BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chậm dự phòng cho người cứu bệnh nhân HIV vì thiếu quy chế

Cập nhật ngày: 04/07/2017 - 11:58

Mặt khác 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay, do vậy hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV.

Chậm dự phòng cho người cứu bệnh nhân HIV vì thiếu quy chế

03/07/2017 16:11 GMT+7

TTO - Thông tin từ Bộ Y tế ngày 3-7 cho hay sáng cùng ngày, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã họp bàn và thống nhất sẽ sớm có quy chế rõ về các trường hợp được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV/AIDS miễn phí. 

Theo đó, 7 người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân HIV và có tiếp xúc với dịch, máu của người bệnh hôm 30-6 chậm được uống thuốc dự phòng do chưa có quy chế rõ ràng, sau vụ việc ở Kon Tum, Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về việc này.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, quy định hiện hành chỉ cấp thuốc ARV dự phòng cho những người bị phơi nhiễm trong khi làm nhiệm vụ.

“Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là hỗ trợ tối đa người có hành động dũng cảm, tích cực cứu người. Các đơn vị y tế khi gặp trường hợp tương tự cần báo ngay lên cấp trên và báo về Bộ Y tế để được hướng dẫn”- ông Cảnh cho biết.

Về nguy cơ 24 cán bộ y tế và người dân ở Kon Tum bị lây nhiễm HIV, ông Cảnh cho biết người phụ nữ bị nhiễm HIV và đã tử vong sau tai nạn giao thông hôm 30-6 đã được điều trị nhiều năm bằng thuốc kháng virus (ARV). Về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ virus HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế), khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp.

Mặt khác 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay, do vậy hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV.

Ông Cảnh cũng cho biết hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS đề nghị điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ.  Như vậy cả 24 bệnh nhân này đều được điều trị ARV trong vòng 48 giờ đầu sau phơi nhiễm. Đây là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày. Trong thời gian này, người được điều trị cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay.

Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý nếu cần, tư vấn tuân thủ điều trị. Sau 3 tháng, những người được điều trị dự phòng sẽ được xét nghiệm lại HIV.

Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV, do vậy họ không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV.

 Đề nghị khen thưởng cho người tham gia cấp cứu, vận chuyển nạn nhân

Thông tin từ Sở Y tế Kon Tum cho hay Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Kon Tum đã có văn bản gửi Sở Y tế, đề nghị Sở tặng bằng khen cho anh Lê Văn Tùng (28 tuổi) do đã có tinh thần trách nhiệm cao, lấy xe tải chở tám người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, trong đó có nạn nhân nhiễm HIV kể trên.

Trước đó, hôm 1-7 trên mạng xã hội có thông tin anh Tùng bị đề nghị “bán thuốc” ARV dự phòng với giá 5 triệu đồng. Status này hiện đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội (dù người đăng tải đầu tiên đã xóa status), gây nhiều tranh cãi về việc ngành y tế bị oan hay không oan, việc không cấp thuốc ARV miễn phí cho người tham gia vận chuyển, cấp cứu nạn nhân HIV là đúng quy trình hay là thiếu nhạy cảm…   

Nguồn TTO