Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Cây duối Bến Cầu
Thứ sáu: 05:50 ngày 06/12/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đã biết ở Tây Ninh nhiều nơi có cây duối nhưng sau khi xem lại kho tư liệu ảnh cứ phải ngờ ngợ rằng Bến Cầu mới đích thực là quê hương của loài duối. Ba cây duối lớn, tuổi độ vài trăm năm ở miếu Ngũ Hành xóm Hố (Thị xã) làm sao sánh được với những cây duối cổ thụ ở Dinh Ông An Thạnh.

Đã biết ở Tây Ninh nhiều nơi có cây duối nhưng sau khi xem lại kho tư liệu ảnh cứ phải ngờ ngợ rằng Bến Cầu mới đích thực là quê hương của loài duối. Ba cây duối lớn, tuổi độ vài trăm năm ở miếu Ngũ Hành xóm Hố (Thị xã) làm sao sánh được với những cây duối cổ thụ ở Dinh Ông An Thạnh.

Cây duối ở di tích thành bảo Long Giang

(BTN) - Đã biết ở Tây Ninh nhiều nơi có cây duối nhưng sau khi xem lại kho tư liệu ảnh cứ phải ngờ ngợ rằng Bến Cầu mới đích thực là quê hương của loài duối. Ba cây duối lớn, tuổi độ vài trăm năm ở miếu Ngũ Hành xóm Hố (Thị xã) làm sao sánh được với những cây duối cổ thụ ở Dinh Ông An Thạnh. Còn ở Long Thành Nam (Hoà Thành) dẫu vẫn còn cái tên gọi Gò Duối nhưng hầu như cây duối đã không còn nơi đây. Trong khi đó ta có thể tìm gặp rất dễ dàng những cây duối “vào hàng di sản” ở miền đất Ngũ Long, nay là huyện Bến Cầu đang hừng hực khí thế phát triển bên con đường Xuyên Á.

Duối có thể có ở nhiều nơi trên đất Bến Cầu nhưng đáng kể nhất là ở đình Long Giang, ở di tích thành bảo Long Giang và ở Dinh Ông An Thạnh. Thú vị làm sao khi cả ba nơi này đều gắn với các di tích lịch sử văn hoá đặc sắc, nơi có thể thông qua những di vật gốc mà tìm ra những khoảng mờ trong lịch sử từ vài trăm cho đến cả ngàn năm.

Tại điểm Long Giang, cụm cây duối nằm ở góc phía sau của đình làng. Mặc dù miếng đất mặt tiền quay ra đường xuống bến sông đã có nhà dân đến cất nhà ở, nhưng may là cụm duối vẫn còn đó. Hình thế cụm cây khá giống như ở miếu Ngũ Hành xóm Hố. Nghĩa là có mặt cụ lão bồ đề ở giữa, còn ba cây duối quây lấy ba bên. Cây lớn nhất cũng độ một vòng ôm người lớn. Đình Long Giang thờ Lãnh binh Két, một trong số các lãnh binh Tây Ninh bất tuân lệnh triều đình Huế giao đất miền Đông cho giặc Pháp năm 1862. Chiến tranh và thời gian đã tàn phá ngôi đình, mãi tới vài năm gần đây đình mới được xây dựng lại. Nhưng cụm cây duối thì vẫn bền bỉ sống, không ai biết là duối đã có tự bao năm.

Riêng về di tích thành bảo Long Giang, đây có thể là ngôi thành đầu tiên của triều Nguyễn trên đất Tây Ninh khi Tây Ninh chỉ mới là một đạo Quang Phong mà chưa lập thành phủ huyện. Trong sách “Đại Nam Nhất thống chí”, đoạn viết về thành huyện Quang Hoá có đoạn: “Chu vi 147 trượng 7 thước 4 tấc, cao 7 thước, hào rộng 1 trượng sâu 5 thước, mở 3 cửa ở thôn Long Giang, năm Minh Mệnh thứ 5 đắp bảo Quang Hoá ở địa phận thôn Cẩm Giang, năm thứ 17 đổi làm thành của huyện…”.

Thành bảo Quang Hoá xây dựng ở Cẩm Giang vào năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) thì nhiều người đã biết. Đến nay vẫn còn tại đây một đoạn bờ thành ngay trước đền thờ quan lớn đại thần Huỳnh Công Thắng. Nhưng với câu viết như trên, thì rõ ràng là trước đó (1824) đã từng có một ngôi thành nữa ở xã Long Giang, huyện Bến Cầu nhưng tác giả không ghi xây dựng năm nào. Trước năm 1824 nghĩa là cách nay gần 200 năm nhưng dấu vết ngôi thành bảo vẫn còn. Có một ngôi miếu nhỏ đứng ở ven đường 786 đoạn qua ấp Bảo. Miếu lập nên thờ vị Lãnh binh Lê Đình Két, người mà sau 1862 từng chọn thành bảo này làm căn cứ chống Pháp. Quan trọng hơn là dấu tích của ngôi thành đắp đất vẫn còn ở phía sau ngôi miếu ấy. Thành đất vẫn còn cao hơn 2 mét nhưng có lẽ chỉ còn vài chục mét bề dài. Sau những mưa nắng thời gian và những cuộc chiến tranh binh lửa tơi bời vẫn còn đây hình dạng bờ thành khá rõ. Công lao gìn giữ chỉ có thể là những cây duối ở đây thôi. Thân và rễ chúng xoắn bện vào nhau, thân mốc xanh loang trắng như da trăn, lá ngời xanh lấm tấm trái vàng. Những chùm rễ lớn của chúng ôm lấy bờ thành và bò trên mặt đất. Bờ thành- duối 200 tuổi bây giờ đã thành một công viên thiếu nhi của trẻ em nghèo ấp Bảo.

Ở Bến Cầu có lẽ không có nơi nào có cả một rừng duối cổ thụ như ở Dinh Ông, thuộc ấp Voi, xã An Thạnh. Rừng duối xưa rộng tới 1 ha (trong 4 ha diện tích gò) đến nay có lẽ cũng đã bị hẹp đi chút ít. Nhưng vẫn là các cây duối quán quân, thân lớn cỡ một vòng ôm. Nhiều cây không chịu nổi gánh nặng thời gian, đã bị sụm xuống, từ những đoạn thân nằm trên mặt đất lại mọc lên những cành nhánh tươi non, hứa hẹn một thế hệ trẻ tinh khôi thừa kế. Chẳng biết đã có bao nhiêu thế hệ thay nhau như thế ở rừng duối Bến Cầu. Cứ xem những cụm dây rừng leo vấn vít to chẳng kém dây gùi dây gắm trên rừng Chàng Riệc, hoặc những cây dầu cổ thụ hiên ngang vượt lên các tầng cao, cũng đoán biết được nguyên thuỷ rừng duối là một rừng nguyên sinh rất cổ. Ngay sát bìa rừng là ngôi dinh thờ một “ông chúa tàu”, vì thế mới gọi đây là Dinh Ông. Chúa tàu ở đây mang nghĩa là ông chủ của một con tàu bị mắc cạn (hay bị đắm) năm xưa khi theo sông Vàm Cỏ Đông đến nơi này. Trên gò còn nhiều vỉa tầng rất dày chứa các mảnh gốm cổ lẫn rìu đá mà các nhà khảo cổ đã xác định là thuộc thời đại đá mới- văn hoá Đồng Nai cách nay 2.500 - 2.700 năm.

Nếu như cây duối đã bảo vệ di tích thành cổ Long Giang; thì ngược lại, ở Dinh Ông chính con người với niềm tin tín ngưỡng dân gian đã bảo vệ được rừng duối có thể đã có từ ngàn năm trước. Rừng duối Dinh Ông có lẽ không thua kém những cây duối ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) đã được vinh danh là cây di sản. Hiện thanh niên kéo đến vui chơi ở rừng duối ngày một nhiều hơn và đã diễn ra tình trạng nhen lửa nấu ăn và xả rác bừa bãi nơi đây. Vậy cũng nên có các quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ những cây duối không chỉ ở Dinh Ông mà còn ở nhiều nơi trên đất Bến Cầu. Đấy chính là những bằng chứng sống vô giá về các thời kỳ lịch sử của miền Ngũ Long cổ tích.

TRẦN VŨ

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục