Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cha dượng
Chủ nhật: 12:32 ngày 17/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dư luận ong ve cứ như dầu châm đống lửa khiến thằng Hải càng thêm tức tối. Nó nhất quyết không gọi ông Tám là ba cho dù ông Tám cưng chiều nó hết mức, không dám nói nặng một câu; cho dù ngôi nhà tranh xập xệ, nhỏ xíu xiu của mẹ con nó đã được ông Tám cất lại rộng rãi khang trang.

1.

Nó tên Hải, bạn cùng tôi suốt 5 năm tiểu học. Chỉ tiểu học thôi bởi còn lâu nó mới lên nổi lớp 6. Học hành bí bét, ôi chao, lại còn bợm, còn lì. Tướng tá nó, ai nhìn qua cũng bắt mệt: mặt mày đen đúa, rắn câng (giống hệt mặt… Chí Phèo!), đôi mắt xếch, ngỗ ngược một vẻ rất bất cần đời.

Áo quần giày dép tuỳ tiện gặp gì xỏ nấy. Vào lớp, nó nói năng cùng bè bạn, thầy cô toàn bằng một giọng “phang ngang bửa củi” rất cộc. Mà không, với thầy cô thì phải nói: rất - hỗn. Bài vở về nhà khỏi nói cũng thừa biết nó không bao giờ chuẩn bị. Thầy cô gọi kiểm tra bài mười lần như một đều chỉ nghe một đáp án “chưa” duy nhất: chưa thuộc, chưa làm… Ấy mới nói chuyện học lực. Ðạo đức ư, càng tệ! Ðứng đầu danh sách vi phạm nội quy của lớp, của trường. Sinh hoạt lớp tuần nào cô chủ nhiệm cũng mỏi miệng thiếu điều phát khóc. Vô phương. Miệng cô nói tai cô nghe; còn Hải, nó đang tay chống cằm, hất mặt nhìn mông ra cửa sổ, chăm chú dõi theo đôi chim sâu chuyền cành lích rích bằng vẻ rất phớt lờ…

Cùng quê cùng xóm. Tôi lại là đứa thích tà tụ - nay qua nhà thằng An hái ổi mai sang nhà con Bích khều me - nhưng nhà Hải tôi không bao giờ léo chân. Bạn bè rủ rê cách mấy cũng từ chối. Nói vụng nghe: ai biểu nó lì, bợm lại còn học dốt chi! Nghe đồn khu vườn nhà Hải “cổ tích” lắm cũng thấy thèm; nhưng vụ học dốt thì tôi dứt khoát không chơi. Chẳng hiểu sao, trời sinh tôi ghét đắng ghét cay mấy đứa con trai học dốt.

2.

Thiệt tình, tôi không (dám) léo chân tới nhà Hải cũng còn thêm một lý do khác. Nghe nói vườn nhà nó rộng rinh, trồng lộn xộn cả điều, cả ổi cùng hai cây me to tướng; nhưng nhà nó lại lợp tranh vách đất lọt thỏm giữa vườn, nhỏ xíu xiu như cái nhà làm cảnh mấy đoàn cải lương thường vẽ trên sân khấu mỗi lúc về làng. Ðất ấy nằm trên đồi, lổn nhổn sạn ruồi đá dăm không chút màu mỡ. Ngày trước hợp tác xã cho dựng nhà kho, lắp máy móc kinh doanh dịch vụ xay xát. Làm ăn bí bét, máy móc vận hành ạch đụi một bữa chạy ba bữa hư cuối cùng đành giải tán, đất hoang hoàn đất hoang.

Người ta đồn đất ấy cứng, âm khí nhiều, ở không làm ăn được. Âm khí nhiều là nhiều… cái gì hở anh Hai? Là, là… nhiều ma! Anh Hai lúng túng một hồi xong đáp gọn hơ. Trời đất, tôi là đứa chúa sợ ma, mới nghe đà muốn són đái. Có lý lắm; vườn nhà nó rộng um tùm vậy không có ma mới lạ. Ba nạt: ma cỏ gì, đất ấy cằn cỗi, khó làm ăn, người ta đồn bậy thôi. Ba nói kệ ba, tôi vẫn tin anh Hai hơn. Trời sinh, đa phần người ta chỉ muốn tin cái gì “ấn tượng”, cái khiến người ta thích.

Cả làng chê đất ấy, không ai dám ở. Hợp tác xã mới đem phân cho nhà thằng Hải. Nhà nó mẹ goá con côi, lại gần thuộc diện chính sách, chưa có đất ở. Ðất ế, phân chia có phần thởi lởi. Vậy nên nhà Hải mới có cái vườn rộng um tùm như trên…

3.

Bảo nhà Hải “gần thuộc diện chính sách” là do ba Hải sớm thoát ly theo cách mạng. Vào bộ đội, ông hy sinh trên đường công tác. Ði một mình; vậy nên việc lập hồ sơ công nhận liệt sĩ gặp khó khăn bởi không người chứng. Chưa chính thức được công nhận liệt sĩ; nhưng làng xã, chính quyền ai cũng xem như đã.

Nhân cách của ba Hải ngày còn sống; nhân cách của mẹ Hải từ lúc mất chồng ở vậy nuôi con khiến người ta tin. Tin, thương; nhưng ưu ái cũng chỉ được chừng ấy thôi. Luật là luật; gia đình Hải đương nhiên chưa được nhận trợ cấp liệt sĩ khi chưa có quyết định chính thức.

Cảnh mẹ goá con côi khó khăn chồng chất. Cô Tư (mẹ Hải) hết bươn chải đồng ngoài lại lặn lội đồng trong cấy mướn cày thuê: mờ đất dậy đi, xẩm tối mới về. Thằng Hải ở nhà một mình tha hồ mà “tự do”. Thêm nữa, nhà khổ nhưng cô Tư chiều con, đòi gì cũng mua, lại rất ít mắng mỏ đòn roi. Nó hư chắc vì lẽ đó.

Người ta bảo: con không cha như nhà không nóc. Tôi mường tượng đến cảnh ngôi nhà tranh nhỏ xíu xiu như trong tuồng cải lương của mẹ con thằng Hải bị bay mất nóc, trống huơ trống hoác. Tưởng tượng cảnh thằng Hải dang nắng cháy da, dang mưa ướt nhẹp. Nhà không nóc thì sao gọi là nhà…

4.

Người đàn ông có khuôn mặt vàng bủng beo, dấu hiệu của người lâu năm nhiễm sốt rét. Ba lô, áo bộ đội lầm bụi bạc màu, chân đi khấp khểnh. Hỏi thăm nhà anh Ðức. Ðức nào, cả làng này không ai có tên Ðức. Anh Ðức đi bộ đội, hy sinh năm…

A, nhớ ra rồi, là… ba thằng Hải!

Lần theo chỉ dẫn đến ngôi nhà nhỏ xíu xiu lọt thỏm trong khu vườn rộng, người đàn ông nhìn cảnh nhà dột nát, nhìn di ảnh của ba thằng Hải trên bàn thờ, vụt chảy nước mắt. Ðức ơi, mày tha thứ cho tao cái tội về muộn để mày phải đợi chờ, vợ con mày phải khổ sở lâu nghe Ðức.

Ông run run trật nắp ba lô, lôi ra mấy món tư trang: nhẫn cưới, đồng hồ... cùng cuốn nhật ký viết tay ố vàng bọc hai ba lớp nylon chống thấm. Tôi là Nhân, bạn cùng đơn vị với Ðức. Chuyến công tác ấy tôi với Ðức đi chung. Ðức hy sinh, tôi bị thương mất trí nhớ, lưu lạc hết bệnh viện này sang bệnh viện khác...

Lần này thì đến lượt cô Tư (mẹ Hải) chảy nước mắt!

Ðêm đó, ông khách lên cơn sốt cấp tính, nằm liệt. Uỷ ban xã cho người gọi cô Tư. Ðất lạ quê người không ai thân thích, cô Tư phải bỏ công ăn việc làm, túc trực lo cơm cháo thuốc thang cho người bạn của chồng…

5.

Với thằng Hải, chuyện mẹ nó làm là không tha được; người lớn nói năng, khuyên giải cách mấy cũng vô hiệu. Mẹ tái giá đã là cái tội; lại còn tái giá với ông Tám Nhân (bạn ba) thì là tội trạng nhân đôi. Thà mẹ nó cứ yên bề hủ hỉ một mẹ một con, khổ cực mấy nó cũng chịu. Mẹ không chồng thì có sao đâu. Lâu giờ, mẹ con nó vẫn sống tốt đấy thôi. Hàng xóm cứ bảo: nhà thiếu đàn ông…

Thiếu đâu mà thiếu, nó cũng đàn ông mà. Nhà có một người đàn ông là đủ, không cần thiết phải có hai; chưa kể người thứ hai ấy lại là ông Tám Nhân. Giá đổi lại ông Tám là… ba thì còn khả dĩ. Nhưng ba ra đi sớm quá, lâu quá - đến mức nó không hình dung được gì nhiều, cũng không cảm thấy mình cần phải có một người cha. Với nó, mình mẹ là đủ. Mẹ là của riêng nó, “độc quyền”, không ai được lớ xớ.

Nhất là một người (nói trắng: xa lạ) như ông Tám!

Làng xóm nhiều người thương, ủng hộ; nhưng cũng có người nghiệt ngã (hết đàn ông hay sao lại đi ưng bạn chồng. Còn thằng ấy nữa, vợ bạn không từ chắc cũng chẳng phải đồ tử tế…). Dư luận ong ve cứ như dầu châm đống lửa khiến thằng Hải càng thêm tức tối. Nó nhất quyết không gọi ông Tám là ba cho dù ông Tám cưng chiều nó hết mức, không dám nói nặng một câu; cho dù ngôi nhà tranh xập xệ, nhỏ xíu xiu của mẹ con nó đã được ông Tám cất lại rộng rãi khang trang.

Lương thương binh cộng thêm thu nhập từ việc chịu khó chịu thương bươn chải đủ nghề của ông Tám giờ nhà nó thành khấm khá hơn xưa. Cô Tư, mẹ Hải bớt nhọc nhằn hoá trắng da dài tóc, trẻ đẹp hẳn ra. Nhiều người khen nhưng thằng Hải lại “thấy ghét”. Nó thấy mẹ đang dần xa nó. Thủ phạm ư, không ai khác chính là “ông ấy”.

Lần đầu tiên mẹ dám mắng nó cái tội hỗn hào, lêu lổng. Ðược; đã vậy, nó sẽ hỗn hào, lêu lổng nhân đôi cho biết tay. Nói là làm, thằng Hải bắt đầu la cà đi “chơi chuyến”, ăn ngủ luôn ở nhà bạn. Nhiều đêm nó không về nhà khiến ông Tám phải xách đèn pin chạy kiếm cùng làng…

6.

Tôi đi học, ra trường công tác xa, thi thoảng mới về nhà. Bạn bè thuở nhỏ hiếm có đứa còn liên lạc; riêng “nhân duyên” với thằng Hải lại càng đứt đoạn từ thời xa lắc xa lơ. Như tôi dự báo, nó xong tiểu học thì bỏ ngang, không lên nổi lớp 6. Có người đổ: do nó buồn chuyện mẹ lấy chồng khác, sinh bê tha… Sai. Học chung với nó 5 năm, cái lai lịch “cộm cán”, học hành bí bét từ thời mẹ nó đơn thân tôi còn lạ gì…

Gặp Hải đang ngồi nhà anh Hai, tôi bất ngờ tới mức suýt không nhận ra. Hải giờ chững chạc đứng đắn, không có dáng vẻ gì của cái thời “anh chị” khi xưa. Ðáp cái cười chào khá thiện chí của Hải lúc gặp nhau, tôi cũng gượng nở một nụ cười… méo xẹo. Tôi biết, tôi chưa quên nổi ký ức “tiêu cực” một thời của người bạn cũ.

Bữa cơm chiều. Câu chuyện hàn huyên tình cờ nhắc tới Hải. Nó giờ được lắm, anh Hai bảo, lập gia đình xong sống tu tỉnh đàng hoàng, biết nhường dưới kính trên. Hỏi kỹ mới hay: hết thời lêu lổng, Hải được ông Tám cưới vợ, cất nhà, tìm công ăn việc làm cho. Giờ vợ chồng Hải làm đại lý vé số, thu nhập khá.

Ngôi nhà mái Thái khang trang xây ngay trên chỗ “đất cứng” ngày xưa không ai dám ở. Giữa nhà, Hải treo trang trọng tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của ba Ðức cùng bàn thờ, di ảnh và những kỷ vật mang về từ chiến trường dạo nọ. Cái kết có hậu ấy quá nửa là nhờ “công quả” của ba Nhân. Ra làm nhân chứng; chạy ngược chạy xuôi lo hoàn tất hồ sơ. Phải; cuối cùng rồi Hải cũng đã chịu gọi ông Tám Nhân bằng ba...

*

…Kể tới đoạn này, ba tôi cứ chắt hít: công nhận ông Tám giỏi thiệt, con người ta mà uốn miết rồi cũng thành con mình.

Y.N

Tin cùng chuyên mục