BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðến với thơ hay

Câu thơ vang vọng tiếng cười ấu thơ

Cập nhật ngày: 13/08/2017 - 07:50

BTN - Vài nét về tác giả: nhà thơ Lê Thuý Bắc, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, là tác giả của nhiều bài thơ lục bát đầy chất dân dã và ngọt ngào như ca dao. Thơ chị in đậm một hồn quê xứ Bắc, mà “Chiều lên” là một trong những bài tiêu biểu cho phong cách thơ của chị.

Cái tựa đề “Chiều lên” khiến người đọc có đôi chút… ngờ ngợ, vì thông thường người ta hay nói chiều xuống chứ ai lại nói chiều lên. Bởi chiều- là đã qua hết thời gian buổi sáng, có thể là thời điểm cuối ngày hoặc có thể ngày đang đi dần đến “cạn kiệt”. Song cứ từ từ, chậm rãi mà đọc và khi đọc xong hết bài thơ, người đọc sẽ “ngộ” ra cái điều mà tác giả muốn diễn tả.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh: “Ðồng chiều cõng gió mơn man/ Nghiêng nghiêng bụng lúa xanh lam dại khờ/ Ðòng đòng ủ chín cơn mơ/ Lả lơi làn tóc neo bờ vai thon”; một khung cảnh thanh bình, êm đềm với gió, lúa và màu xanh lam “dại khờ”. Bốn câu thơ với các từ láy “mơn man, nghiêng nghiêng, đòng đòng, lả lơi” khiến câu thơ như những nốt nhạc sáo chiều thật thơ mộng.

Khung cảnh đồng chiều ấy lại được nhà thơ điểm xuyết: “Giọt lòng tí tách màu son/ Chiều quê ai thả trăng non ưỡm ờ/ Dây trầu vươn ngả lẳng lơ/ Buồng cau trắng xoá nằm mơ gió chiều”.

Ðó là “vầng trăng non” lại là trăng non “ưỡm ờ”, bên cạnh dây trầu “ngả lẳng lơ”, với “buồng cau nằm mơ gió chiều”. Chiều đã chập choạng, song vẫn còn những hư ảo qua ánh trăng non bàng bạc, quen thuộc của bao làng quê Việt Nam yêu dấu. Nhà thơ về, hay ánh trăng về, để: “Về đây rắc bạc vào yêu/ Sông xuân đã mọng sáo diều mải mê/ Nõn nà là nõn nà ghê/ Hương say bóng sắc thôn quê đón mùa”.

Những câu thơ mộc mạc, dân dã, man mác chất ca dao như: “rắc bạc vào yêu, đã mọng sáo diều, nõn nà, hương say bóng sắc...” như thấm dần để từ khung cảnh đồng quê, người thơ đắm chìm vào những tình cảm chân quê qua những hình ảnh thân thuộc dấu yêu: “Sen hồng hạ thắm rèm thưa/ Cành tre vắt vẻo như vừa một đêm/ Tơ lòng giăng mắc mùa em/ Lắng trong câu hát khát thèm lời ru” .

Ðó là “Sen hồng hạ thắm, cành tre vắt vẻo” để nhà thơ “khát thèm lời ru”, phải chăng là lời ru em, ru con, hay mẹ ru ta thuở ấu thơ, gắn liền với một miền quê chất đầy kỷ niệm?

Và lời ru ấy đã kết lại bài thơ đằm thắm dịu dàng như chiêm bao: “Lời ru man mác mùa thu/ Có ve nắc nẻ đánh đu giữa hè/ Dòng sông tắm mát câu thề/ Vườn trăng xao động dãi dề chiều lên”. Câu thơ “Có ve nắc nẻ đánh đu giữa hè” là một câu thơ hay, giàu hình tượng, vang vọng tiếng cười của tuổi ấu thơ. Và câu thơ cuối cùng đã giải thích cái điều mà độc giả đã “ngờ ngợ” ở trên, bởi không phải chiều “lên” đâu, mà đó là vầng trăng non ưỡm ờ từ đầu cho đến sự lan toả “dãi dề chiều lên”, dùng ánh sáng bạc tràn trề mà nâng cả cuối chiều vào một đêm trăng thơ mộng của vùng quê với bao ký ức tràn về...

Thơ vốn ý tại ngôn ngoại, đâu chỉ là sự khác lạ của hình ảnh, câu từ!

CHÍNH VŨ