Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
CDC Tây Ninh khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm nhất có thể. Tất cả các loại vaccine được sử dụng trong tiêm chủng phòng Covid-19 tại Việt Nam đều đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép lưu hành.
Tiêm vaccine cho người dân thị trấn Tân Châu. Ảnh: Dương Ðức Kiên
Ðể tạo “lá chắn cho cộng đồng”, thời gian qua, tỉnh Tây Ninh tổ chức nhiều đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 23.9, tỉnh tiêm 427.416 liều vaccine, đạt tỷ lệ 46,57%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân băn khoăn về quá trình tiêm chủng và thông tin về các loại vaccine phòng Covid-19.
Ðể giải đáp thắc mắc của người dân, Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh xung quanh việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, thời gian qua, nhiều người dân mong muốn được tiêm vaccine phòng Covid-19 và đã đăng ký trên phần mềm Sổ sức khoẻ điện tử nhưng không thấy phản hồi. Vậy xin bác sĩ cho biết, người dân đăng ký bao lâu mới được tiêm chủng? Những người đã tiêm mũi 1 rồi thì có phải đăng ký để tiêm mũi 2 không?
Bác sĩ Trần Huyền Trân: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Tây Ninh bùng phát mạnh, nên tỉnh đã triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân theo Kế hoạch 2547/KH-UBND ngày 30.7.2021 của UBND tỉnh; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26.2.2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 và Quyết định số 3355 của Bộ Y tế về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022.
Các đối tượng được ưu tiên tiêm chủng theo quy định bao gồm: lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; người cao tuổi; lực lượng cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên; công nhân tại các khu công nghiệp…
Ðến nay, số lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh còn hạn chế, chủ yếu là vaccine tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 và tiêm mũi 1 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định. Những người đã tiêm mũi 1 từ 4-12 tuần có thể tiêm mũi 2. Lịch tiêm mũi 2 sẽ được cơ quan tiêm chủng thông báo đến người dân khi đến thời hạn tiêm.
Tuy nhiên, CDC Tây Ninh khuyến cáo người dân dù đã tiêm mũi 1 vẫn nên chủ động đăng ký tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn, để ngành Y tế nắm được nhu cầu tiêm chủng của người dân, xác định được số lượng vaccine cần thiết và xây dựng kế hoạch tiêm cụ thể đề nghị Bộ Y tế phân bổ kịp thời để tiêm cho người dân.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, nhiều người cho biết họ đã tiêm mũi 1, có người đã tiêm đủ 2 mũi nhưng không thấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19 trên Sổ sức khoẻ điện tử (SKÐT). Bác sĩ có thể cho biết vì sao?
Bác sĩ Trần Huyền Trân: Sau khi tiêm vaccine Covid-19, người dân không tra cứu được thông tin xác nhận đã tiêm vaccine là do 2 nguyên nhân. Một là do lỗi của hệ thống và hai là do người dân đăng ký thông tin trên Sổ SKÐT không trùng khớp với thông tin đăng ký trên hệ thống tiêm chủng. Người dân liên hệ với cơ quan tiêm chủng để sửa lại thông tin cá nhân hoặc truy cập địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn/ để biết thông tin liên quan.
Phóng viên: Phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt cần có sự bảo vệ miễn dịch với Covid-19. Xin bác sĩ cho biết phụ nữ mang thai có được tiêm vaccine phòng Covid-19 không và việc tiêm ngừa có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Bác sĩ Trần Huyền Trân: Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị biến chứng nặng khi nhiễm Covid-19. Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4355/QÐ-BYT ngày 10.9.2021 về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, trong đó có quy định tiêm cho phụ nữ mang thai.
Ðể tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ở phụ nữ mang thai, các nhà sản xuất vaccine và Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai trên 13 tuần có thể tiêm vaccine Covid-19 để phòng ngừa tốt hơn. Tuy nhiên, theo “hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19” của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai, đang cho con bú chống chỉ định với vaccine phòng Covid-19 Sputnik V.
Phóng viên: Sau khi tiêm vaccine Covid-19, các biểu hiện nào cần phải điều trị y tế, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Huyền Trân: Việc tiêm chủng vaccine là hoạt động đưa kháng nguyên vào cơ thể để tạo ra kháng thể phòng, chống bệnh. Không riêng gì vaccine Covid-19, tất cả các loại vaccine đều có thể gây ra phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, tiêm vaccine phòng Covid-19 là điều cần thiết ngay lúc này.
Vaccine phòng Covid-19 giúp người được tiêm hạn chế các triệu chứng nguy hiểm khi nhiễm Covid-19. Người được tiêm có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: chỗ tiêm bị đau, mẩn đỏ, sưng tấy; khô miệng, tê lưỡi, khô môi; khó thở, ho; đau bụng, tiêu chảy; hoặc các triệu chứng mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, ớn lạnh, sốt, buồn nôn…
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm là hiếm gặp, nhưng người được tiêm chủng cần nắm các dấu hiệu bất thường và các bệnh viện cần đến theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trong trường hợp phản ứng thông thường nhưng diễn biến nặng cần đến cơ sở y tế sớm để được chữa trị kịp thời.
Phản ứng sau tiêm là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể người được tiêm đang xây dựng hàng rào bảo vệ. Các tác dụng phụ này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày, nhưng sẽ biến mất sau vài ngày. Một số người không có tác dụng phụ.
Bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo, đài.
Phóng viên: Trong đợt tiêm tháng 9.2021, công tác triển khai tiêm chủng của tỉnh gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Trong thời gian tới, để tiếp tục công tác tiêm phòng Covid-19, tỉnh có kế hoạch phân bổ vaccine phòng Covid-19 cho các huyện, thị xã, thành phố ra sao, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Huyền Trân: Trong đợt tiêm chủng tháng 9.2021, công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ. Trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn về nhân lực do đợt tiêm này được triển khai song song với chiến dịch xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng đợt 3, nhân lực ngành Y tế không thể hỗ trợ cho công tác tiêm chủng vaccine.
Bên cạnh đó, số lượng vaccine phòng Covid-19 phân bổ về tỉnh không nhiều, đồng thời việc nhiều người dân chưa đăng ký tiêm chủng qua Sổ SKÐT nên việc tổng hợp, thông báo lịch tiêm chủng đến người dân còn chậm.
Sắp tới, tỉnh tiếp nhận thêm 3 đợt vaccine phòng Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ 32.700 liều vaccine các loại, sẽ tiếp tục tiêm chủng cho người dân, chủ yếu tiêm chủng cho các đối tượng đã tiêm mũi 1, người có bệnh nền và người lao động trên địa bàn tỉnh.
CDC Tây Ninh khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng Covid-19 sớm nhất có thể. Tất cả các loại vaccine được sử dụng trong tiêm chủng phòng Covid-19 tại Việt Nam đều đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép lưu hành. Người dân hãy đăng ký tiêm để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho bản thân và mọi người xung quanh.
Ngọc Bích