Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20-10-2024
0-10-2024
Cây hồng nhung ở thành phố Tây Ninh
Thứ ba: 03:21 ngày 27/09/2016

(BTNO) - (BTNO)- Hiện nay, trong khuôn viên căn nhà số 63 đường Nguyễn Thái Học, phường III, TP.Tây Ninh có một loại cây cho trái rất đẹp và lạ. Dựa theo đặc điểm ngoại hình của trái, chủ nhà gọi tên là cây hồng nhung.

Trưa ngày 25.9.2016, tôi ghé vào căn nhà nêu trên để tìm hiểu về loại cây hồng nhung. Ra mở cổng là một người đàn ông trung niên, vui vẻ, hoạt bát, mặc dù ông từ chối không cho biết tên. Hỏi thăm về hai cây ăn trái trong sân nhà, ông cũng không biết tên chính thức của nó là gì, chỉ nghe cha mẹ vợ gọi là cây hồng nhung.

Hai cây hồng nhung trong sân nhà một người dân ở thành phố Tây Ninh.

Người đàn ông chỉ vào căn nhà tường cổ kính khá lớn, gần hai cây hồng nhung, kể: "Căn nhà này là của gia đình bên vợ. Tôi là con rể. Nhà được xây từ năm 1937. Khi xây dựng căn nhà cũng là lúc cha mẹ vợ của tôi trồng các cây này để tạo bóng mát cho sân. Tính ra, đến nay hai cây này đã được 79 năm tuổi".

Theo lời người này, ban đầu, cha mẹ vợ của ông trồng ba cây hồng nhung thành một hàng thẳng. Những năm gần đây, chủ nhà cưa bớt một cây ở giữa do tán cây rộng, che kín nhà. Hiện tại, gốc cây đã cưa vẫn còn ló lên khỏi mặt đất khoảng 0,5 mét, được đặt lên đó một mặt bàn tròn bằng đá rữa, đồng thời, đặt hai bên hai chiếc ghế đá, để làm nơi uống trà, hóng mát. Hai cây còn lại, mỗi cây cao khoảng 15 mét, bề hoành thân cây khoảng 1 mét. Thân cây suông thẳng, tán rộng, lá to. Cành lá rậm rạp đến nỗi ánh nắng không lọt được xuống mặt đất. Thấp thoáng trên cành có nhiều trái hình tròn màu cam, màu hồng trông rất đẹp mắt.

Trái hồng nhung thấp thoáng trên cành.

Người chủ nhà cho biết thêm, những năm trước, khi cây còn tơ, trái to gần bằng chiếc chén, trong đó có hạt. Ông đem hạt ươm thử thấy có mọc lên cây con, nhưng không có chỗ trồng nên ông đã chặt bỏ. Vài năm gần đây, cây già lão nên trái nhỏ dần và không còn trái nào có hạt nữa.

Mỗi năm, cây ra trái vào mùa hè. Bên ngoài trái có lớp lông bao phủ. Khi quả còn non, lớp lông có màu xanh. Khi quả trưởng thành, lớp lông này chuyển sang màu vàng, rồi vàng cam. Lúc quả chín thì lớp lông có màu đỏ nâu. Có lẽ vì trái này giống trái hồng, vừa có lớp nhung bao phủ bên ngoài, nên nhiều người gọi tên là trái hồng nhung. Loại trái này đẹp, có hương thơm nhẹ, vỏ dầy, để lâu chậm bị hư nên rất phù hợp cho việc trưng bày, cúng kiếng.

Trái hồng nhung với lớp lông tơ bao phủ trong thật đẹp.

Cây cho trái rất đẹp, bên trong trái có màu trắng, nếm thử thấy vị ngọt nhẹ, hơi chát, ăn không ngon.

Theo một số tài liệu, hồng nhung là một loài cây gỗ thường xanh thuộc họ thị, với tên khoa học là Diospyros Philippensis, nhiều người Việt gọi là thị Philippines. Đây là loài đặc hữu của Philippines, phân bố tự nhiên ở các khu rừng nguyên sinh ở vùng thấp của các đảo với tên gọi bản địa phổ biến là Batobankilang. Hiện nay, cây được trồng rộng rãi làm cây cảnh ở nhiều nước Châu Á.

Ở nước ta, cây hồng nhung ít được biết đến. Hiện tại, nơi có số lượng cây hồng nhung nhiều nhất là ở chùa Bốn Mặt, thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Trong khuôn viên chùa này, hiện có hơn 100 cây hồng nhung, trong đó có cây tuổi thọ lên đến 100. Người dân địa phương gọi đây là đào hồng nhung.

Đại Dương

Từ khóa:
Tin liên quan