Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trường trung cấp Tân Bách Khoa:
Chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với đơn vị liên kết làm ảnh hưởng sinh viên
Thứ bảy: 10:29 ngày 26/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tập thể 46 sinh viên lớp Cao đẳng ngành Dược khoá 3 khiếu nại, cho rằng ông Trần Công Toại- Hiệu trưởng Trường trung cấp Tân Bách Khoa (đường Nguyễn Chí Thanh, phường 3, thành phố Tây Ninh) không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với đơn vị liên kết đào tạo là Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên.

Trường trung cấp Tân Bách Khoa.

KHIẾU NẠI TỪ SINH VIÊN

Cụ thể, năm 2018, Trường trung cấp Tân Bách Khoa (TBK) liên kết với Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tuyển sinh lớp cao đẳng ngành Dược khoá 3, với 3 hệ đào tạo: liên thông - học 3 học kỳ; văn bằng 2 - học 4 học kỳ; hệ chính quy - học 6 học kỳ.

Trong quá trình học, thông qua 3 thông báo đóng học phí từ Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn gửi về Trung cấp TBK, sinh viên đã đóng đủ cả 3 học kỳ cho Trung cấp TBK. Mỗi em khoảng 30 triệu đồng (có kèm theo danh sách cụ thể về việc thu học phí). Thực tế, khoá học đã đến giai đoạn sắp hoàn thành chương trình đào tạo.

Đến tháng 11.2020, Trường trung cấp TBK vẫn tổ chức cho sinh viên học và thi các môn cuối. Bất ngờ, lớp học nhận được thông tin Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã trả hồ sơ của sinh viên khoá 3 ngành Dược về Trung cấp TBK từ tháng 9.2020. Ngày 18.11.2020, đại diện lớp học đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn.

Hiệu trưởng trường liên kết giải thích rõ, việc trả hồ sơ là do Trường trung cấp TBK chưa thanh toán đầy đủ các khoản học phí, cũng như nghĩa vụ tài chính liên quan. Hiệu trưởng trường cao đẳng đưa ra hướng giải quyết: Trường trung cấp TBK cần phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng liên kết đào tạo, khi đó trường cao đẳng mới giải quyết để sinh viên khoá 3 hoàn thành chương trình học theo tiến độ.

Trước áp lực từ phía sinh viên, ông Trần Công Toại hứa sẽ gặp sinh viên khoá 3 để giải quyết. Tuy nhiên, sau hai lần đặt lịch hẹn vào ngày 21.11.2020 và 28.11.2020, ông Toại đều không có mặt. Thay vào đó, ông có viết bản cam kết (ký tên, đóng dấu nhà trường) với nội dung chậm nhất vào ngày 4.12.2020 sẽ giải quyết các thủ tục liên quan với trường cao đẳng, nhằm tranh thủ kịp tiến độ thực tập và tốt nghiệp cho các sinh viên ngành Dược khoá 3.

“Thế nhưng, cuối ngày 4.12.2020, đại diện lớp học liên hệ với Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thì được biết từ trước ngày 18.11.2020, ông Trần Công Toại không có một cuộc điện thoại hay buổi làm việc nào với trường đang liên kết. Nhiều sinh viên đã cố gắng liên hệ với ông Toại nhưng ông đều lẩn tránh, không trả lời điện thoại. Chúng tôi nhận thấy Trường trung cấp TBK đang có sự không rõ ràng về mặt tài chính, mà người chịu trách nhiệm đứng đầu là ông Trần Công Toại. Tập thể lớp kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, trả lại quyền lợi chính đáng cho sinh viên”- đơn khiếu nại trình bày.

Chưa dừng lại ở đó, 52 sinh viên lớp cao đẳng ngành Dược khoá 4 cũng đồng loạt khiếu nại ông Trần Công Toại về tài chính như trên. Cụ thể, năm 2019, Trung cấp TBK liên kết với Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tuyển sinh lớp cao đẳng ngành Dược khoá 4. Theo kế hoạch đào tạo thì sinh viên lớp học khoá này sẽ tốt nghiệp trong năm 2021.

Trong quá trình học, tuỳ theo hệ đào tạo là chính quy, liên thông, chuyển đổi hay văn bằng 2 mà Trung cấp TBK đã thu các khoản phí học kỳ 1 của khoá 4 với số tiền trung bình khoảng 11 triệu đồng/sinh viên. Đến tháng 11.2020, Trường trung cấp TBK vẫn tổ chức cho sinh viên học và thi các môn theo chương trình đào tạo. Tuy nhiên, sinh viên khoá 4 ngành Dược lại nhận được thông tin tương tự như khoá 3, Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã trả hồ sơ của sinh viên khoá 4 cho Trung cấp TBK kể từ tháng 9.2020.

Lý do trả hồ sơ và hướng giải quyết từ trường cao đẳng liên kết cũng đã được Hiệu trưởng trường này nêu rõ như trường hợp của khoá 3. Chỉ có giải pháp duy nhất là Trường trung cấp TBK phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho trường cao đẳng thì việc liên kết đào tạo mới được tiếp diễn. Sinh viên khoá 4 đã không ít lần tìm cách liên hệ với ông Trần Công Toại nhưng kết quả cũng tương tự như khoá 3.

ĐẾN NHÂN VIÊN

Báo Tây Ninh cũng nhận được đơn của ông Nguyễn Thanh Sang, nhân viên hành chính Trường trung cấp TBK; ông Trần Thanh Điền, nhân viên bảo vệ Trường trung cấp TBK; bà Đỗ Thị Ngọc Trâm, nhân viên khoa Dược Trường trung cấp TBK. Cả 3 người cùng ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành và đã nghỉ làm việc tại Trường trung cấp TBK từ cách nay vài tháng.

Theo đơn của 3 nhân viên trên, ông Trần Công Toại là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về 3 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, gồm Trường trung cấp TBK, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường mầm non Hoàng Yến. Ông Sang, ông Điền trước đây là nhân viên của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông Toại điều động qua làm việc tại Trường trung cấp TBK vào cuối năm 2012.

Chế độ bảo hiểm của ông Sang và ông Điền vẫn được tham gia liên tục bên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm; tiền lương, các khoản phụ cấp, kiêm nhiệm thì bên Trường trung cấp TBK chi trả. Bà Đỗ Thị Ngọc Trâm làm việc tại Trường trung cấp TBK từ tháng 8.2018. Bà Trâm nhận lương, phụ cấp, các chế độ do trường chi trả, riêng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì bà không tham gia.

“Trong khoảng thời gian làm việc tại Trường trung cấp TBK, chúng tôi không vi phạm quy chế cơ quan, hoàn thành mọi công việc được giao. Tuy nhiên, nhà trường đã không chi trả lương đúng quy định, các phụ cấp như tiền coi thi, giáo viên chủ nhiệm lớp, công tác kiêm nhiệm đoàn thể, các chế độ theo thoả ước lao động tập thể không được chi trả và thực hiện đúng quy định, kéo dài nhiều năm liền...”- đơn của 3 nhân viên trình bày.

Ông Sang, ông Điền, bà Trâm cho biết đã nhiều lần tập thể người lao động có ý kiến phản ánh lên ông Toại. Những lần như vậy, ông Toại đều đưa ra lý do trường làm ăn thua lỗ, tuyển sinh không được, không có nguồn thu học phí, kèm theo đó là những lời hứa hẹn sẽ giải quyết nhưng hầu hết đều không thực hiện.

Trong khi đó, hệ trung cấp của trường tuyển sinh được 5 khoá dược, 4 khoá sư phạm mầm non. Trường trung cấp TBK cũng tổ chức nhiều khoá liên kết đào tạo với Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn về ngành Dược và sư phạm mầm non, tức nhà trường có nguồn thu lớn từ học phí, nên lý do ông Toại đưa ra rằng trường không tuyển sinh được, không có nguồn thu học phí là điều... khó có thể chấp nhận.

Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng đến các mặt đời sống xã hội, ông Trần Công Toại ra quyết định giảm 50% lương từ các tháng 2, 3, 4, người lao động đã thông cảm và chia sẻ khó khăn chung với nhà trường. Thế nhưng, khi trường hoạt động trở lại bình thường thì việc chi trả lương, phụ cấp vẫn cứ chậm trễ như cũ. Ông Toại vẫn viện lý do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhà trường khó khăn...

Hiện nay, người lao động của trường không thể chấp nhận được nữa, vì các khoản tiền nợ tồn đọng như trên đã tồn tại từ nhiều năm qua, trước khi dịch bệnh diễn ra. Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị mà không được giải quyết thoả đáng, ông Sang, ông Điền, bà Trâm đành nộp đơn xin nghỉ việc. Trình tự, thủ tục xin nghỉ việc được 3 người thực hiện theo đúng quy pháp luật kể từ tháng 10.2020.

Tuy nhiên, ông Trần Công Toại vẫn không tạo điều kiện ban hành quyết định thôi việc đối với bà Trâm. Riêng trường hợp của ông Sang và ông Điền, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực hiện thủ tục cho hai ông thôi việc để được hưởng các chế độ bảo hiểm liên quan. “Thực tế, từ khi 3 người chúng tôi nghỉ việc đến nay, Trường trung cấp TBK vẫn chưa giải quyết các khoản tiền lương và phụ cấp trong khoảng thời gian làm việc từ tháng 3.2020 đến tháng 10.2020”- ông Nguyễn Thanh Sang cho hay.

Ông Sang cho biết thêm, riêng ông còn có các khoản tiền cần phải truy thu như tiền giáo viên chủ nhiệm lớp từ năm 2017 đến 2020; tiền coi thi từ năm 2012 đến năm 2020; tiền phụ cấp kiêm nhiệm, đoàn thể từ năm 2017 đến 2020; tiền trợ cấp thôi việc. “Việc ông Trần Công Toại cố tình tránh né, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với người lao động như vậy là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bao gồm cả việc “bê bối” về tài chính như trên đối với sinh viên ngành Dược khoá 3 và khoá 4”- ông Sang nêu ý kiến.

Bà Phạm Thị Bích Thuỷ- Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp TBK cho biết, việc sinh viên phản ánh Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trả hồ sơ của khoá 3 và khoá 4 ngành Dược là có, lý do đúng như trong đơn của các sinh viên đã trình bày. “Tôi là Phó Hiệu trưởng phụ trách về mảng đào tạo, Phó Hiệu trưởng phụ trách về mảng tài chính đã nghỉ việc, mọi vấn đề liên quan đến tài chính hiện nay của nhà trường do ông Trần Công Toại quản lý, chịu trách nhiệm giải quyết”.

Tác giả bài viết đã cố gắng liên hệ qua điện thoại với ông Toại nhưng bất thành. Trước đó, ngày 1.8.2020, Báo Tây Ninh có đăng bài “Trường Tân Bách Khoa chậm cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho sinh viên”. Bài báo phản ánh tình trạng nhiều sinh viên lớp đào tạo liên thông hệ cao đẳng, ngành Dược, khoá 2 Trường trung cấp TBK khiếu nại ông Trần Công Toại kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho sinh viên, dẫn đến chậm tiến độ cấp bằng tốt nghiệp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại của sinh viên khoá 2 cũng liên quan đến việc ông Toại “chậm” hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho trường cao đẳng liên kết. Sau khi Trường trung cấp TBK giải quyết xong khiếu nại của sinh viên ngành Dược khoá 2, không lâu sau lại đến sinh viên ngành Dược khoá 3, khoá 4 và 3 nhân viên của trường đồng loạt khiếu nại ông Trần Công Toại như trên.

Quốc Sơn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục