Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cầu nối hai miền quê biên giới
Thứ tư: 08:14 ngày 05/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ đỉnh cầu, lần đầu tiên người qua đây nhìn thấy dòng sông lấp lánh xa xa ở phía hạ nguồn. Cũng có thể ngắm những dáng me cổ thụ bên bờ Hoà Thạnh và núi Bà sẫm xanh giữa bời bời mây trắng phía đằng Đông.

Ngày hợp long cầu 19.5

Tôi thuộc bài hát có câu ca ấy, vậy nên từng đinh ninh rằng nơi nào người ta chọn để xây cầu thì ắt đấy là nơi thơ mộng lắm! Thế mới có: “Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/ Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo” thật nên thơ. Cũng do vậy mà nghe nói ở đâu đang thi công cầu là thế nào tôi cũng phải tìm tới để xem cái cảnh trữ tình thơ thới của dòng sông; nếu được thì khám phá, tìm hiểu cây cầu thêm chút ít.

Như dạo xây cầu Bến Đình năm 2015-2016. Nghe nói cầu được xây dựng theo công nghệ mới- đúc hẫng nhịp giữa, tôi đến mấy lần mới hiểu thế nào là đúc hẫng. Nói nôm na là người ta đúc tại chỗ, ngay giữa lơ lửng tầng không trên mặt nước.

Từ hai mố nhịp giữa đúc ra. Đến khi gặp nhau ở giữa sông thì mẻ bê tông cuối cùng sẽ nối cho liền nhịp. Khi ấy người ta gọi là hợp long cầu. Thời khắc ấy là quan trọng lắm, đáng nổ sâm-panh để ăn mừng. Dĩ nhiên là vẫn còn nhiều việc để làm như thi công mặt cầu, lan can… Nhưng đây vẫn là thời khắc con người nối liền hai phía của dòng sông, đã từng có cả triệu năm trôi chảy.

Sông Vàm Cỏ Đông chảy trên đất Tây Ninh hơn 150km, đã có 4 cây cầu được bắc qua. Đấy là cầu Gò Dầu, cầu Bến Đình, cầu Gò Chai và xa nhất phía thượng nguồn là cầu Bến Sỏi. Hai cây cầu đang thi công là cầu Lái Mai - An Hoà và cầu Bến Cây Ổi, đều được khởi công từ năm 2019.

Cuối năm ngoái qua Lái Mai còn chưa thấy gì nhiều, ngoài vài cây cần trục lênh khênh đóng cọc giữa sông. Còn tháng 5 năm nay, lên bến Cây Ổi đã thấy một vóc dáng vươn dài thon thả của cây cầu nối đôi bờ một vùng quê biên giới huyện Châu Thành. Vâng, bên hữu ngạn là xã Hoà Thạnh, tả ngạn là xã Phước Vinh- đều là xã có đường biên với nước bạn.

Xưa, thời thuộc Pháp, vùng đất này từng thuộc tổng Khăn Xuyên của quận Châu Thành. Thời kháng chiến, đây cũng là miền đất căn cứ địa của cách mạng tỉnh và huyện. Đặc biệt là Phước Vinh, tiếp giáp với Hoà Hiệp, Tân Biên từng như một “thủ đô gió ngàn” của cách mạng miền Nam thời chống Mỹ.

Phước Vinh còn có di tích con đường sứ, nay là đường 788 có từ thời vua Gia Long năm 1815. Đường sứ là con đường thông thương giữa Triều Nguyễn và các triều vua Chân Lạp. Khi ấy, tôi đã thấy những trụ cầu đường bệ bằng bê tông ngời sáng lừng lững giữa dòng sông.

Trụ thuôn dài, cong lượn hai đầu nên trông đường bệ mà vẫn mềm mại. Đỉnh trụ vươn ra những công-xôn gân guốc và lực lưỡng. Trừ nhịp giữa, tất cả 6 nhịp còn lại đều đã lắp đặt ngay ngắn những cây dầm cầu có thương hiệu nổi tiếng 620 Châu Thới. Tất cả đã an nhiên soi bóng xuống dòng sông lững lờ.

Sông qua bến khá rộng, không như có thông tin rằng khúc sông này hẹp, chỉ rộng độ hơn 50 mét. Sông ôm lấy cả 4 trụ và 3 nhịp cầu. Nhịp giữa gần 40 mét, hai trụ bên mỗi trụ 33 mét. Cộng lại và cả khoảng cách giữa trụ sát bờ với bờ sông thì sông rộng đến 120 mét.

Những ngày này, con phà nhẫn nại vẫn chở khách sang sông. Đây cũng chính là con phà nối đôi bờ Bến Đình từ 4 năm trước. Ngày 30.8.2016, khánh thành cầu Bến Đình, con phà mới lầm lụi ngược sông lên bến Cây Ổi. Cán bộ kỹ thuật của công trường cho biết, cầu Bến Cây Ổi dài 238,58 mét, rộng 12 mét gồm 7 nhịp.

Nhịp chính giữa dài sông dài 39,18 mét, 6 nhịp dẫn còn lại (hai nhịp phía Hoà Thạnh và 4 nhịp phía Phước Vinh) dài 33 mét. Chiều cao nhịp thông thuyền lên tới 9,77m, tha hồ cho các loại tàu thuyền trên sông Vàm Cỏ lưu thông.

Cán bộ, công nhân nhộn nhịp trên khắp công trường, từ mặt cầu cho tới các trụ mố hai đầu. Thì đấy, thợ thuyền suốt ngày phơi giữa nắng chang chang. Quần áo bảo hộ, khẩu trang, khăn trùm kín mặt. Và nhờ thế tiến độ thi công vẫn được bảo đảm dường như không chậm một ngày nào.

Rồi thời điểm hợp long quan trọng ấy cũng đã tới. Chiều 19.5, chiếc sà lan chở khẳm những cây dầm cũng đã ngược dòng sông, từ TP. Hồ Chí Minh lên đậu dưới chân cầu. Năm cây dầm dài sóng sượt 40 mét, nằm kín mặt sà lan. Trên ấy lại “phủ phục” một cần cẩu chuyên dụng mang tên 620 Châu Thới.

Bên kia cũng có một sà lan và cần cẩu y chang đón đợi. Vài chiếc ca-nô chạy vòng vòng quanh hai chiếc sà lan, đưa chúng vào vị trí thuận lợi nhất để có thể dễ dàng nhấc bổng những cây dầm nặng 80 tấn lên trụ móng.

Đấy là cảnh tượng chưa từng thấy ở bến sông này, vốn quanh năm quạnh vắng. Khách qua phà lặng ngắm sững sờ. Trời hôm ấy lại thật đẹp, da trời xanh và trong vắt lảng vảng từ cao xanh nhiều cụm mây hồng. Núi Bà xanh ở phía hạ nguồn như vừa mới nhoi lên qua mây trắng, để ngắm nhìn đứa con vĩ đại của dòng sông vừa mới được nối liền bằng những chiếc dầm bê tông ngời trắng nuột nà.

Những cánh tay cần trục màu cam cao ngất, nhẹ nhàng nhấc lên từng cây dầm rồi đưa tới hai trụ cầu lừng lững, đặt vào bàn tay công-xôn gân guốc hiên ngang đón đợi chúng đã từ lâu. Tất cả nhịp nhàng và chính xác, theo lệnh người chỉ huy đứng điều khiển trên thanh dầm đầu tiên vừa mới đặt. Cho đến 17 giờ 30 thì cầu Bến Cây Ổi thật sự đã được nối liền. Bản hợp đồng đã ký có thời hạn 519 ngày, thì mới chỉ có 368 ngày trôi qua. Vẫn còn vài tháng nữa cho những phần việc còn lại.

Biết là thế, nhưng nhiều người vẫn bất ngờ khi nghe tin cầu đã được “thông xe” vào ngày 29.7.2020. Vậy là chỉ sau 67 ngày, các phần việc còn lại như mặt cầu, lan can, đèn chiếu sáng đã được làm xong. Vẫn còn 84 ngày nữa để thi công mở rộng các phần đường dẫn, dù trên thực tế các loại xe đã được lưu thông.

Bên Hoà Thạnh, những xe ủi, xe lu lầm lũi lăn đi trên con đường mở rộng chạy ra tới con đường trục liên xã, về huyện Châu Thành. Bên Phước Vinh đã có phần nền đường đỏ au đất phún đỏ nối tới con đường nhựa chạy qua các ấp Phước Lộc và Phước Lợi về trung tâm xã.

Còn cây cầu, các cấu kiện bê tông liền lạc đã thành một khối hình thanh mảnh dịu dàng, vắt qua hai miền đất ngập tràn những sắc vàng mơ của vụ lúa Hè Thu hoặc xanh màu vườn rẫy tươi non. Từ đỉnh cầu, lần đầu tiên người qua đây nhìn thấy dòng sông lấp lánh xa xa ở phía hạ nguồn. Cũng có thể ngắm những dáng me cổ thụ bên bờ Hoà Thạnh và núi Bà sẫm xanh giữa bời bời mây trắng phía đằng Đông.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục