Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hiện Nghị quyết số 29/2017/NQ-HĐND:
Chậm – khó
Thứ hai: 06:03 ngày 09/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực hiện Nghị quyết số 29/2017/NQ-HĐND ngày 27.9.2017 của HĐND tỉnh, ngày 7.12.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND về bảo vệ môi trường khu dân cư và việc triển khai thực hiện phân cấp kinh phí bảo vệ môi trường cho cấp xã. Nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh đã có, nhưng việc thực hiện ở hầu hết các địa phương còn khó khăn.

Xe thu gom rác trên đường Điện Biên Phủ, TP. Tây Ninh (ảnh minh hoạ).

RÁC KHÓ THU GOM

Theo UBND phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh), hiện nay, trên địa bàn phường có 349 hộ dân đăng ký lấy rác, chủ yếu trên các tuyến đường chính như Bời Lời, Điện Biên Phủ, Trần Phú… Ngoài ra, một số hộ dân tự chôn, đốt rác ở nhà do diện tích đất ở còn rộng.

Ông Trần Thanh Tân- Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Sơn cho biết, trong xã vẫn còn một số hộ dân thiếu ý thức, họ không đăng ký nhưng đem rác ra bỏ ở điểm tập hợp rác. UBND phường đã nhiều lần tổ chức vận động người dân đăng ký thu gom rác, người dân đã hứa tham gia, nhưng đến lúc làm hợp đồng với Công ty Công trình đô thị lại không đăng ký, do đó, phường gặp khó khăn trong vấn đề này. Thời gian qua, UBND phường không quản lý nguồn kinh phí bảo vệ môi trường.

Còn lãnh đạo UBND xã An Cơ (huyện Châu Thành) cho hay, tình hình xử lý rác thải tại địa phương rất khó khăn vì có nhiều người ở địa phương khác đến xả rác. Thời điểm trước tết, xã cho lực lượng trực cả tháng ở các điểm này, nhưng không thể phát hiện và xử lý được.

Ngân sách địa phương dành cho chi thường xuyên khoảng 600 triệu đồng, do đó, lấy phần này để thực hiện công tác bảo vệ môi trường thì khả năng không bảo đảm chi cho các hoạt động khác, nhưng xã cũng phải thực hiện vì đây là nhiệm vụ bắt buộc.

Ngoài việc vận động các đơn vị, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường, xã còn vận động thêm các mạnh thường quân đặt hệ thống camera tại các điểm nóng về rác thải. Tuy nhiên, khu vực nào có lắp camera thì người dân không dám thải rác ở đó mà… thải sang chỗ khác.

Theo ông Hồ Hữu Thắng- Chủ tịch UBND xã Tân Đông (huyện Tân Châu), xã đã cử lực lượng dân quân, công an trực cả đêm ở một số điểm người dân hay vứt rác. Lúc có lực lượng trực thì không thấy ai, nhưng anh em đi về, tình trạng xả rác lại tiếp diễn. Xã phải cho gắn camera mới giúp hạn chế được tình trạng này. Việc gắn camera vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa giám sát vấn đề đổ rác, nhưng xã không có khả năng gắn camera trên toàn địa bàn.

ĐỊA PHƯƠNG GẶP KHÓ KHĂN

Qua khảo sát của HĐND, mặc dù nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi, mức chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường đã được ban hành một thời gian, nhưng chưa có địa phương nào tiếp cận được chính sách này. Kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường tại các xã, phường vẫn được lấy từ nguồn ngân sách của địa phương, do vậy, các địa phương đều gặp khó khăn trong vấn đề cân đối hoạt động.

Việc bảo vệ môi trường của cấp xã gồm 3 nhiệm vụ: hỗ trợ công tác thống kê, cập nhật tình hình phát sinh chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường của xã; hỗ trợ hoạt động quản lý, thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn xã, phường, thị trấn; hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của xã và theo quyết định của UBND tỉnh. Đồng thời, chính quyền cấp xã còn thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường khác thuộc trách nhiệm của mình.

Thế nhưng, hầu hết các địa phương, còn rất lúng túng trong triển khai thực hiện theo những nội dung đã phân cấp.

Ngoài ra, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại không ít nơi trong khu vực đô thị, khu dân cư còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Một số nơi bố trí thu gom, vận chuyển rác chưa thường xuyên nên rác thải vẫn còn bừa bãi, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Thu gom rác thải trên địa bàn huyện Châu Thành.

CẦN KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Qua khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 29/2017/NQ-HĐND ngày 27.9.2017 của HĐND tỉnh trong triển khai thực hiện phân cấp kinh phí bảo vệ môi trường cho cấp xã thời gian qua, cụ thể: Sở Tài nguyên và Môi trường chưa chủ động phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn UBND cấp xã triển khai thực hiện nhiệm vụ và phân bổ kinh phí chi sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương còn chưa tốt, việc tổ chức lấy ý kiến, báo cáo bằng văn bản đôi khi còn chậm, gây khó khăn, chậm trễ cho Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

Số lượng cán bộ chuyên môn trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường còn thiếu, hạn chế về năng lực, trình độ, đặc biệt là ở cấp cơ sở; bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của không ít người dân chưa cao.

Để công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn ngày càng hiệu quả, giúp các địa phương nhất là cấp xã chủ động trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kịp thời phối hợp, tham mưu các giải pháp khắc phục thiếu sót, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai thực hiện các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; ngành chức năng cần tham mưu UBND tỉnh ban hành cụ thể các mức chi cho từng nhiệm vụ ở từng cấp để có cơ sở xây dựng kế hoạch, hoặc lập dự toán kinh phí hàng năm cho phù hợp.

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung cụ thể các quy định phân cấp quản lý, nhiệm vụ rõ ràng, đặc biệt đối với các hoạt động thanh tra, kiểm tra, quản lý về môi trường ở từng cấp xã, huyện, tỉnh; có cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi hợp lý đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải…

Các huyện, thành phố cần có hợp đồng chặt chẽ, cụ thể đối với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải về địa điểm, thời gian, khu vực tập kết… để người dân chủ động theo dõi và thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh; trụ sở các cơ quan, đơn vị công lập cần đi đầu, làm gương cho người dân noi theo.

TRÚC LY

Ðược biết, tháng 5 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, tổ chức triển khai Quyết định số 42/2017/QÐ-UBND đến UBND các huyện, thành phố. Tại hội nghị này, các địa phương đã báo cáo tình hình sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn năm 2017 và tình hình phân bổ kinh phí năm 2018. Qua đó, hội nghị cũng thảo luận việc triển khai phân cấp nhiệm vụ chi đến cấp xã, phường, thị trấn trong năm 2018.

 

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh