Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Cây dừa dáng đứng nghiêng nghiêng
Thứ ba: 11:06 ngày 23/11/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Truyện ngắn của NGUYỄN ĐỨC THIỆN

Truyện ngắn của NGUYỄN ĐỨC THIỆN

Chuyện ấy đã cách đây nhiều năm.

Trước mặt là con kênh. Con kênh Dương Văn Dương mùa nước nổi nước đã đục.

Phía sau lưng là cánh đồng. Mùa lúa đang chín. Những bông lúa chín vội để tránh bị con nước nhấn chìm khi lũ về. Cũng phía sau lưng, trường Thạnh Tân mới chỉ là những lớp học lợp lá dừa nước. Bàn ghế đóng bằng gỗ tạp, dây bẩn những vệt mực tím. Mới vào năm học chừng vài tháng mà nắng mưa làm mặt bàn cong vênh. Có cái đã nứt toác…

Họ ngồi bên một gốc dừa. Cây dừa mọc hoang. Chắc là từ một trái dừa ở đầu nguồn rụng xuống, trôi theo nước đến đây thì đậu lại và bén rễ nên cây. Thân dừa nghiêng ra kênh, đổ bóng xuống nước.

Có một con đường thôi mà khi ngắn, khi dài. Ngắn trong những lần họ đi bên nhau, không biết nói với nhau điều gì mà trong lòng thổn thức, gần thì quá gần, mà xa thì quá xa. Trách người làm đường sao mở ra quá rộng để tiếng nói bên này vọng sang bên kia mà tay thì không tới được bàn tay. Ngày còn đi học thì những con đường trong trường. Còn hôm nay là con đường chạy dọc kênh Dương Văn Dương. Con đường nhỏ lọt giữa một bên là lau lách, một bên là những cây tràm mọc chồi lên từ trong nước. Đó là một đêm trăng giận hờn và sương đêm lạnh. Gió từ mặt kênh Dương Văn Dương thổi vào, nghe xào xạc và ẩm hơn nước. Rồi họ cũng ngồi được bên nhau dưới gốc cây dừa có thân đổ nghiêng ra mặt nước.

- Hồng.

- Dạ…

- Em ở lại thật hả…

- Dạ…

- Sao em dạ hoài vậy. Em phải nói một cái gì đi chớ…

- Em biết nói gì bây giờ… Lũ trẻ…

- Lũ trẻ? Thế còn anh thì sao?

Có tiếng cười rất nhẹ:

- Thì anh vẫn là anh.

- Anh không nghĩ là em vô tình đến vậy.

- Em vô tình? Đâu có…

- Em vô tình với anh. Em lúc nào cũng lũ trẻ, chỉ có lũ trẻ.

- Chớ biết làm sao bây giờ anh. Anh cứ về. Mong rằng sẽ có ngày chúng mình gặp lại.

- Không có ngày ấy đâu, nếu em ở lại xứ này…

Không ngờ hôm đó anh nói lời phũ phàng đến như thế. Anh nói dối. Anh muốn năn nỉ cô về cùng anh. Muốn lắm. Có thể vì những lời giận hờn đó mà cô theo anh về. Nhưng không, cô im lặng…

Ngày ấy hai người được phân công lên Thạnh Tân này mở trường dạy học.

Hai người, đứa sang Đông, đứa sang Tây, cả tháng trời mới gom được mấy chục học trò. Chia thành hai lớp. Học trò chẳng nhỏ nhắn gì, lớn lồng ngồng cả rồi. Có đứa đã mười mấy tuổi. Những đứa trẻ đến trường còn mang nguyên cả những vết bùn vương trên áo, trên quần. Đứa mặc chiếc tà lỏn, đứa khoác chiếc áo rách te tua. Chúng đến lớp giống như đi phụ giúp việc ngoài đồng cho ba mẹ vậy. Vào lớp, đứa nào ngoan thì trố tròn hai mắt nhìn thầy, cô giáo giống như đang ngắm một vật gì lạ hoắc chưa từng thấy bao giờ. Đứa nào quậy phá thì chẳng coi thầy cô giáo là gì. Thích là cười ré lên. Chọc ghẹo nhau, mắc giận, vật nhau ra giữa lớp, thoi nhau những đòn chí mạng, xì cả máu mũi, máu mồm. Lớp giống như một cái chợ. Chúng cầm cây viết như cầm chiếc chạc chăn trâu. Cầm cây thước như cầm chiếc hái cắt lúa. Chỉ được vài ba hôm, sau đó vắng dần, vắng dần. Hai người lại kẻ sang Đông, đứa sang Tây gom lại. Nhưng không đủ. Vài đứa rơi rớt. Cha mẹ chúng biểu: học thì cũng làm ruộng, không học cũng làm ruộng, học để làm gì? Bên Đông của cô, học sinh về đủ. Thiếu là thiếu ở bên anh. Anh không có được nụ cười tươi rói như cô. Cũng không có được giọng ngọt như cô. Má ơi, ba ơi, dì ơi, con năn nỉ mừ!

Ngày hôm sau, anh lên tắc ráng rời trường Thạnh Tân. Phía sau lưng, có một người con gái đứng nhìn theo. Hai mắt mọng nước. Họ đưa nhau lên đây sau khi tốt nghiệp khoá đầu của trường trung học sư  phạm. Cả hai còn tươi rói. Tươi rói nụ cười và tươi rói những ước mơ. Lên Thạnh Tân  tưởng như đã có lời hẹn hò rằng: anh và em… Hoá ra chẳng có lời hẹn hò nào cả. Nhất là khi anh thấy chán chường, mệt mỏi trước những đứa trẻ ham lội ruộng bắt cá cạn, thích ra đồng bắt cua, mò ốc hơn là ngồi ngay ngắn trước trang vở trắng thơm tho.

Chiếc tắc ráng rời bến. Anh ngoái lại. Trên bờ, Hồng đang đứng ngóng trông theo. Giữa bãi đất trống, nơi có ngôi trường đơn sơ, dáng cô đổ nghiêng về phía trước như đang muốn lao về phía anh, muốn níu anh trở lại. Bàn tay cô giơ lên dừng lại giữa trời, không vẫy. Anh xốn xang, một chút hối hận, một thoáng băn khoăn, nhưng tắc ráng đã ra giữa dòng, bóng cô đã nhoà đi và sau đó thì bị những rặng tràm che khuất. Ông tài công hỏi anh:

- Thầy về huyện hay về thị xã Tân An?

Chưa lâu, nhưng cũng đủ thời gian để người dân ở đây biết anh là thầy giáo. Anh trả lời cho qua câu chuyện:

- Tôi về thị xã Tân An.

- Hơi xa, hén thầy? Rồi chừng nào thầy lại quay lên?

Anh không thể trả lời. Làm như tiếng máy tắc ráng quá lớn không nghe câu hỏi, anh lờ đi, mắt ngước lên trời, nhìn những lọn mây trôi vật vờ trên cao. Đã thấp thoáng những lọn mây đen. Sắp mưa rồi. Lại sắp mùa nước nổi… 

Chuyện ấy xảy ra đã từ nhiều năm trước. 

* * *

Bây giờ thì anh đã là ông chủ tiệm đồng hồ lớn ở thị xã Tân An. Ông chủ với bộ đồ lúc nào cũng sang trọng ngồi quán xuyến công việc trong một chiếc ghế bành giữa một căn phòng rộng, máy lạnh lúc nào cũng re re chạy. Ông chẳng phải làm gì. Thợ sửa chữa ông có hai người. Phụ bán là hai cô gái thật xinh xắn, lúc nào cũng nở những nụ cười tươi như hoa. Vợ ông là một người đàn bà chưa biết đến chữ già. Bốn mấy tuổi vẫn cứ mặn mà. Đường nét trên cơ thể vẫn phơi ra, như thuở đương thì. Hai đứa con. Đứa gái đầu năm tới thi vào đại học. Con trai sau cũng đã bước vào học bậc trung học cơ sở. Không còn gì phải băn khoăn. Đoan chắc rằng không còn nhớ gì đến cái trường Thạnh Tân xa lắc xa lơ ngày nào nữa. Con người ta có một thứ trời phú là dễ quên. Ánh mắt của cô gái ngày nào, chiếc tắc ráng ngày nào đã lùi sâu vào dĩ vãng. 

Ông chủ có một thói quen rất thời thượng, đó là đọc báo. Sáng ra, ông làm ngụm cà phê, hút một điếu thuốc thơm, sau đó là đọc báo. Một bức hình bỗng đập vào mắt ông. Hình của Hồng. Tấm hình Hồng ngày xưa, trẻ trung, duyên dáng. Mái tóc dài thả xuống vai, trôi xuống ngực. Cặp mắt vẻ như lúc nào cũng nũng nịu và thoáng nét cười. Cạnh bức hình là một dòng tít lớn: “CHUYỆN SAU MƯỜI NĂM VIẾT LẠI”. Dòng dẫn chuyện in đậm ở đầu bài làm cho ông chủ tiệm đồng hồ bàng hoàng: “Mười năm trước, ở trường Thạnh Tân có một cô giáo đã liều thân cứu sống một học sinh khỏi bị chết đuối. Cái chết của cô bây giờ vẫn được kể lại như mới xảy ra hôm qua”. 

Hai tay ông chủ tiệm run lên, không nâng nổi tờ báo. Ông hạ tờ báo xuống, không dám đọc tiếp. Ngần ấy năm trời không một mảnh tin. Hồng ơi! Em có biết, đã có lúc anh tự trách vì sao lại để em lại một mình trên mảnh đất xa xôi ấy. Nhưng anh đã không có gan mà trở lại, nên anh xa em. Đã có lúc anh nhớ về những đêm trăng sáng của chúng ta. Sao ngày ở trường anh lại có thể nói với em những lời ngọt ngào như thế. Sao anh có thể hứa hẹn với em nhiều thế mà sau đó lại để em lại một mình. Đã có lúc anh còn trách em vô tình với anh. Tờ báo lại được nâng lên.  

“Mùa lũ năm ấy, nước lên rất nhanh. Chưa bao giờ nước lũ lên nhanh như thế. Tối hôm trước nước mới chỉ mấp mé các bờ ruộng, sáng hôm sau nước đã trắng đồng. Vào được trường, học sinh phải đi qua một cây cầu khỉ. Cây cầu khi ấy bắc qua một con rạch. Khi nước ròng, con rạch cạn, có thể lội qua. Nhưng khi nước lên, con rạch biến thành một con suối, nước chảy mạnh và ngập lút đầu người. Điều này đã làm cô Hồng lo lắng. Ngay từ sáng sớm, cô đã đón học sinh từ ngoài cầu. Cô chờ và đón tay từng học sinh một sau khi qua cầu. Cô luôn miệng nhắc các em thận trọng. Ban đầu, cây cầu còn khô ráo, bước chân các em còn chắc chắn. Nhưng chỉ chốc lát sau, những bàn chân ướt nhẹp của các em đã làm cây cầu mỗi lúc một trơn trượt hơn. Thà vào lớp muộn chớ không thể hối thúc các em. Cô nhắc nhở từng đứa, từng đứa một. Phía bên kia, một bé gái bước lên cầu. Bàn chân rụt rè. Cô hồi hộp nhìn từng bước chân của bé. Bỗng cô hét lên. Bé gái trượt chân, rớt xuống. Cô lao ra. Bàn tay cô may mắn nắm ngay được bé gái. Con nước muốn giằng bé ra khỏi tay cô. Cô níu lấy bé, ráng đẩy bé về phía bờ. Khi đứa bé lên bờ an toàn cũng là lúc cô kiệt sức. Cô ráng bám vào bụi cỏ. Bụi cỏ tróc gốc. Con nước chồm tới đẩy cô ra giữa dòng. Cô chỉ còn kịp chới với. Những đứa trẻ trên bờ la hét váng trời. Mấy người gần đó chạy tới. Họ lao xuống dòng nước. Cuối cùng cô cũng được vớt lên. Nhưng bao nhiêu nỗ lực của những người dân cũng vô ích. Cô tắt thở tự lúc nào.

Gần như cả Thạnh Tân đến đưa cô Nguyễn Thị Hồng về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ không cần biết cô đã dạy cho con em mình được bao nhiêu chữ nhưng họ biết cả cuộc đời cô đã dành cho họ. Nói cho chính xác hơn, có cô mà hôm nay trong mỗi nhà của người Thạnh Tân có một góc cho con em mình ngồi học.

 Khi tôi đến đây, thì cũng đúng mười năm cô giáo Nguyễn Thị Hồng đi xa. Bà con Thạnh Tân đã làm một lễ tưởng niệm đơn giản nhưng đầy xúc động ngay tại nơi an nghỉ cuối cùng của cô. Câu chuyện về cô được người dân kể lại khiến tôi không thể không viết bài này. Xin coi đây là nén nhang để tưởng niệm cô giáo Nguyễn Thị Hồng, người không chỉ có công tạo nền móng đầu tiên cho nền giáo dục của Thạnh Tân mà còn là người hy sinh vì học trò của mình”. 

Ông chủ tiệm đồng hồ ấp tờ báo vào mặt.

Chiều ấy ông nói với vợ:

- Ngày mai em ở nhà lo công việc, anh lên Thạnh Tân nghe…

- Thạnh Tân là ở đâu, anh?

- Trong tỉnh Long An mình thôi. Nhưng xa lắm, phải mất vài giờ đi xe đò, thêm chừng ba giờ nữa đi tắc ráng mới đến nơi…

- Có người quen trên trển sao anh?

- Không… Ờ mà có.

Hôm sau, ông ra chợ mua ba mươi sáu bông hồng bạch. Phải rồi, khi Hồng mất, mới chỉ ba mươi sáu tuổi. Rồi ông có mặt tại trường Thạnh Tân.

Anh hiệu trưởng dẫn ông ra sân trường:

- Kỳ lắm thưa ông. Từ khi cô giáo Hồng mất, khe nước ngoài kia không cạn nữa. Mà lúc nào cũng trong khe. Cả khi nước nổi cũng vẫn cứ trong mới lạ. Bà con Thạnh Tân sau đó đã gom góp tiền của, công sức đúc cây cầu mà ông vừa đi qua đó.

Hai người ra mép sân trường. Toàn bộ khu trường đã được kè đá xung quanh. Nước lên, kè đá thành bờ ngăn cách giữa nước với trường. Anh hiệu trưởng chỉ ra ngoài đồng nước mênh mông:

- Mộ chị Hồng ngoài ngoải, thưa ông. Lát tôi kêu học sinh lấy ghe đưa ông qua bển…

Nổi giữa mênh mông nước là một ngôi mộ trắng phau. Anh hiệu trưởng kể chậm rãi:

- Ngày chị Hồng mất, có một việc mà dân Thạnh Tân rất lo. Họ không muốn mộ chị Hồng mỗi mùa nước nổi bị nhấn chìm xuống lòng nước. Phải tôn cao nền mộ lên. Ông chủ tịch xã ra lệnh cho chuyển số đá chuẩn bị xây trụ sở uỷ ban đến. Những tảng đá được trút xuống. Họ lấy nền trường này mà căn. Mức lũ cao nhất đó thưa ông. Chỉ khi nào trường này ngập nước thì ngôi mộ của chị Hồng mới ngập. Chính vì thế mà mộ chị Hồng vào lúc nước nổi giống như một hòn đảo nhỏ vậy đó. Mà thưa ông, ông quen chị Hồng từ hồi nào mà đến bây giờ mới viếng mộ chị?

Những bông hồng bạch được cắm vào một bình bông có sẵn trước ngôi mộ. Thầy hiệu trưởng theo ông ra tận mộ và vẫn nói như nói với đất trời sông nước: 

- Mỗi khi khai giảng năm học mới chúng tôi cũng thắp nhang ở mộ chị Hồng. Câu chuyện về chị năm nào cũng được kể cho thầy trò trường Thạnh Tân nghe. Người như cô Hồng thiệt khó kiếm phải không thưa ông.

Ngoài kia, ngôi mộ của cô giáo Hồng giữa trắng nước, cũng màu sơn trắng phau nổi lên như một hòn đảo, như một tượng đài. Ở đấy có những bông hồng bạch mà ông chủ tiệm đồng hồ vừa cắm vào bình trước mộ. Ba mươi sáu bông… Cô ấy ra đi lúc ba mươi sáu tuổi. Những bông hồng rung rinh, rung rinh… Và chính lòng ông cũng rung rinh nhớ lại ngày xưa.  

Ngày ấy có một cây dừa nghiêng xoà ra mặt kênh. Một trái dừa ở đâu trôi dạt đến mà mọc lên thành cây. Ông đưa mắt tìm. Kia rồi. Bộ rễ cây dừa đã lớn hơn, bám chặt hơn vào bờ. Bao mùa nước nổi, cây dừa vẫn còn đó. Hồng ơi, có phải em là cây dừa kia, bám được vào đất thì dù có bão giông, có nước ròng, nước nổi, vẫn kiên cường bám đất mà sống. Cái dáng nghiêng nghiêng kia vẻ yếu đuối vô cùng, nhưng gió giật, gió lay không chuyển. Giờ đây, dẫu em chẳng còn, nhưng biết đến bao giờ người Thạnh Tân mới hết nhớ em.

Chiếc tắc ráng ghé bờ đón ông và đưa ông ra giữa dòng kênh Dương Văn Dương. Anh tài công hỏi ông:

- Thưa thầy, thầy về huyện hay về thị xã Tân An?

Không lẽ người ta vẫn nhớ ông đã có thời làm thầy?

- Tôi về Thị xã… - ông trả lời.

- Rồi bao giờ thầy lại quay về trường?

Ông muốn nói thực, nhưng giống như ngày xưa, ông không nói. Làm như tiếng máy tắc ráng át mất lời của anh tài công. 

Kênh Dương Văn Dương sao mà dài thế?

Nhân chuyến đi Long An

9.2005

N.Đ.T

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục