Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Công tác hỗ trợ thiên tai:
Chậm do “lấn cấn” về loại cây trồng
Thứ sáu: 09:20 ngày 27/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ðến tháng 9.2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016 trên địa bàn huyện Châu Thành với số tiền trên 2,8 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, công tác hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện do phát sinh thêm một nguyên nhân khác.

Cày huỷ mì nhiễm bệnh khảm lá (ảnh minh hoạ).

Vào những ngày đầu tháng 10.2016, mưa liên tục nhiều ngày kết hợp triều cường dâng cao, mực nước sông Vàm Cỏ Ðông dâng lên từ 1,5 - 2m, đỉnh điểm từ ngày 20 - 30/10, gây ngập lụt trên diện rộng ở 13/15 xã, thị trấn của huyện Châu Thành. Tuy nhiên đến nay, công tác hỗ trợ thiên tai cho người dân bị thiệt hại có tiến độ rất chậm. 

Theo phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, do năm 2016, tình trạng ngập lụt trên địa bàn huyện xảy ra trên diện rộng, các đối tượng thiệt hại gồm nhiều đối tượng cây trồng khác nhau, quá trình làm hồ sơ có sai sót, phải điều chỉnh lại nhiều lần dẫn đến chậm tiến độ.

Tại một cuộc họp gần đây, đại diện lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết, UBND đã kiểm điểm trách nhiệm của mình về sự chậm trễ này. Ðến tháng 7.2017, huyện đã hoàn thành các thủ tục và có tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện.

Qua thống kê, tổng diện tích đất sản xuất bị thiệt hại trên địa bàn huyện Châu Thành hơn 1.110 ha và 340m3 lồng, bè cá. Trong đó có khoảng 67 ha nuôi trồng thuỷ sản và trên 1.000 ha lúa, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn trái bị thiệt hại.

Theo phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch khảm lá trên cây mì, Châu Thành cũng là một trong những địa phương có mì bị nhiễm bệnh. Trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ cho nông dân có mì nhiễm bệnh, gặp “lấn cấn” ở chỗ chưa xác định rõ cây mì thuộc đối tượng cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm hay nhóm cây bắp, rau màu (!?).

Theo hồ sơ thiệt hại thiên tai năm 2016, huyện Châu Thành xếp cây mì vào nhóm cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Hiện Sở NN&PTNT đang xin ý kiến của Bộ NN&PTNT nên huyện cũng đang chờ ý kiến trả lời của Bộ NN&PTNT mới có thể tiến hành được các bước tiếp theo.

Ðến ngày 6.10.2017, Sở NN&PTNT đã có công văn về việc tạm dừng thực hiện chính sách chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên cây mì, do có sự không thống nhất giữa mức hỗ trợ của tỉnh với quy định của Bộ Tài chính. Cụ thể, theo quy định của UBND tỉnh đối với diện tích mì thiệt hại do nhiễm bệnh từ 30% đến 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại do nhiễm bệnh trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha (áp dụng theo Ðiểm e, Khoản 1, Ðiều 5, Nghị định số 02/2017/NÐ-CP đối với diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm).

Còn theo Công văn số 11661 ngày 31.8.2017 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ kinh phí chống dịch bệnh khảm lá mì), cây mì thuộc nhóm cây bắp, rau màu, mức hỗ trợ thiệt hại được áp dụng theo Ðiểm d, Khoản 1, Ðiều 5 Nghị định số 02/2017/NÐ-CP, cụ thể, thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30 - 70% hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT có Tờ trình tham mưu UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT áp dụng mức hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh đối với cây mì trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Ðiểm e, Khoản 1, Ðiều 5, Nghị định số 02/2017/NÐ-CP (đối với nhóm cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm). Hiện tỉnh đang chờ ý kiến trả lời của Bộ NN&PTNT mới có thể thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng bị thiệt hại do thiên tai.

TRÚC LY

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục