BAOTAYNINH.VN trên Google News

Viết ngắn

Cấy lúa ruộng lầy 

Cập nhật ngày: 02/07/2018 - 08:46

BTN - Muốn cấy được ruộng lầy, đầu tháng ba âm lịch, ba tôi vác phảng đi chặt cỏ, phát năn dọn đất gieo mạ. Gieo mạ xong, sáng sớm mỗi ngày, sau khi ăn vội chén cơm nguội, ba chèo xuồng qua sông dọn ruộng.

Một ngày giữa tháng năm âm lịch, trời đang nắng ráo, bỗng mây đen kéo đến, che phủ cả bầu trời. Rồi sấm chớp loé sáng, vang rền... mưa tuôn tầm tã. Ngồi trú mưa trong quán ven đường gần dòng sông Vàm Cỏ, nhìn mưa trắng đồng bưng lòng tôi chạnh nhớ những năm tháng gian nan, ra sức vật lộn với những đám ruộng lầy trên cánh đồng quê nhà.

Ðồng bưng quê chia làm hai loại ruộng rõ ràng. Những đám ruộng đất dẽ, vào mùa nắng khô cạn gọi là ruộng gò. Còn những đám ruộng ven sông rạch, sâu trũng quanh năm ngập nước, sình bùn, lầy lội gọi là ruộng lầy. Hồi đó, nông nghiệp chưa phát triển, chưa có giống lúa ngắn ngày như bây giờ, dù ruộng gò hay ruộng lầy, mỗi năm cũng làm có một vụ lúa dài ngày vào mùa mưa.

Nông dân làm ruộng gò hay ruộng lầy cũng đều vất vả vì thuở ấy chưa cơ giới hoá như bây giờ. Người làm ruộng gò nhờ có trâu bò cày giúp sức nên cũng phần nào đỡ nặng nhọc hơn người làm ruộng lầy. Hồi đó, trẻ em chúng tôi thuộc lòng câu đố về người đi cày: “Ba người, bốn lưỡi, mười chân. Một thân mặc áo, hai thân ở trần”.

Trẻ em bây giờ có lẽ ít biết câu đố này. Khác với ruộng gò, ruộng lầy quanh năm ngập nước, sình lầy sụp lún, trâu xuống lún lầy đi không còn mệt, nói chi kéo cày. Ðể cấy được một đám ruộng lầy, người nông dân phải ra sức “vật lộn” với từng đám năn, bụi cỏ và gốc rạ... bằng đôi tay chai sần của mình.

Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, sống bên bờ một nhánh sông Vàm, cạnh cánh đồng bưng mà không có miếng ruộng nào. Ðể nuôi sống gia đình, ngoài làm thuê đủ thứ việc, ba tôi còn mướn gần một mẫu ruộng lầy canh tác.

Muốn cấy được ruộng lầy, đầu tháng ba âm lịch, ba tôi vác phảng đi chặt cỏ, phát năn dọn đất gieo mạ. Gieo mạ xong, sáng sớm mỗi ngày, sau khi ăn vội chén cơm nguội, ba chèo xuồng qua sông dọn ruộng.

Lúc ấy, tuy mới lên chín, lên mười, nhưng anh em tôi ý thức được nỗi vất vả của ba. Tháng đầu nghỉ hè, anh em tôi lại xung phong và sát cánh cùng ba ra sức quần với mấy đám ruộng lầy. Với sức lực trẻ con của mình, anh em tôi được ba trang bị mỗi đứa một chiếc phảng cùn nhỏ gọn, còn “vũ khí” của ba là chiếc phảng to bén, mới mua ở lò rèn...

Anh em tôi cùng với ba ra sức vung phảng chặt, chém, băm vằm từng mảng năn, bụi cỏ, đám gốc rạ... cho đến khi đứng bóng mới rời đồng xuống xuồng về nhà. Cứ như vậy, ba cha con phát gần cả tháng mới xong đám ruộng. Kế đến, ba cha con lại hì hụi đi gom rạ năn, cỏ rong rêu dưới ruộng lại thành từng ụ (gọi chung là gom rạ). Rồi chờ cho nước dưới sông dâng cao, lấy nước vào ruộng, anh em tôi lại long nước, lội lầy hì hục đẩy từng ụ rạ vào bờ (gọi là đẩy rạ).

Ba tôi đứng trong bờ, ôm từng mớ đắp lên bờ. Ðể khỏi tốn lúa mướn cho công cấy (hồi đó người ta đi cấy lấy công bằng lúa, mỗi ngày một thùng 20 lít), cả nhà tôi dọn sạch được đám ruộng nào thì nhổ mạ cấy ngay đám đó.

Khâu nhổ mạ khá nặng nhọc, nhất là gặp đám mạ “trết” (loại mạ tốt rễ nhiều bám sâu rất khó nhổ) ba tôi đảm trách, còn anh em tôi thì cõng mạ rải ra ruộng và cúi đầu mà cấy. Nhỏ tuổi, nhỏ con, có chỗ sình bùn đến lưng quần, chúng tôi cũng phải bì bõm cấy. Vừa cấy vừa canh chừng mấy con đỉa đói bu bám dưới chân... Cứ như vậy dọn sạch và cấy hết đám này sang đám khác.

Từ cuối tháng tư đến giữa tháng năm âm lịch, ruộng nhà tôi cũng như nhiều chủ ruộng lầy khác trong khu vực đã cấy xong. Dọn cấy xong ruộng nhà, ba tôi lại đi nhổ mạ và cấy mướn cho mấy chủ ruộng gò. Còn anh em tôi được hơn một tháng nghỉ hè nữa nên có cơ hội “chuyển nghề”. Hằng ngày, chúng tôi lặn ngụp dưới sông để bắt cá, ra đồng săn chuột, hái rau cải thiện bữa ăn; hoặc đi giậm lúa, nhổ cỏ lúa...

Hết mùa hè, anh tôi lại cắp sách đến trường. Lúc này mưa già, lúa lớn, anh em tôi không phải chăm sóc lúa nữa. Một buổi đi học, buổi còn lại, chúng tôi chèo xuồng qua sông “săn bắt, hái lượm” kiếm sống. Săn ở đây là săn chuột đồng, còn bắt là đánh bắt cá đồng bằng cách giăng lưới, cắm câu. Hái là hái rau sông trên gò (rau vừng, trâm ổi, rau câu, rau chạy...) và nhổ rau hẹ, bông súng, rong cây mọc dưới nước.

Còn lượm là lượm trái bình bát chín vàng ươm, sứt cùi rớt trên những đám bòng bong, rau chạy, hay những trái cà na chín mọng căng tròn, thơm thơm rụng đầy dưới gốc cây. Ðây là những thứ đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho những đứa trẻ nghèo khó quê tôi những ngày đã xa.

T.L