BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cha mẹ cần nhớ 8 biện pháp đề phòng trẻ 'chết đuối trên cạn' 

Cập nhật ngày: 11/06/2017 - 16:16

Cha mẹ có thể không thấy con mình hít phải nước. Do đó nhận biết dấu hiệu trẻ bị 'chết đuối trên cạn' và 'chết đuối thứ cấp' là rất quan trọng.


Chết đuối trên cạn rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được - Ảnh: Shutterstock

Những dấu hiệu thường gặp của chết đuối trên cạn cũng như chết đuối thứ cấp là thở nặng nhọc, ho thường xuyên, nôn, có hành vi bất thường hoặc rơi vào trạng thái rất buồn ngủ.

Làm gì khi trẻ có dấu hiệu chết đuối trên cạn?

Khi thấy con có những dấu hiệu này sau khi đi bơi, cha mẹ nên đưa con ngay đến bệnh viện cấp cứu ngay cả khi con đã được nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp sơ cứu, theo bác sĩ Danelle Fisher - phó khoa nhi tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở Santa Monica, California, Mỹ.

Tại bệnh viện, trẻ sẽ được cho chụp X-quang vùng ngực, được truyền dịch và theo dõi dấu hiệu suy hô hấp hoặc tổn thương phổi.

Trường hợp bị nặng, trẻ sẽ được chăm sóc đặc biệt, thậm chí có thể cần phải dùng ống thở trong một thời gian.

Quan trọng nhất, bác sĩ Fisher muốn cha mẹ biết rằng "chết đuối trên cạn" rất thường bị bỏ qua vì đa số mọi người chỉ quan tâm đến tình trạng đuối nước chứ ít ai nghĩ một đứa trẻ đã lên bờ an toàn lại có thể gặp nguy hiểm.

"Thấy con đi bơi về cứ nằm dài ra, thường cha mẹ nghĩ con mệt do bơi nhiều hoặc do nắng. Có mấy ai nghĩ đứa trẻ bị đuối nước trên cạn?

Đáng sợ nhất là thời điểm đuối nước trên cạn, nó có thể xảy ra 24 giờ sau khi trẻ hít phải nước. 

Thậm chí đáng sợ hơn nữa là đuối nước trên cạn có thể xảy ra trong khi đứa trẻ đang ngủ trưa hoặc ngủ đêm. Vì sao? Vì nước trong phổi có thể gây nôn, tiếp theo là nghẹn", bác sĩ nói.

Những cách đề phòng

Theo các bác sĩ và chuyên gia, có thể ngăn ngừa chết đuối trên cạn bằng các biện pháp phòng ngừa thích hợp với nước. Chúng bao gồm:

- Luôn theo dõi con khi trẻ xuống nước hoặc chơi gần ao, hồ, bồn tắm...

- Chỉ cho trẻ bơi ở những khu vực có nhân viên cứu hộ.

- Nếu nhà có hồ bơi, nên lắp rào chắn xung quanh hồ bơi. 

- Không để con bơi một mình.

- Chú ý an toàn khi đi thuyền: luôn đeo áo phao khi đi thuyền bất kể người lớn hay trẻ nhỏ.

- Cho con học bơi và các lớp học về an toàn dưới nước (trẻ trên 4 tuổi nên học bơi).

- Ngoài ra, phụ huynh và người chăm sóc trẻ nên biết cách hồi sức tim phổi (kết hợp ấn ngực và hô hấp nhân tạo bằng miệng).

- Đối với trẻ lớn, hãy dạy con kiến thức về chết đuối trên cạn để con tự đề phòng rủi ro cũng như biết tự nhận biết các dấu hiệu bất thường của cơ thể để kịp thông báo cho cha mẹ. 

"Tai nạn có thể xảy ra với con bạn bất cứ lúc nào. Những trường hợp dẫn đến chết đuối trên cạn có thể xảy ra chỉ trong vài giây. Vì vậy, hãy chú ý trông chừng con cẩn thận", trang WebMD dẫn lời bác sĩ Fisher.

Nguồn TTO