Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cây mì trụi lá, người trồng băn khoăn
Thứ sáu: 01:22 ngày 04/03/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian gần đây, ở một số nơi trong tỉnh xảy ra tình trạng cây mì bỗng dưng bị trụi lá nhưng bà con nông dân không rõ nguyên nhân và đang lúng túng không biết đối phó thế nào.

Chị Lê Thị Kim Chi, 49 tuổi, ở ấp Ninh Lợi, xã Ninh Thạnh (Thị xã) có 1,5 ha mì phía sau nhà. Mì của chị trồng từ tháng 12.2010, chúng đang lên xanh tốt, bỗng khoảng một tháng nay lá mì dần dần bị vàng, dẫn đến khô héo và cuối cùng là rụng trụi. Thân cây mì không chết nhưng bị chựng lại, không lớn nữa. May mắn là tuần trước có một cơn mưa nhỏ nên những cây mì lại bắt đầu ra lá non. Chị Chi cho biết, chị đã trồng mì nhiều năm qua, những năm trước thỉnh thoảng cũng có một vài cây bị khô lá nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng bị trụi gần hết cả đám như thế này. Theo chị Chi giải thích: “Nguyên nhân dẫn đến tình hình cây mì trụi lá hàng loạt có thể do thời gian gần đây thời tiết lạnh kéo dài, làm xuất hiện sương muối vào ban đêm. Chất muối mặn trong sương làm lá mì bị quéo lại”. Chị Chi tin như vậy là vì hằng ngày chị thấy những chủ vườn mãng cầu ở cạnh nhà chị thường thức khuya xịt nước tưới lên cây để rửa sương muối, có lẽ nhờ vậy mà cây mãng cầu không bị rụng trái. Chị dẫn chúng tôi ra phía trước sân nhà, chỉ cho xem. Ở đó chị có trồng một số cây kiểng, hằng ngày chị thường xuyên tưới cho chúng, có lẽ nhờ nước rơi xuống rửa trôi những khoảnh mì xung quanh nên chúng không bị rụng lá. Nơi gia đình chị Chi ở, mùa khô này nước giếng sắp cạn, không đủ nước tưới rẫy mì nên chị đành bỏ mặc, hy vọng khi mùa mưa đến mì sẽ ra lá trở lại.

Cây mì bị vàng lá rồi dần khô trụi

Trong khi chị Chi cho rằng mì của mình bị sự cố là do sương muối gây ra thì anh Võ Lâm Phi, 40 tuổi, ở ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu lại khẳng định đám mì của anh vàng lá là do bị rầy lửa tấn công. Anh Phi trồng hơn 1 ha mì từ tháng 11.2010. Hiện chúng đã cao được khoảng 0,4 mét. Từ Tết Tân Mão đến nay, bỗng dưng một số cây mì bị vàng lá. Trong khi anh còn đang lúng túng chưa biết phải đối phó ra sao thì căn bệnh lạ này lan rộng ra gần hết đám mì. Anh chỉ cho chúng tôi xem, phía trên và phía dưới lá mì có những vết nhăm nhỏ như bị côn trùng cắn. Anh lý giải: “Đây là vùng đất cát nên khi nắng nóng sẽ dễ sản sinh ra rầy lửa. Lúc trước tôi vạch lá mì lên xem, thấy có nhiều con rầy lửa nhỏ bằng đầu kim bu đầy. Chính lũ rầy này cắn lá mì, dẫn đến lá bị vàng rồi chết”. Để cứu rẫy mì của mình, anh Phi áp dụng biện pháp bơm nước phun tưới lên toàn bộ đám mì, mục đích để làm trôi đám rầy lửa xuống đất, đồng thời anh tăng cường rải phân để “thúc” cây mì mau ra lá trở lại. Anh Phi nói: “Cách làm này sẽ tăng chi phí đầu tư lên cao. Nhưng hiện nay, mì đang trong giai đoạn hình thành củ, nếu để bị bệnh, củ của nó sẽ bị sượng, không phát triển được, còn lỗ nặng hơn”.

Không chỉ riêng đám mì của anh Phi, ở khu vực ấp Ninh Hoà, chúng tôi thấy còn nhiều rẫy mì khác cũng trong tình trạng tương tự. Nhưng hầu hết các đám mì không có giếng nước nên chủ của chúng đành phó thác cho trời đất theo kiểu may nhờ rủi chịu.

Đám mì rộng 0,4 ha của anh Nguyễn Thành Tâm, 38 tuổi, ở xã Phan, huyện Dương Minh Châu mới đây cũng bị hiện tượng vàng lá. Mì của anh đã trồng được hơn 2 tháng tuổi. Mì đang lên xanh tốt, tự nhiên hơn 2 tuần nay, lá mì từ từ vàng rồi rũ xuống. May là những đám mì ở khu vực này trồng trên đất ruộng chứ không phải đất rẫy nên không bị khô đến nỗi nứt đất như những nơi khác. Anh Tâm bác bỏ khả năng cây mì bệnh do bị rầy lửa tấn công, anh cho rằng, mì vàng lá chính là do rầy nâu gây ra. Anh phân tích: “Vùng đất này mùa mưa trồng lúa, do vậy có nhiều khả năng rầy nâu từ cây lúa còn ẩn mình trong đất, đến khi cây mì mọc lên thì chúng bò lên ăn lá”. Lý giải như vậy nhưng bản thân anh Tâm chưa từng tận mắt nhìn thấy lũ rầy ăn lá mì bao giờ. Anh cũng không biết trị bệnh cho đám mì của mình ra sao. Thấy người ta xử lý bằng cách tưới nước và rải phân cho mì vượt lên, anh bắt chước làm theo. Không có giếng nước, anh phải thuê giếng của đám đất bên cạnh, thuê máy bơm và người tưới với giá 500.000 đồng/lượt. “Sau khi tưới xong, tôi rải phân urê, kali và thuê tưới một lần nữa cho cây mì lên lá. Sau đó tuỳ tình hình rồi tính tiếp”- anh Tâm cho biết.

Hai năm gần đây giá thu mua củ mì tăng cao đến đỉnh điểm. Trước Tết Tân Mão 2011, có lúc đến 2.800 đồng/kg. Vì vậy, năm nay, nhiều người đổ xô đi trồng mì. Có phải do mật độ trồng mì dày đặc và trồng liên tục nhiều năm liền trên một mảnh đất nên đã làm phát sinh bệnh cho cây như đã từng xảy ra với cây thuốc lá vàng? Việc xuất hiện bệnh vàng lá chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng bột mì. Phòng ngừa, chữa trị loại bệnh này như thế nào? Đây là những điều người nông dân đang rất băn khoăn, mong được ngành chức năng tư vấn, giúp đỡ.   

ĐẠI DƯƠNG

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục