đồng lương công nhân xí nghiệp của mẹ em chưa đầy 2 triệu đồng/tháng. Kha kể: “Nhiều lúc đi bán vé số thấy các bạn cùng lớp được cha mẹ đưa đi chơi em cũng muốn mình được như các bạn ấy lắm. Nhưng do hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, nếu không phụ mẹ kiếm tiền thì làm sao em có thể đi học, vì vậy mà dẫu cực khổ thế nào em cũng cố gắng vượt qua”.

Kha tranh thủ lúc rảnh rỗi ôn lại bài cũ

Tuy phải vất vả chuyện mưu sinh nhưng sức học của Kha thì lại rất đáng nể. Trong 9 năm đến trường thì cũng ngần ấy năm em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Do ban ngày phải đi bán vé số nên chỉ có buổi tối Kha mới học bài. Cách học của Kha là ở lớp thì chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, tối về nhà xem lại bài cũ và tranh thủ đọc thêm sách nâng cao. Kha cho biết: “Để có sách tham khảo những bài toán nâng cao, em đã tranh thủ thời gian trong lúc đi bán vé số ghé vào thư viện tỉnh mượn đem về nhà nghiên cứu thêm”. Cách học ấy đã giúp Kha nâng cao kiến thức. Kết quả là vừa qua, Nguyễn Lê Ngọc Kha đã thi đậu vào lớp 10 Toán Tin 2, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Đây là một phần thưởng xứng đáng dành cho nỗ lực vượt khó của Kha. Không những vậy, mới đây (7.2011) Kha còn được Báo Tuổi Trẻ TP.HCM trao suất học bổng “Chung một ước mơ” dành cho những học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Ước mơ của Kha là phấn đấu học giỏi để thi đậu vào Trường Đại học Y dược. Trước mắt con đường đến trường của Kha còn rất nhiều chông gai như lời em than thở: “Năm nay em lên cấp 3 sẽ có nhiều khoản chi phí hơn mà không biết mẹ em có lo nổi không. Nếu mẹ không lo nổi chắc em phải tìm việc gì đó làm thêm để có tiền học tiếp”.

HT