Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hỗ trợ “Cải thiện dinh dưỡng” là một trong hai nội dung thuộc dự án 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
BS. Vũ Gia Phương- Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại lớp tập huấn triển khai cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tại Tây Ninh, năm 2023, ngân sách Trung ương và địa phương dành hơn 2 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ cải thiện, chăm sóc và nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh.
Triển khai trên địa bàn toàn tỉnh
Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sự phát triển về thể lực, tầm vóc, trí tuệ, nhất là đối với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Trong những năm gần đây, điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em thiếu vitamin A, thiếu sắt, kẽm, suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn, nhất là trẻ trong các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo… gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ, là nguyên nhân chính dẫn đến chiều cao thấp ở thanh niên.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 268 trẻ em bị suy dinh dưỡng (SDD). Nhằm kéo giảm tỷ lệ trẻ em bị SDD, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1664/QĐ-UBND ngày 5.8.2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; chỉ đạo Sở Y tế thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng”.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2023 được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung các xã biên giới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Chương trình được triển khai với 3 mục tiêu cụ thể, gồm: mục tiêu 1 - hạ xuống mức thấp các thể thiếu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; mục tiêu 2 - cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; mục tiêu 3 - bảo đảm ứng phó về phòng, chống suy dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn.
Chương trình được triển khai với các hình thức cụ thể như: hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng, can thiệp phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi); tăng cường công tác thông tin, truyền thông và tư vấn bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ về lợi ích của việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em 0-16 tuổi.
Đặc biệt, chương trình chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân viên y tế ấp, khu phố và cán bộ, nhân viên chăm sóc, bảo vệ trẻ em cấp xã, tăng cường nguồn lực và vai trò phối hợp liên ngành về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ 0-16 tuổi.
Nhân viên y tế trường học thu thập các thông tin tình trạng dinh dưỡng, cân đo, đánh giá các chỉ số nhân trắc cho trẻ
Bổ sung vi chất cho trẻ suy dinh dưỡng
Việc thiếu chất ở những năm đầu có thể ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của bé sau này. Vì vậy, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ là yếu tố rất quan trọng cần được các bậc phụ huynh quan tâm. Để hỗ trợ trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo và mới thoát nghèo có điều kiện chăm sóc tốt hơn, chương trình Cải thiện dinh dưỡng hỗ trợ vitamin và các vi chất dinh dưỡng cho trẻ.
Theo đó, trẻ em suy dinh dưỡng sẽ được cấp và bổ sung vi chất theo hướng dẫn. Cụ thể, trẻ em từ 6 - 60 tháng tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo sẽ được bổ sung vitamin A; trẻ em từ 6 - 23 tháng tuổi được xác định mắc suy dinh dưỡng thấp còi thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được cấp sản phẩm đa vi chất dinh dưỡng tại trạm y tế xã.
Trẻ em từ 5 tuổi trở xuống bị tiêu chảy cấp thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được cấp bổ sung viên/siro kẽm; trẻ em từ 24 - 59 tháng tuổi và trẻ em từ 5 - 16 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp cói thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được cấp sản phẩm dinh dưỡng có sắt.
Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ bổ sung sắt hằng tuần cho trẻ em từ 12 - 16 tuổi đã có kinh nguyệt thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.
Thực hiện chương trình hỗ trợ Cải thiện dinh dưỡng, tháng 6 vừa qua, CDC Tây Ninh tổ chức cấp vitamin A đợt 1 cho trẻ em thuộc đối tượng hỗ trợ của chương trình. Đây cũng là hoạt động đầu tiên của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Sở Y tế thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.
Để chương trình triển khai hiệu quả, CDC Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp ban, ngành liên quan tiến hành điều tra sàng lọc, chẩn đoán xác định và lập danh sách đối tượng đích theo nội dung từng chương trình đưa vào danh sách theo dõi, quản lý và bổ sung vi chất. Song song đó, triển khai tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế xã và nhân viên y tế cơ sở, y tế trường học, giáo viên nhà trường; xây dựng tài liệu phục vụ tập huấn; duy trì việc theo dõi, quản lý việc cấp phát và bổ sung vi chất dinh dưỡng theo quy định; phân bổ sản phẩm vi chất dinh dưỡng đều cho các cơ sở y tế xã, phường để phân phát cho đối tượng đích theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; trang bị trang thiết bị vật tư cần thiết phục vụ công tác thu thập thông tin tình trạng dinh dưỡng, cân đo, đánh giá các chỉ số nhân trắc; phỏng vấn trẻ về thói quen ăn uống, sinh hoạt, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch can thiệp dinh dưỡng kịp thời.
Truyền thông giáo dục dinh dưỡng
Nhận định kéo giảm và xoá bỏ tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế và các ban, ngành mà còn cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc trẻ là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là các bậc cha mẹ, phụ huynh.
Để chương trình Cải thiện dinh dưỡng đạt kết quả và đi vào thực tiễn đời sống người dân, CDC Tây Ninh sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn dinh dưỡng cho đối tượng đích, người chăm sóc trẻ, phụ huynh và cộng đồng.
Trong đó, ngành Y tế phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên với vai trò tuyên truyền lồng ghép về phòng, chống thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng cho trẻ em trong các buổi sinh hoạt liên ngành, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội LHPN, Mặt trận Tổ quốc...); phối hợp địa phương vận động người dân tham gia các hoạt động chương trình Cải thiện dinh dưỡng; tổ chức truyền thông trực tiếp và gián tiếp với các chủ đề như: khái niệm, nguyên nhân và hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng; cách xác định các đối tượng đích; can thiệp để điều trị/dự phòng thiếu vi chất dinh dưỡng; vai trò của bổ sung vi chất sinh dưỡng cho đối tượng đích và cách thực hành dinh dưỡng hợp lý để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Ngọc Bích