Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cây thốt nốt trong đời sống của người Khmer Tây Ninh
Thứ hai: 05:29 ngày 31/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cánh đồng Khedol ở chân núi Bà Đen được nhiều người say mê bởi nó có nhiều cây thốt nốt đẹp, hình dáng lạ kỳ bắt mắt. Bảo tồn cây thốt nốt là bảo tồn một nét văn hoá đẹp đẽ thuần chất của bà con Khmer trên mảnh đất Tây Ninh.

Ảnh minh hoạ Đ.H.T

Cây thốt nốt luôn có mặt trong mọi bình diện đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên cả nước. So với các tỉnh vùng Tây Nam bộ thì dân số Khmer Tây Ninh không nhiều, nhưng sự hiện diện của cây thốt nốt trong đời sống của bà con miền biên viễn thì không hề thua kém bất cứ nơi đâu.

Cây thốt nốt luôn có mặt trong mọi bình diện đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên cả nước. So với các tỉnh vùng Tây Nam bộ thì dân số Khmer Tây Ninh không nhiều, nhưng sự hiện diện của cây thốt nốt trong đời sống của bà con miền biên viễn thì không hề thua kém bất cứ nơi đâu.

Thốt nốt là tên loại cây gốc tiếng Khmer là Th’not, người Việt quen gọi là cây thốt nốt hoặc là cây thốt lốt. Đây là loại thực vật thuộc loại họ cau, sống rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam...

Cây thốt nốt có thân to thẳng đứng, cao từ 15 - 20m khi trưởng thành, bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân, lá xoè tròn như lá cọ. Cây thốt nốt cho những chùm quả lớn hình hơi tròn màu nâu tím sẫm.

Quả thốt nốt khi bổ ra là những múi nhỏ, trắng phau, nhiều nhựa, là một món ăn chơi, giải khát rất được nhiều người ưa thích. Quả chín có mùi thơm hết sức đặc trưng, bột lấy từ quả chín là nguyên liệu làm nhiều thứ bánh nổi tiếng xưa nay.

Đi dọc theo các làng Khmer từ Tân Biên, Tân Châu đến Châu Thành, thậm chí ngay cả khu vực ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân của thành phố Tây Ninh đâu đâu cũng đều thấy sự hiện diện của cây thốt nốt.

Đối với bà con Khmer, cây thốt nốt hết sức gần gũi với đời sống tinh thần. Tự bao đời nay, cây thốt nốt luôn tượng trưng cho tâm hồn, tính cách của người dân tộc Khmer, nó là sự kết tinh cho một nền văn hoá lâu đời in sâu vào tâm khảm cũng như truyền thống của bà con.

Người Khmer ít chú trọng vẻ bên ngoài, nét đẹp của họ toả ra từ tâm hồn mộc mạc, chất phác, hiền lành và tốt bụng. Cũng như cây thốt nốt nhìn thoáng qua thì không có gì đẹp, thậm chí thân xù xì, đen nhám, không mềm mại uyển chuyển và vô cùng vững chãi, bền bỉ, sẵn sàng đối mặt với mưa nắng khắc nghiệt để che chở cho người dân. Cây và người luôn gắn chặt với nhau bằng một tình yêu sâu thẳm, nồng thắm, vị tha.

Đối với các làng Khmer Tây Ninh trước đây, những cây thốt nốt trưởng thành được bà con khai thác lấy gỗ như gỗ dừa, xẻ ra dùng để làm nhà, lá có thể dùng để lợp mái, làm máng xối. Còn xơ trong những tàu lá được tước ra xe sợi làm dây thừng buộc trâu bò hoặc dây kéo rất bền.

Cây thốt nốt có cây đực và cây cái, cây đực cho nước mật, cây cái cho trái để lấy cơm lấy bột. Từ nguyên liệu thốt nốt, bà con chế biến ra nhiều món như bánh, chè và rượu tuyệt ngon, đặc biệt là món đường tán thốt nốt rất nổi tiếng được nhiều dân tộc ưa chuộng. Ngoài ra, thân cây thốt nốt còn làm ra đũa ăn, quạt, tranh lá và nhiều mặt hàng mỹ nghệ khác nữa…

Nói đến thốt nốt thì không thể bỏ qua được nước thốt nốt, một thức uống hết sức đặc biệt. Hoa thốt nốt nở rộ về mùa xuân. Trên cây có nhiều vòi hoa, có thể có tới 30-40 vòi hoa nhô ra.

Để lấy nước, người ta phải leo lên cây, dùng dụng cụ cắt vòi hoa, lấy thanh tre kẹp lại, buộc ống hoặc bình vào đầu cụm hoa hứng nước tiết ra từ chỗ cắt. Hứng như thế một đêm có thể thu được khoảng một lít nước.

Đây là một loại nước giải khát tuyệt vời, vị ngọt dịu. Nhiều người đến Tây Ninh thường thấy bày bán nước, cơm thốt nốt ven các trục lộ hoặc người chở các ống tre đi bán dạo trong các xóm làng.

Gần đây, nhiều nơi còn đi mua lá thốt nốt đem về làm chuồng nuôi dơi. Chuồng dơi được người dân làm có diện tích khoảng 6m2, cao 4-5m, mái trên và vách lợp tôn, bên trong treo khoảng 300-400 chiếc lá thốt nốt được kết lại thành từng mảng làm nơi trú ẩn cho dơi.

Theo kinh nghiệm của người nuôi dơi, chuồng treo lá thốt nốt thu hút dơi về nhiều hơn các chuống lợp bằng nguyên liệu khác. Lá lợp phải là lá thốt nốt thì thời gian sử dụng được lâu hơn. Lá thốt nốt chặt về phải ngâm qua nước rồi đem phơi nhằm diệt sạch ấu trùng kiến- là kẻ thù của dơi.

Do dơi thải phân có thể làm dơ lá thốt nốt, cho nên cứ khoảng một hai tuần là phải đem những chùm lá cũ xuống để giặt, phơi khô và thay lại lá mới. Phân dơi bán cho các cơ sở trồng hoa cảnh, được nhiều nhà vườn ưa chuộng. Ngoài những công dụng như làm thực phẩm, mỹ nghệ… cây thốt nốt ngày nay còn được dùng làm cây cảnh để trang trí các khu vườn tược sang trọng hay công viên, khu vui chơi.

Hầu hết các làng Khmer ở Tây Ninh, thốt nốt được bà con trồng thành những hàng dài ven xóm, ven ruộng hoặc những nơi có suối rạch chảy qua; nhiều nơi, thốt nốt mọc thành cả một cánh rừng. Cánh đồng Khedol ở chân núi Bà Đen được nhiều người say mê bởi nó có nhiều cây thốt nốt đẹp, hình dáng lạ kỳ bắt mắt. Bảo tồn cây thốt nốt là bảo tồn một nét văn hoá đẹp đẽ thuần chất của bà con Khmer trên mảnh đất Tây Ninh.

ĐÀO THÁI SƠN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục