BAOTAYNINH.VN trên Google News

CCB làm kinh tế giỏi

Cập nhật ngày: 06/12/2010 - 10:49

Vợ chồng ông Hoàng Chí Dũng, sinh năm 1956 và bà Đinh Thị Thuý, sinh năm 1955, ngụ tại ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu đều là hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB). Ông bà luôn được bình chọn là gương điển hình sản xuất giỏi của địa phương. Đó là hai tấm gương vượt khó vươn lên, làm giàu bằng chính công sức, trí tuệ của mình.

Ao nuôi ba ba của gia đình ông Dũng

Hai người nên duyên vợ chồng từ khi còn là chiến sĩ Đoàn 700, Quân khu 7. Năm 1994, cả hai cùng xuất ngũ, khoản phụ cấp chỉ đủ mua 4,5 công đất hiện đang ở. Không có việc làm  ổn định, kinh tế gia đình gặp khó khăn. Chồng lái xe chở hàng mướn, vợ ở nhà làm đủ nghề: chăn nuôi bò, dê, mở tiệm xạc bình ắc quy… Những lần chở cá thuê cho người ta, đem đi giao hàng ở TP.HCM, thấy nghề nuôi cá có hiệu quả nên năm 2004 ông Dũng quyết chí học nghề nuôi cá lóc đen theo mô hình hầm ao. Bước đầu nuôi thử hơn 1.000 con, thấy có hiệu quả, ông vay vốn đầu tư mở rộng diện tích nuôi. Hiện nay ông Dũng có 3 hầm cá lóc, mỗi hầm 60m2 và một hầm nhỏ khoảng 20m2 chuyên nuôi cá trê, để tận dụng nguyên liệu dư thừa từ các hầm nuôi cá lóc. Mỗi hầm sâu 1,5m. Ông dùng gạch xây xung quanh miệng hầm, hoặc dùng vải ni-lông phủ lên để chống xói mòn, lại căng lưới cao hơn 1 mét để cá không nhảy ra khỏi hầm. Ông cho biết, trước khi thả cá xuống ao cần phải bơm hết nước để tiêu trùng khử độc, nguồn nước nuôi cá cũng phải sạch, không bị phèn. Ông thả mỗi vụ  25.000 con cá giống (là giống cá lóc đen được mua từ tỉnh An Giang) với giá bình quân 500 đồng/con. Một tháng rưỡi đầu tiên khi cá còn nhỏ, ông dùng cá biển cắt nhỏ để cho ăn. Khi cá lớn thì để nguyên con mồi và cho ăn trên giàn thả nổi trên mặt ao để dễ theo dõi và tránh lượng thức ăn thừa làm ô nhiễm môi trường nước. Ngoài việc theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của đàn cá, còn phải dự phòng sẵn một số loại thuốc phòng ngừa và chữa bệnh cho cá, đồng thời phải thường xuyên thay nước để cá luôn được ở trong môi trường nước sạch. Thời gian mỗi vụ cá chỉ cần kéo dài khoảng 3 tháng rưỡi. Lúc này cá đạt trọng lượng bình quân 300gr/con, tuy giá không cao bằng cá lớn nhưng đổi lại dễ bán hơn, thời gian quay vòng vốn nhanh hơn.

Mỗi năm nuôi thả 3 vụ cá lóc đen, trừ mọi khoản chi phí, ông Dũng có lời trên 40 triệu đồng. Khi thị trường ba ba thịt hút hàng, vợ chồng ông Dũng quyết định đầu tư vào nuôi ba ba thương phẩm. Kết quả khá tốt nhưng do ông chưa có kinh nghiệm nên khi trời mưa to, nước tràn bờ, ba ba bỏ đi khá nhiều. Không nản chí, vợ chồng ông Dũng quyết tâm làm lại, xây dựng lại chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi thả. Hiện hai ông bà đã có hệ thống ao chuồng kiên cố, với số lượng ba ba hơn 3.000 con. Tháng 10 vừa qua, ngay vụ thu hoạch đầu tiên đã đạt hơn 1 tấn, cho lãi ròng hơn 250 triệu đồng (chỉ sau 24 tháng nuôi thả). Ông Dũng cho biết: nuôi ba ba khá dễ dàng, ba ba ít bị dịch bệnh, chi phí thấp, cho lợi nhuận cao, gia đình nghèo có thể nuôi chúng để xoá nghèo được. Nhờ theo nghề nuôi cá lóc, nuôi ba ba thương phẩm và ba ba giống, gia đình ông Dũng đã trả được nợ nần, trở nên khá giả. Bản thân ông Dũng còn tích cực tham gia công tác Hội CCB và các công tác khác tại địa phương xóm ấp. Chi hội CCB do ông Dũng phụ trách luôn đạt xuất sắc.

KHẮC LUÂN