Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cha mẹ có xâm phạm quyền riêng tư của con khi đăng ảnh con lên mạng xã hội? Đây là một câu hỏi đang “nóng” trong bối cảnh xã hội hiện đại ở tất cả các quốc gia.
Tại Mỹ, ngay ở thời điểm hiện tại, câu hỏi trên vẫn đang tiếp tục được đưa ra bàn luận. Dưới đây là một bài viết đăng tải trên trang tin tức uy tín NPR (Mỹ) với những góc nhìn thân thiện, dễ hiểu về câu hỏi mới, có nhiều cách nhìn đa chiều nói trên…
Khi con trai của chị Katlyn Burbidge lên 6 tuổi, có lần chứng kiến cậu bé đùa nghịch ngốc nghếch một cách dễ thương, chị Katlyn đã chụp hình lại, ngay sau đó, cậu bé hỏi mẹ: Mẹ có đăng ảnh này lên Facebook không ạ? Chị bật cười và nói: Có chứ. Cậu bé lo lắng đề nghị: Mẹ không đăng có được không?
Câu hỏi này của con đã khiến chị Katlyn dừng bấm nút “Đăng” và tự hỏi mình: Trước nay, mình đã đăng ảnh con lên mạng mà không hề hỏi ý kiến của bé. Mình đã dạy bé kỹ lưỡng về cách tự bảo vệ bản thân, bảo vệ sự riêng tư cơ thể, yêu cầu bé không lại gần và cư xử thân mật với người lạ, nhưng mình chưa nghĩ tới việc hỏi ý kiến của bé về việc đăng ảnh lên mạng.
Vậy từ nay, khi mình muốn đăng ảnh của con, mình sẽ cho bé xem ảnh, và chờ sự đồng ý của bé. Mình có quyền cài đặt chế độ chấp nhận “tag ảnh” từ bạn bè, cũng có quyền lựa chọn sẽ đăng ảnh nào lên mạng, vậy tại sao con mình không được trao những quyền đó?
Chị Katlyn là một người mẹ sinh sống ở bang Massachusetts, Mỹ. Cách chị hành động chính là cách tiếp cận mà nhiều chuyên gia nghiên cứu nhi khoa hiện nay đang khuyến khích các bậc cha mẹ có con từ 6 tuổi trở lên cân nhắc thực hiện.
Câu chuyện của chị Katlyn đã được nhắc tới trong một buổi hội thảo được Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) tổ chức. Tại đây, các chuyên gia về nhi khoa đã cùng bàn luận về việc làm cha mẹ trong bối cảnh thế kỷ 21 với những thách thức mới.
Trong đó, họ sử dụng một thuật ngữ, đó là “sharenting”, ghép nên bởi hai từ “share” (chia sẻ trên mạng xã hội) và “parenting” (làm cha mẹ). Đây là một thuật ngữ mới mà giới nghiên cứu nhi khoa đang sử dụng để nói ngắn gọn về việc cha mẹ giờ đây có thói quen chia sẻ “tất tần tật” về quá trình trưởng thành của con trên mạng.
Giáo sư Stacey Steinberg, chuyên gia trong lĩnh vực kỹ năng luật tại trường luật Levin College of Law (Mỹ) chia sẻ: “Là người thúc đẩy cho quyền của trẻ em, chúng tôi tin rằng trẻ em nên được trao tiếng nói trong việc quyết định những thông tin nào về trẻ được phép chia sẻ trên mạng”.
Giáo sư Steinberg cho rằng điều này là để đảm bảo cho trẻ cảm thấy thoải mái, có quyền kiểm soát đối với hình ảnh bản thân, không bị cha mẹ áp đặt. Ngoài ra, cách làm này cũng là để bảo vệ hình ảnh của trẻ không bị đăng tải trên những trang web xấu. Vấn đề bảo vệ trẻ nhỏ trong thế giới công nghệ đang ngày càng trở thành đề tài quan trọng của các chuyên gia nhi khoa.
Giáo sư Bahareh Keith, một chuyên gia về nhi khoa ở trường Đại học Florida (Mỹ) thì cho rằng đa phần trẻ nhỏ không thấy có vấn đề gì với những bức hình cha mẹ đăng tải, nhưng từ góc nhìn của người lớn, cần thấy rằng hành động đăng tải ảnh có sự mẫu thuẫn giữa quyền chia sẻ của cha mẹ và quyền riêng tư của con cái.
Giáo sư Steinberg cho rằng: “Các bậc cha mẹ không cần phải tuyệt đối dừng đăng ảnh con, chỉ cần họ nhận thức được rằng, con họ rồi sẽ trưởng thành, sẽ gây dựng hình ảnh của riêng mình trong mắt bạn bè, đồng nghiệp.
Tương lai của chúng ta đang ngày càng chịu sự ảnh hưởng từ mạng xã hội. Và ở tuổi trưởng thành, có thể trẻ sẽ ước gì mình hoàn toàn có thể tự do tạo dựng định hướng hình ảnh theo ý muốn”.
Giáo sư Steinberg cũng trích dẫn lại một nghiên cứu, trong đó 249 gia đình gồm cha mẹ và con cái cùng tham gia khảo sát. Trong đó, số trẻ cho rằng cha mẹ cần phải tuân thủ luật về chia sẻ thông tin con cái trên mạng cao gấp đôi số lượng cha mẹ đồng tình với ý tưởng về luật này. Điều này cho thấy cha mẹ những tưởng mình cư xử hợp lý trong việc chia sẻ về con trên mạng, nhưng kỳ thực, vẫn có những trẻ nhỏ cảm thấy bất an.
Ông David Hill, chuyên gia cao cấp của Viện Nhi khoa Mỹ cũng đề cập rằng trong khi Viện đã có những hướng dẫn để cha mẹ biết cách định hướng cho con mình sử dụng hiệu quả mạng xã hội, thì không có hướng dẫn nào cho cha mẹ biết cách sử dụng mạng xã hội hợp lý để bàn luận và đăng tải hình ảnh về con mình. Thực tế, có những bậc cha mẹ đã vấp phải việc chia sẻ quá nhiều về con trên mạng.
Giáo sư Steinberg cho rằng hiện tại vẫn còn quá ít nghiên cứu về vấn đề chia sẻ thông tin, hình ảnh của trẻ trên mạng xã hội: “Chúng ta không cần phải tạo nên những lo lắng thái quá cho các bậc phụ huynh, nhưng ít nhất họ cần phải ý thức được những nguy cơ, khi ảnh bị sử dụng lại nhằm mục đích xấu”.
Ngoài ra, không thể bỏ qua khía cạnh tích cực của việc chia sẻ thông tin giữa các bậc cha mẹ với nhau thông qua mạng xã hội, bởi điều này giúp hình thành nên sự kết nối, hỗ trợ, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các bậc phụ huynh.
Nghiên cứu của bệnh viện nhi C.S. Mott (Mỹ) cho thấy 72% phụ huynh tham gia khảo sát cảm thấy việc chia sẻ thông tin trên mạng khiến họ cảm thấy bớt lo lắng, bởi họ nhận được những lời khuyên hữu ích từ các bậc cha mẹ khác.
Cách chúng ta cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, cách chúng ta làm giảm bớt những nguy cơ của việc chia sẻ thông tin về con trẻ trên mạng xã hội, đó là những vấn đề mà các phụ huynh, trong bối cảnh hôm nay, cần tự hỏi chính mình. Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng, suy cho cùng, cha mẹ vẫn là những người hiểu rõ nhất làm thế nào là tốt cho gia đình và con cái của mình.
Nguồn dantri.com.vn