Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau nhiều nỗ lực của gia đình, mạnh thường quân, chiều 27.10, cây me cổ thụ tại dốc Cây Me thuộc phường 1, TP. Tây Ninh đã được cứu.
Cây me được trùm lưới để hạn chế nắng nóng.
Để cứu cây me, từ ngày 26.10, gia đình bà Vân, chủ khu đất có cây me, thuê ông Trương Văn Dũng, ngụ ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành và một số nhân công đến cứu cây me.
Cây me đã được nhóm công nhân của Công ty cổ phần Công trình Đô thị Tây Ninh hỗ trợ cắt cành, cắt đọt, chừa lại phần gốc với chiều cao 6 mét. Sau khi đã xử lý phần ngọn, ông Dũng và các nhân công đào bỏ lớp đất sét quanh gốc cây me, thay thế vào đó 100 bao xơ dừa trộn đất đen. Đồng thời cắt bỏ những phần rễ đã bị đứt gãy, phun thuốc kích rễ cho cây mau ra rễ mới và dùng xe cần cẩu dựng gốc cây me đứng lên tại vị trí cũ.
Sau đó, nhân công dùng 4 ống sắt dài chống chọi xung quanh để cố định thân cây cho chắc chắn, dùng lưới chống nắng bao trùm phần trên thân cây để hạn chế nắng nóng và tưới nước quanh gốc. Trong quá trình xử lý đọt cây, ông Dũng chừa lại một nhánh me nhỏ bằng ngón tay để theo dõi khả năng phục hồi của cây me cổ thụ này.
Cây me đã được dựng lên tại vị trí cũ.
Quan sát thực tế, đến buổi chiều cùng ngày, những lá me bị héo đã tươi trở lại. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề chăm sóc cây kiểng, ông Dũng nói: “Lá me tươi trở lại cho thấy cây me đã bắt đầu “thở” được. Khả năng cây me sống lại khoảng 70%”. Ông Dũng cho biết thêm, sắp tới, mỗi ngày 2 lần ông sẽ đến đây tưới nước cho cây me.
Ông sẽ theo dõi, bón loại phân với liều lượng thích hợp để cây mau hồi phục. Sau đó, ông sẽ thường xuyên cắt cành, tỉa nhánh, tạo dáng cho cây me đẹp hơn so với trước đây. Tính đến chiều 27.10, chi phí cứu cây me hơn 30 triệu đồng. Số tiền này do gia đình bà Vân và mạnh thường quân chung tay đóng góp.
Lá me có dấu hiệu tươi trở lại.
Cây me cổ thụ này có bề hoành 5 mét, đường kính 1,6 mét, ước tính 110 năm tuổi và đã trở thành địa danh dốc Cây Me được nhiều người biết đến. Trước đó, cơn mưa chiều ngày 23.10, khiến cây me cổ thụ bị bật gốc, ngã ra đường Tua Hai.
Gốc cây đè sập một tường rào một hộ dân, hư hỏng nhiều vật dụng một quán bán phở, hư hỏng một số đường dây điện, dây cáp quang và ảnh hưởng giao thông. Hiện nay, tường rào và các vật dụng của quán phở vẫn còn ngổn ngang tại hiện trường. Các đường dây điện, dây cáp quang đã được sửa chữa.
Lớp đất sét quanh gốc cây me đã được thay thế bằng sơ dừa và đất đen.
Theo Quyết định số 1532, ngày 20.6.2022 của UBND tỉnh Tây Ninh, cây me cổ thụ này đã được đưa vào danh mục cây bảo tồn và cây nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Ông Tô Nguyễn Nhị Linh- Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Tây Ninh cho biết, do cây me đã bị gãy đổ, TP. Tây Ninh dự kiến sẽ giải quyết theo hướng có văn bản trình Sở Xây dựng, Sở Xây dựng trình UBND tỉnh đưa cây me này ra khỏi danh mục cây bảo tồn. Về phía người dân muốn cứu sống cây me để làm kỷ niệm, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân cắt cánh, tỉa cành, còn chừa lại phần thân cây có chiều cao 6 mét, để người dân tự trồng lại cây me.
Tưới nước cho cây mau phục hồi.
Hy vọng với sự nỗ lực của gia đình và những người thợ trong nghề cây kiểng, trong tương lai, cây me cổ thụ này hồi sinh trở lại.
Đại Dương