BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cây cao bóng cả 

Cập nhật ngày: 04/08/2024 - 20:32

BTN - Mấy cây cao bóng cả trong làng, được tin cây còn cây mất. Mừng làm sao cội muỗm đình Bông ngàn tuổi vẫn còn.

Chẳng nhớ tự lúc nào, hình ảnh ông nội tôi và cây muỗm đình Bông trong ký ức, cứ mờ nhoè nhập vào làm một mỗi đêm khuya tuổi già khó ngủ, vật vờ, nhớ nhung man mác chốn làng xưa. Chốn làng ấy tận ngoài Bắc xa lơ xa lắc.

Mấy cây cao bóng cả trong làng, được tin cây còn cây mất. Mừng làm sao cội muỗm đình Bông ngàn tuổi vẫn còn. Những người già ngày ấy nay khuất bóng cả rồi. Nhớ đến thêm lòng buồn vô hạn. Lẽ đời sinh diệt, tiếc thương cũng là một lẽ đời, làm được gì hơn? 

Ngày ấy cách nay đã xa mờ lắm, hơn sáu chục năm lũ lượt qua rồi!...

Vậy mà đến bây giờ tôi vẫn chẳng hiểu sao, cái làng chôn nhau cắt rốn của tôi, tẻo teo vài trăm nóc gia nghèo xơ nghèo xác, lại có hẳn một ngôi đình Bông to đẹp vào bậc nhất nhì hàng huyện. Và ngay cạnh đường làng, đối diện với cổng đình lại sừng sững một gốc muỗm cổ thụ, thân to cả chục người ôm. Tàng lá xanh dày của nó cao vời, rộng lớn, như là một đám mây thường trực toả bóng râm mát che kín sân đình, che lấn sang bên kia đường, nơi thẻo đất bà Thâu cất quán bán hàng.

Cây muỗm ấy là một thánh linh gây sợ hãi cho tôi thời thơ dại, với bao nhiêu câu chuyện âm u kinh rợn. Mỗi đêm khuya đã nằm trùm chăn kín mít đầu, hễ thoáng nghĩ tới là lạnh cứng người. Bọn trẻ con như tôi, đứa nào chẳng nghe kể nhiều lần rằng, chìm sâu tận âm ti gốc muỗm đang chứa cả một kho tàng vàng bạc châu báu của người Tàu thời Bắc thuộc. Họ vơ vét, tích trữ được vô vàn. Khi bị dân ta đánh đuổi, không thể mang về hết được, đã bí mật chôn cất rải rác nhiều nơi. Khu cây muỗm đình Bông là một điểm. Trước khi lấp hầm chứa châu báu, họ lấy cây muỗm này đánh dấu và chôn theo một người con gái đồng trinh làm thần giữ của. Hồn ma oan khuất, cô ấy ngàn năm nay vẫn còn trú ngụ lẩn quất trên những cành cây cao tít. Nhiều đêm trăng thanh vắng, có người nghe rõ mồn một từ ngọn cây vọng vào trong xóm, từng hồi tiếng hát thê lương của một người con gái nỉ non như vượn hú trên rừng. Vài kẻ bạo gan lén mò tới tận nơi, thì được nhìn tận mắt một bóng ma mặt mày xanh lét, áo quần trắng lốp như vôi, ngồi vắt vẻo giữa chạc cây, buông mái tóc đen óng mượt quét dài chạm đất. Nghe kể đã sợ thót tim, nhưng những buổi tan trường, trưa nào chúng tôi cũng ngồi nghỉ mát xung quanh gốc muỗm. Ngày hè ở đâu bị nắng rát thế nào, ở đây, dưới tàng lá mênh mông cây muỗm vẫn mát rười rượi không lọt một tia nắng nào. Cả những người lớn đi chợ về, làm đồng về cũng đều thong thả ngồi nghỉ dưới bóng râm của nó, như là tìm kiếm một sự chở che yên bình vĩnh cửu.

Mở mắt chào đời, tôi đã nhìn thấy ngọn cây muỗm in trên nền trời qua khuôn cửa sổ. Khôn lớn từng ngày, cây muỗm luôn toả bóng xuống đời tôi. Số phận gia đình tôi, mấy lần quanh co khúc ngoặt hiểm nghèo, đều có cây muỗm như chứng nhân che chở. Tháng tám năm 1945, chào mừng Cách mạng thành công, tổ Việt Minh của chú tôi trèo lên đỉnh ngọn muỗm treo lá cờ đỏ sao vàng. Cả một vùng xung quanh mấy cây số được thoả sức chiêm ngưỡng hình ảnh Tổ quốc phần phật reo vui bay bổng trên cao, như một mặt trời thứ hai mọc giữa trời xanh mây trắng. Rồi sau đó, trong mấy năm bị địch tạm chiếm, dù chúng canh gác nghiêm ngặt thế nào, đêm trước ngày Quốc khánh 2.9 cũng đều xuất hiện cờ đỏ sao vàng phất phới trên ngọn muỗm. Mấy lần này tôi đều được chứng kiến. Tuy mới năm sáu tuổi, nhưng tôi còn nhớ rõ có lần Việt Minh nghi binh treo cùng với cờ, lủng lẳng mấy trái lựu đạn giả. Vậy mà quan lính đồn Xanh sợ xanh mặt, không tên nào dám trèo lên gỡ xuống. Sau này tôi mới biết, những kỳ tích ấy đều do tổ Việt Minh của chú tôi mưu trí thực hiện.

Đến bây giờ, mái tóc tôi đã ngả màu tro xám hết rồi, mỗi lần nhớ về cây muỗm đình Bông, là y như rằng bóng dáng ông tôi lại hiện lên lung linh trong tàng lá thẫm xanh, bên gốc cây xù xì rêu mốc. Tôi xác quyết, ông nội tôi cũng như hầu hết người làng tôi, sinh ra đã có cây muỗm trong mắt, cả đời đi đâu, ở đâu cũng luôn mang hình bóng cây muỗm trong lòng. Trừ một số phải tha hương biệt xứ, còn hầu hết dân làng, khi nhắm mắt từ giã cuộc đời, ai cũng được một lần cuối cùng chầm chậm đi dưới bóng mát tàng cây muỗm, để được muôn ngàn cành lá xanh mềm toả bóng an ủi, tiếc thương và rì rào cất lời xót thương vĩnh biệt. Ông nội tôi còn được hơn thế nữa. Ông được chết bên gốc muỗm. Đúng hơn là được một lần phụt sáng đời mình, bằng một hành động anh hùng, lẫm liệt. Xin mạn phép kể qua một chút về ông tôi. Có thể nói cả cuộc đời ông tôi, là một mẩu thừa ra tất yếu của một thời cuộc, xảy ra nhiều đổi thay dữ dội. Buổi gió Âu mưa Á như lúc sinh thời ông thường ngâm ngợi. Mười mấy năm dùi mài sôi kinh nấu sử của ông, giờ chẳng dụng được việc gì. Chữ Tây và bút sắt ông coi như mít tịt. Thất thế, chán đời, ông sống như cái bóng tinh hoa nho giáo trong chiều dần tắt. Ông đi đâu cũng trịnh trọng ăn vận áo lương, khăn xếp, giày Gia Định. Nhưng là những đồ tàn tạ lắm rồi. Áo dài lương không nhẹ tay thì bục. Khăn xếp có nếp lòi sợi bấc. Và giày Gia Định thì há mõm bợt bạt màu đen.

 Bây giờ tôi vẫn nhớ đến gai người, tiếng ông tôi ngày chẳng biết bao nhiêu lần, một mình chép miệng thở dài. Chắc đấy là một cách giãi bày tâm sự chẳng biết cùng ai. Những ngày không có giỗ chạp đình đám, thì ông hết tha thẩn ra vào như cái bóng lại cả buổi ngồi bó gối trên bậc đá bến ao nhà câu cá. Cách ông câu lạ lắm. Cá không cắn câu thì ông kêu chán. Cá cắn câu, ông giật lên, cẩn thận gỡ ra rồi nhẹ nhàng thả xuống ao. Tôi thắc mắc, ông giải thích, nó còn bé lắm kho nấu chẳng bõ bèn gì.

Đầu thời kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1947 hay 1948 thế kỷ trước, Tây nhảy dù tái chiếm vùng Bùi Chu - Phát Diệm, rồi đánh nống ra một số vùng đồng bằng Ninh Bình. Làng tôi bị chúng lập tề. Bất kỳ lúc nào lính Tây, lính bảo hoàng từ đồn Xanh cũng có thể vào làng càn quét, bắt người, bắt chó gà. Cái buổi sáng bi hùng mà sau này được ghi vào truyền thống sử cách mạng của làng ấy, ông tôi đi ăn giỗ người bạn đồng môn ở làng bên. Vẫn kỹ càng như mọi bận, ông khăn áo chỉnh tề, quần ống sớ với giày Gia Định. Đến trưa ông về tới ngang gốc cây muỗm đình Bông, thì gặp thằng Tây quan hai phó đồn Xanh, cùng ba anh lính Bảo hoàng đang áp giải mấy người trong xóm, bị chúng cột tay dẫn một hàng dài. Chả biết có cái gì bùng lên trong lòng, ông giận dữ đứng chắn ngang đường, tay dang rộng, miệng xì xồ mấy tiếng Tây bồi:

- Ê! Ê! Me sừ quan hai bọn họ nơ pá đờ Việt Minh, không phải Việt Minh. Họ, họ xi toày en lương thiện, công dân lương thiện. Yêu cầu tút xuýt thả người!

Gấp gáp, lắp bắp tiếng được tiếng không, tay ông xấn tới giằng sợi dây thừng, trói mấy người kia từ tay anh lính Bảo hoàng. Thằng Tây đồn xà lù cu xoong ẩy ông ngã chúi, ông bò dậy cũng xà lù cu xoong chửi lại. Bất ngờ thằng Tây rút súng lục nhằm ngực ông bóp cò. Ông ngã dúi xuống mặt đường, chòm râu bạc phơ thấm đỏ máu ứa ra từ miệng chà mặt đất, mấy mảnh áo the đen mủn mục bay lên lả tả. Khoảnh khắc ấy, bất ngờ không kém, một anh thanh niên bung dây trói, cướp khẩu súng trường từ tay tên lính nguỵ, rồi nhanh như chớp xoay người đập báng súng vỡ nát đầu thằng Tây. Ba người lính áp giải lẩy bẩy xin hàng. Sau sự kiện chấn động này, làng tôi bị giặc khủng bố trắng. Nhưng cũng từ đấy, giặc không dám ngang nhiên sục sạo vào làng bất kỳ như trước nữa. Các chú tôi, ngay đêm ấy, chôn cất ông tôi xong, tranh thủ tối trời cùng mấy anh người làng được ông tôi giải thoát, đã bí mật vượt sông vào vùng tự do khu bốn cũ. Mấy năm sau thì hoà bình 1954. Chú có về thăm nhà được mấy ngày, rồi đi nhận công tác đặc biệt gì đấy, đằng đẵng hai mươi mốt năm, thống nhất đất nước mới thực sự công khai trở về.

Hiện thời, những người như tôi từng trông thấy lính Tây hiện diện giữa làng, cách nay hơn nửa thế kỷ chẳng còn mấy kẻ ở làng. Một số đã khuất bóng, non phân nửa rời bỏ làng quê với nhiều lý do. Mỗi dịp hiếm hoi gặp nhau nhân ngày hội trường, hội đồng môn, tôi để ý sau hàn huyên thế nào cũng hồi hộp hỏi nhau:

- Cây muỗm làng ta có còn không?

Người hỏi với hàm ý vô thường lão bệnh. Người với hàm ý thấp thỏm âu lo, biết đâu một dự án nào đó được lập ra, cố ý quét qua gốc muỗm là đủ khai tử nó rồi. Gỗ cây ngàn tuổi là vô giá. Thôi thì chúng tôi cũng chỉ biết thành tâm cầu nguyện ơn trên phù hộ, cho đại lão muỗm làng tôi mãi mãi yên hàn.

Với làng tôi, cây muỗm đình Bông là một linh vật. Cái linh khí hồn làng cũng là hồn nước, tưởng là trừu tượng, tưởng là một mỹ từ nói cho đẹp vậy thôi, nhưng thực ra nó chính là một linh ứng ẩn tàng trong một linh vật cụ thể.

Linh vật của làng tôi là cây muỗm đình Bông. Ngàn năm nay mỗi thế hệ người làng trước khi về cõi Phật, đã trân trọng gửi lại nó một chút tình. Bây giờ dưới cái bóng cao cả của nó, trong thớ gỗ rắn chắc như đá như thép đã tôi của nó, đang linh thiêng lưu giữ một khối hồn làng đỏ tươi huyết nóng. Ngàn năm nay, từng thế hệ người làng đã được cây linh thiêng truyền cho tinh thần, truyền cho sức mạnh. Không như vậy thì sao giải thích được ông tôi xưa trong một khoảnh khắc thiêng liêng dám dùng sức trói gà không nổi, hiên ngang cản phá giặc Tây súng ống đầy mình?

Chỉ tưởng tượng ra giả định một ngày nào đó, cây muỗm đình Bông không còn, trên đầu làng không còn được bóng cả cây cao che phủ nữa, tấm lưng làng không còn được tựa vào tấm thân muỗm vững vàng như bàn thạch nữa, thì mặt đất làng dù văn minh hiện đại đến mấy, phỏng có ý nghĩa gì?

V.T.K