Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cầu mới - ngã ba sông
Thứ bảy: 06:54 ngày 10/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðấy là cây cầu thứ sáu bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông, sau những cầu Gò Dầu, Bến Sỏi, Gò Chai, Bến Ðình và gần đây là cầu Bến Cây Ổi nối Phước Vinh về Hoà Thạnh.

Cầu biên giới. Ảnh: Huỳnh Ðông

Cầu mới còn ít người biết tới. Là vì nó nằm trên đường tuần tra biên giới xuyên qua các xã của huyện Châu Thành và tiếp nối tới huyện Tân Biên. Tôi cũng vừa mới biết qua một bài ký của văn nghệ sĩ đi thực tế vùng biên giới, thấy kể con thuyền đưa họ đi ngang dưới gầm cầu.

Ðang mùa dịch Covid- 19 mà! Những lễ lạt khởi công, khánh thành đều tạm ngừng hoặc gọn nhẹ, nên hầu như tôi chẳng có thông tin gì về cây cầu ấy. Vậy mà đây! Sau hơn 1 giờ chạy xe máy từ TP. Tây Ninh, tôi đã thấy: “Cầu Phước Trung. Chiều dài 188.4 mét. Chiều rộng cầu 6.5 mét…”. Ðấy là tấm biển dựng ở hai đầu cầu ghi như thế. Dường như cầu vừa mới hoàn thành vào tháng 8.2020.

Trước khi đọc được tấm bảng tên cầu, tôi đã gặp nhiều điều mới lạ, thích thú. Ðầu tiên là con đường xuyên rừng qua ấp Phước Trung. Ngạc nhiên, vì bây giờ mới gặp một cánh rừng thuộc xã Phước Vinh còn đẹp đẽ và “nguyên sinh” đến thế.

Ðây không phải là con đường cũ ra bến Trung Dân, nơi có trạm chốt của đồn biên phòng, mà là con đường mới tinh khôi, nối từ đường 788 ra cầu. Ði xuyên rừng, bỗng nhớ lại những trang sử Phước Vinh thời kháng chiến.

Rừng Phước Vinh không chỉ “che bộ đội” mà còn bảo bọc chở che biết bao những cơ quan Quân Dân Chính Ðảng suốt hai thời chống Pháp rồi chống Mỹ. Những địa danh còn nằm trong ký ức vời vợi nhớ thương của rất nhiều người, như Bực Lở, Băng Dung, Chốt Lô-viêng hay Trảng Cồng, Bàu Hang, bến Cây Sao- bàu Rau Muống…

Tôi cũng từng đi xuyên qua rừng Phước Vinh tìm những cái tên xưa. Nhưng khu rừng lớn nhất phía Tây đường 788 đã bị xen vào rất nhiều những cao su, keo tràm và cả cây mì nữa. Vậy mà không ngờ, bên phía Tây đường còn một dải rừng già đẹp thế.

Chính là khu rừng đường tuần tra biên giới đi qua. Con đường chỉ rộng 4 mét thôi, nhưng có đủ những dải hộ lam, cống thoát nước qua đường. Cỏ đã xanh um tùm lên các vệ đường đất đỏ. Dù chưa phải là mặt bê tông nhựa nhưng bánh xe lăn êm ái không ngờ.

Ðiều thú vị nhất là cây cao bóng cả của rừng xưa còn nguyên vẹn ở hai bên, với đủ dáng hình vẹo vọ. Dây rừng buông thả trên cành cao hoặc uốn vặn cong queo, xoắn xuýt. Ðúng là kiểu rừng nguyên sinh tôi đã gặp ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hoặc trên đường xuyên rừng Chàng Riệc tới di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Nghĩa là Phước Vinh ít ra cũng còn vẹn nguyên một khu rừng già. Nói cho chuẩn xác hơn thì cũng đã có một vài diện tích được thay thế bằng vườn cao su tốt vợi. Nhưng chỉ là số ít. Suốt gần 2 cây số xuyên rừng, về cơ bản vẫn là rừng đúng nghĩa rừng nguyên sinh với ba bốn tầng thực vật. Nhìn hướng nào cũng thấy các cây cổ thụ vươn cao chót vót. Dưới là lùm bụi, dây leo chằng chịt khiến con người khó lách luồn qua.

Qua rừng là thềm sông đã mở ra thênh thang trước mặt. Những cánh đồng óng ả xanh, vàng. Ði qua vùng ruộng trũng, con đường nổi cao rõ hình một con rắn lượn. Bờ ta- luy đất đắp đỏ au đã phủ đầy những cỏ xanh như một bờ đê. Hai bên, không chỉ ruộng lúa mà còn cả những nương mì tốt ngợp.

Và kia, cây cầu đã nổi bật dưới trời thênh thang và trên một thảm lúa vàng rừng rực ven sông. Ôi cây cầu- đứa con thứ sáu của dòng sông, cũng có những trụ cầu như các cánh tay gân guốc. Và mặt cầu vồng lên như một cánh cung. Tất cả là một màu bê tông ngời trắng. Nổi bật giữa trời cao, cây xanh và thảm lúa vàng. Nói quá lên một chút là như một kỳ quan.

Thực ra, để đến được cầu trong mùa Covid- 19, vẫn phải qua 2 chốt chặn. Một cái ở trong rừng và một chốt cách chân cầu chưa đầy trăm mét. Ðấy là chốt của đồn biên phòng Vàm Trảng Trâu. Chốt ở gần sông dựng ngay dưới bụi cây tràm. Một căn nhà tiền chế bằng tôn.

Phía trước các anh còn che thêm một mái đơn sơ bằng cây chống sơ sài trùm bạt nylon. Chốt để các anh ngăn chặn người vượt biên trái phép, phòng ngừa dịch bệnh. Tôi vào hỏi thăm các anh bộ đội, dân quân đang ở trong ca trực, rồi nôn nóng ra xe chạy lên cầu.

Ôi, cây cầu cao vun vút dốc lên nhưng đã đi qua bằng xe máy lại cảm nhận rằng không dốc lắm. Khác với các cây cầu “dân sự” thường có dáng cong mềm mại vắt qua, cây cầu quân sự này lại có hình kỷ hà. Ba nhịp cầu ở mỗi bên thẳng tắp cùng độ dốc, tới nhịp giữa mới nằm ngang thanh thản để ta có thể dừng xe mà ngắm trời, ngắm đất, ngắm dòng sông.

Ngã ba Vàm Trảng.

Thì ra đấy là một vùng sông nước tôi đã quen rồi! Ðứng trên cầu trước mặt là ngã ba sông Vàm Trảng Trâu mà ai kia đã nhắc tới nhiều. Xa xưa nhất là từ trước năm 1820, khi ông quan triều Nguyễn Trịnh Hoài Ðức đã viết trong sách Gia Ðịnh thành thông chí về trấn Phiên An, tới đoạn này ông tả: “Ven sông, thì ruộng nương mới khẩn, phần nhiều còn là rừng rúi, đi lên phía Tây, thì nước chia hai ngả, ngả Bắc (tục danh là cái Bát) đi về phía Bắc hơn trăm dặm là cũng nguồn, ngả Tây (tục danh là cái Cạy) đi về phía Tây hơn 150 dặm thì cùng nguồn, đều là đất liền với rừng Quang Hoá…”.

Ôi, ngã ba Vàm Trảng Trâu thương nhớ! Tôi đã hơn một lần được các anh bộ đội Biên phòng cho đi thuyền ngược nước từ bến Trung Dân lên tới Lò Gò. Nhưng chưa lần nào được nhìn bao quát ngã ba Vàm Trảng như khi đứng trên cầu.

Thênh thang một ngã ba sông gương nước lặng thinh soi bóng trời mây man mác. Ngả bên phải là dòng lên Hoà Hiệp. Dòng trái chảy giữa đất bạn và ấp Tân Ðịnh, xã Biên Giới, xưa còn có tên là ấp Lồ Cồ. Bên kia có mặt xóm nhà vun đầy những tán cây cao, cũng dừa, cũng tràm vươn ra mép nước.

Thấy rõ cả một ngôi nhà tranh trên hàng cọc cừ cắm ở ven sông. Tản mạn từng đám lục bình cùng với bóng mây trời lững thững. Giữa cảnh quan đẹp mê hồn trời nước ấy, bỗng đâu có một chiếc ghe nhỏ hiện ra từ phía thượng nguồn. Ghe hăm hở rồ máy lao qua từng mảng lục bình, đuôi xoe xoé tung lên những chùm bọt nước.

Ðã vài lần đi qua, nên thấy rõ cảnh vật từ ngã ba Vàm đi lên Hoà Hiệp vẫn giữ nguyên thế đất, hình sông trong đoạn văn từ 200 năm trước. Vẫn là những “ruộng nương mới khẩn”; rừng có lẽ đã ít đi nhưng nhiều đoạn vẫn còn bóng rừng thâm u kề bên mép nước.

Có nơi có thể lòn thuyền vào dưới tán cây để hái một cành hoa rất lạ của rừng. Vậy ra, hơn 2 cây số rừng tôi vừa mới đi qua đều là “đất liền với rừng Quang Hoá”. Hai cuộc chiến kéo dài tới 30 năm, ngút trời đạn bom và cả chất độc da cam vẫn không huỷ diệt được rừng. Và dĩ nhiên cũng không huỷ diệt được dòng sông trước mắt tôi đang rất mực thơ thới, trong lành, thơm mát.

Tôi chợt nhớ có lần đã được ngư dân Hảo Ðước cho đi cùng lên đây vớt cá hồng vện hơn 10 năm trước. Khi ấy, vùng trời nước này còn trong trẻo nguyên sơ đến độ từng đàn cá bột hồng vện từ thượng nguồn sông lũ lượt bơi về.

Một cá bột con chỉ bằng cái đầu tăm được thương lái mua luôn tại chỗ giá 30 ngàn đồng. Rồi họ sẽ chăm nuôi tạo nên một loại cá cảnh quý hiếm, bán ra thị trường quốc tế. Sông Vàm Trảng nhộn nhịp tưng bừng, lưới giăng xanh đỏ, ghe thuyền bơi chộn rộn khắp mặt sông. Ðộ 10 năm qua, cá hồng vện không về nữa. Có thể là sông phía thượng nguồn đã ô nhiễm phần nào do công nghiệp rồi chăng?

Cầu Phước Trung.

Nhưng, cứ nhìn bằng mắt thường cũng thấy được vùng ngã ba Vàm vẫn còn đầy ắp một thiên nhiên trong lành, tươi mát. Từ đỉnh cầu nhìn sang Tân Ðịnh thấy con đường cũng như rắn lượn giữa ruộng nương tốt tươi, với cao su giăng thành xa khuất, đẹp lung linh chẳng kém rừng và ruộng Phước Trung.

Phía đầu mũi đất nhô ra phía vàm sông thuộc ấp Tân Ðịnh còn có một cụm rừng với những cây dầu vút cao thân thẳng tắp trắng ngời giữa màu rừng xanh nguyên thuỷ. Dưới bóng cây có một cột mốc biên cương trên cột đá sáng xanh màu granite đỏ ngời các dòng chữ và số “Việt Nam/ 134 (3)/ 2010”.

Tôi cũng đã từng được các anh cán bộ Biên phòng ở chốt Bến Trung Dân cho dự lễ chào cờ bên cột mốc 134 (2) ở bên góc ngã ba Vàm thuộc ấp Phước Trung. Các anh bảo, còn một cột nữa ở bên đất bạn. Tất cả đều hướng ra ngã ba Vàm Trảng.

Lại chợt nhớ, một lần xem triển lãm ở Bảo tàng tỉnh, tôi thấy nguyên cả một gia tài của người đi mở đất. Vì đấy là toàn bộ dụng cụ gia đình trong lòng một chiếc ghe nhỏ bị đắm dưới lòng sông, đoạn từ ngã ba Vàm lên Hoà Hiệp. Vài chiếc rựa, cuốc dao đã gỉ mòn gần hết; vài chiếc nồi niêu đất nung. Sang trọng nhất là vài cái tô “chiết yêu” vẫn còn màu men xanh sáng. Ôi cái tô chiết yêu, như biểu tượng của sự nghèo mà vẫn đoan trang mực thước, bởi đáy tô thì nhỏ, miệng mới loe ra. Ðể khi bày cổ trên bàn cho người ta cảm giác đủ đầy và sang trọng. Gia tài ông cha đi mở đất có gì đâu! Vậy mà đến nay đã có cả một dải biên cương nồng thắm, tươi xanh và trong trẻo đến vô cùng. Cây cầu kiêu hãnh soi bóng nước, như một vồng ngực vạm vỡ, hiên ngang của chiến sĩ biên phòng. Anh sẽ giữ mãi cho miền biên cương hoà bình, hữu nghị trên vùng quê biên giới ngã ba sông.

Ghi chép: NGUYỄN QUỐC VIỆT

Tin cùng chuyên mục