Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cây Mai dương có tên khoa học là Mimosa pigra. L. Đây là loài ngoại lai xâm lấn gây hại nguy hiểm, đe doạ đa dạng sinh học, huỷ hoại môi trường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cây Mai dương có tên khoa học là Mimosa pigra. L. Đây là loài ngoại lai xâm lấn gây hại nguy hiểm, đe doạ đa dạng sinh học, huỷ hoại môi trường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cây Mai dương được gọi với nhiều tên khác nhau như cây Trinh nữ đầm lầy, cây Trinh nữ thân gỗ, cây Vuốt rồng... Các nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đối phó với loài cây hại này nhưng chưa đem lại kết quả như mong muốn. Theo đánh giá của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN), Mai dương được xếp là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm trên thế giới (IUCN, 2003). Điều đáng lo ngại là Mai dương đã thấy xuất hiện ở Tây Ninh.
Loài cây “đa tác hại”
Cây Mai dương có nguồn gốc và phân bố tự nhiên trải dài từ vùng nhiệt đới Mexico qua Trung Mỹ kéo tới vùng nhiệt đới Nam Mỹ (Burkart, 1948). Hiện nay, loài ngoại lai xâm lấn này đã trở thành loài nguy hiểm đối với môi trường và đa dạng sinh học ở nhiều nước trên thế giới từ nhiệt đới châu Phi đến châu Úc và khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam...).
Các nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái của cây Mai dương đã được tiến hành ở một số nước như Australia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đáng lưu ý, Mai dương có khả năng cạnh tranh xâm lấn mãnh liệt với các cây khác, có khả năng tăng trưởng cực nhanh về chiều cao với tốc độ 1cm/ngày và thành thục cũng rất nhanh, có thể ra hoa, đậu quả ở ngay năm tuổi thứ nhất. Mai dương có tiềm năng sinh sản rất lớn: ở Thái Lan cây ra hoa 12 lần/năm, sản sinh được 95.000 hạt/năm, và ở Australia con số này lên tới 220.000 hạt/năm. Hạt Mai dương có lớp lông cứng dày, có thể bám dính vào lông, da của các loài động vật, quần áo của con người, trôi nổi theo dòng nước hoặc cùng với bùn bám vào bánh xe của các phương tiện giao thông và phát tán đi rất xa. Hạt Mai dương có thể nảy mầm ngay hoặc sau 1-2 năm, hoặc rơi vào tình trạng ngủ nghỉ dài tới 20-23 năm (phụ thuộc vào độ sâu trong đất). Hạt ngủ nghỉ dài là nhờ có vỏ hạt cứng; mật độ hạt Mai dương lưu giữ ở trong đất rất cao, tới mức nếu diệt trừ được toàn bộ cây trên mặt đất thì vẫn phải tiếp tục diệt trừ cây con mọc từ hạt liên tục trong vài ba năm sau đó.
![]() |
Đám cây Mai dương bên đường tại cầu Suối Dây - thuộc vùng bán ngập hồ nước Dầu Tiếng (chụp ngày 27.5.2010) |
Sinh thái cây Mai dương rất rộng. Nó có thể chịu được ngập lụt trong thời gian dài, do có khả năng sống kỵ khí và mọc rễ phụ ở gần mặt nước để lấy ôxy từ nước; đồng thời Mai dương cũng chịu được khô hạn. Khi bị đốn, Mai dương rất dễ mọc tái sinh từ phần gốc còn lại. Mai dương có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất bạc màu nghèo dinh dưỡng như đất trống, đồi núi trọc, đất cát, phù sa đỏ, đất vàng, đất nhiều bùn...
Ở miền Bắc nước ta, cây có thể ra hoa và kết quả quanh năm, nhưng lượng hoa tập trung nhiều nhất vào tháng 2-7, quả chín tập trung vào tháng 8-9, trùng với mùa mưa lũ. Ở phía Nam, Mai dương có thể ra hoa kết quả quanh năm, nhưng cho quả nhiều nhất vào tháng 2, quả chín và rụng vào tháng 9-10.
Tác hại gây ra do cây Mai dương rất đáng sợ; về đa dạng sinh học, cây Mai dương xâm lấn làm thay đổi cấu trúc thành phần loài của thảm thực vật bản địa, giảm sút tính đa dạng sinh học. Tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, đã bị cây Mai dương xâm lấn và huỷ diệt toàn bộ hệ thực vật bản địa (trừ cây rau kìm và cây hắc sửu). Dưới tán cây Mai dương không còn tồn tại bất cứ loài thực vật nào khác. Sự xâm lấn của cây Mai dương có nguy cơ làm tiệt chủng các loài cây bản địa, do đó làm giảm đa dạng sinh học, làm giảm cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái, làm thay đổi chế độ thuỷ văn, thành phần dinh dưỡng trong đất, thành phần và độ phong phú của hệ động thực vật bản địa.
Về mặt kinh tế - xã hội, sự xâm lấn của cây Mai dương trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho sản xuất, làm giảm năng suất cây trồng; khi bị xâm lấn nặng đã không thể canh tác, biến đất nông nghiệp thành vùng đất hoang hoá, gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp. Khi Mai dương xâm lấn kênh, mương sẽ gây cản trở giao thông thuỷ, làm giảm sản lượng cá và các loài thuỷ sản khác của vùng đất ngập nước.
Từ những năm 1995-1997, cây Mai dương đã xâm nhập hầu hết các tỉnh trong nước ta. Nó thường mọc trên bờ các sông nhánh, mương nước, ở các bãi sông, đất bán ngập nước. Các nơi đất cao chỉ bị cây Mai dương xâm lấn rải rác thành từng đám nhỏ. Tại miền Bắc, ở nhiều tỉnh cây Mai dương mọc phân tán với diện tích bị xâm lấn từ vài hecta đến vài trăm hecta. Cây Mai dương cũng mọc rải rác ở các tỉnh miền Trung. Tại Quảng Trị, nhiều vùng đất bán ngập dọc các đường lộ hay các mương nước đã bị cây Mai dương xâm lấn dày đặc, tạo thành những vùng tập trung với diện tích xấp xỉ 1.000 ha vào năm 2006. Ở miền Nam đến năm 1997, diện tích bị cây Mai dương xâm lấn nặng tập trung ở vùng hồ Trị An, lưu vực sông La Ngà, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho cây Mai dương phát tán và xâm lấn vì vậy diện tích bị xâm lấn ở đây gia tăng nhanh.
Tại Tây Ninh: tiêu diệt mai dương trước khi quá muộn
Ở Tây Ninh, qua quan sát của chúng tôi, cây Mai dương đã xuất hiện rải rác ở nhiều nơi. Tại huyện Tân Biên đã xuất hiện từng đám nhỏ ven đường vào Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam (vùng đệm Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát), thuộc xã Tân Lập; khu vực hai bên cầu Cần Đăng - một trong những dòng suối quan trọng chảy vào sông Vàm Cỏ Đông; ven trục đường từ huyện Tân Biên đi Tân Châu, có thể bắt gặp nhiều đám nhỏ ở hai bên đường, nhất là các khu vực đường đi qua các nơi đất thấp, có ruộng lúa nước. Ở Châu Thành, chúng ta có thể quan sát chúng mọc tập trung hai bên cầu Vịnh thuộc xã Phước Vinh… Ở Tân Châu, chúng ta có thể thấy chúng mọc rải rác ở nhiều nơi, nhưng nghiêm trọng hơn, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Mai dương mọc thành nhiều đám lớn dọc theo đường ở khu vực cầu Tha La – thuộc vùng ngập và bán ngập của hồ Dầu Tiếng Tây Ninh.
Tuy sự xâm lấn của cây Mai dương hiện tại tại Tây Ninh là chưa nhiều, nhưng vị trí xuất hiện của chúng đều ở các địa điểm nhạy cảm về đa dạng sinh học và có khả năng lây lan, phát tán nhanh nếu như chúng ta không có biện pháp kiểm soát và tiêu diệt chúng ngay. Cụ thể, đối với Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, nếu như không tiêu diệt những đám nhỏ cây Mai dương ven đường vào Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam thì quả và hạt của chúng có thể theo dòng nước hoặc bám theo các phương tiện vận chuyển xâm nhập vào khu vực trảng Tà Xia và khu vực bàu Đưng trong Vườn quốc gia, từ đó chúng có thể sẽ phát triển mạnh và xâm lấn các diện tích đất ngập nước khác của Vườn quốc gia.
Đặc biệt, với sự xuất hiện của cây Mai dương ở vùng bán ngập tại cầu Suối Dây, đây là thượng nguồn của hồ nước Dầu Tiếng Tây Ninh (suối Dây là một trong những con suối chính đổ nước vào hồ nước Dầu Tiếng), nếu ngay bây giờ không có biện pháp xử lý các đám Mai dương đang phát triển tại nơi này thì bằng nhiều phương thức phát tán khác nhau chúng sẽ xâm nhập và lan rộng các diện tích thuộc vùng tưới của hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng thuộc tỉnh Tây Ninh và một phần của thành phố Hồ Chí Minh.
Các cơ quan, chính quyền địa phương cần có kế hoạch điều tra toàn diện và có biện pháp tiêu diệt, ngăn chặn sự phát triển của cây Mai dương trước khi quá muộn. Bài học điển hình nhất cho việc giải quyết các loài sinh vật ngoại lai ở Tây Ninh là việc giải quyết sự phát triển của cây lục bình (một loại cây ngoại lai có nguồn gốc Nam Mỹ, xâm nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ trước) trên sông Vàm Cỏ Đông, hiện tại ngân sách tỉnh có thể sẽ phải bỏ ra mỗi năm từ 7 – 10 tỷ đồng để kiểm soát, nhưng có hiệu quả hay không vẫn chưa thể biết được (!)
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát cho biết: “Vườn quốc gia sẽ có kế hoạch kiểm soát cây Mai dương, trước tiên là kết hợp với các địa phương thuộc vùng đệm Vườn quốc gia tiến hành kiểm tra những nơi có cây Mai dương và tiến hành tiêu diệt, bằng biện pháp chặt và đốt. Đồng thời, sẽ tiến hành giám sát thường xuyên các diện tích đất ngập nước của Vườn quốc gia để kịp thời xử lý, nếu có Mai dương xuất hiện”. |
THANH TÙNG