BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chấn chỉnh công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 

Cập nhật ngày: 20/10/2021 - 17:14

BTNO - Trong khi nguồn vaccine còn hạn chế, không ít người dân chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 dù đăng ký đã lâu, thuộc đối tượng ưu tiên, hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, người từ địa phương khác về Tây Ninh… đã khiến người dân thắc mắc, đòi hỏi sự công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Người dân đến đăng ký tiêm vaccine tại UBND xã Trí Bình, huyện Châu Thành.

Nhiều địa phương không chấp nhận đăng ký trực tuyến

Trong khi các địa phương khuyến khích người dân đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử (SKĐT), tại một số địa phương khác lại từ chối, buộc người dân phải đến đăng ký trực tiếp tại UBND xã, phường, nơi cư trú.

Bà Nguyễn Thị Cúc (52 tuổi, ngụ ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, huyện Châu Thành) cho biết, từ tháng 7.2021, con trai bà đăng ký cho gia đình trên Sổ SKĐT, nhưng vẫn chưa nhận tin nhắn mời tiêm.

Ngày 13.10, bà trực tiếp đến UBND xã Trí Bình đăng ký cho 4 người trong nhà, với mong muốn cách này sẽ được đáp ứng nguyện vọng. “Tôi ra xã đăng ký vì nghe trưởng ấp kêu vậy mới được tiêm. Trong xóm có hộ đã được tiêm vacvine rồi, còn các hộ xóm trong thì chưa có ai được tiêm hết. Tôi cũng mong kỳ này được kêu đi tiêm, chứ chờ lâu quá rồi!”- bà Cúc nói.

Đi cùng bà Cúc, bà Nguyễn Thị Định (72 tuổi, ngụ ấp Xóm Ruộng) cho hay bà đang sống với đứa cháu 5 tuổi. Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, người con trai bà đang kẹt lại ở TP. HCM cũng đã đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 cho bà trên Sổ SKĐT. Tuy nhiên, do chờ quá lâu, người con cũng gọi về kêu bà nên ra UBND xã để đăng ký trực tiếp. “Tôi cứ nghĩ tới lượt người ta kêu thì đi tiêm, nhưng thấy ai cũng ra xã đăng ký nên tôi đi theo. Nhà còn hai bà cháu, tôi có bệnh thì tội nghiệp nó!”- bà Định nói.

Bà Nguyễn Thị Hữu Phúc- Chủ tịch UBND xã Trí Bình cho biết: “Khó khăn địa phương đang gặp phải là lỗi phần mềm hệ thống, do đó đã yêu cầu người dân đăng ký trực tiếp tại trụ sở UBND xã, hoặc thông qua trưởng ấp, sau đó mới nhập liệu vào hệ thống tiêm chủng chung. Đối với người dân không có số điện thoại, UBND xã sẽ cấp sim số. Hiện UBND xã đã cấp 25 sim số điện thoại cho người dân đến đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn”.

Tương tự, chị Thanh Phương (32 tuổi, ngụ phường 2, TP. Tây Ninh) làm nghề phụ quán ăn, tiệc cưới, do dịch bệnh bùng phát chị phải nghỉ làm, ở nhà tránh dịch. Cuối tháng 7.2021, chị Phương đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 trên Sổ SKĐT nhưng chưa đến lượt thì khu nhà chị ở bị phong tỏa.

Đợt tháng 10 này, nhiều người trong xóm chị ai cũng được nhận tin nhắn mời đi tiêm sau khi ra UBND phường đăng ký. Chị Phương cho biết, nghỉ dịch ở nhà không đi làm, không có thu nhập, lại phải nuôi hai con nhỏ. Mới đây, nơi chị làm cũng đã trở lại làm việc, chị muốn đi làm lại, nhưng vì chưa được tiêm mũi vaccine nào nên chị rất lo lắng.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp đã đăng ký trực tuyến trên Sổ SKĐT nhưng không nhận được tin nhắn mời tiêm, mà buộc phải trực tiếp đăng ký lại tại UBND cấp xã, nơi cư trú hoặc thông qua tổ dân phố, trưởng ấp.

Theo ông Nguyễn Nhật Lê Vinh- Chủ tịch UBND phường 2 (Thành phố), địa phương vừa kích hoạt điểm tiêm tại Trường tiểu học Kim Đồng, với 379 liều vaccine mũi 1 trong tháng 10.2021.

Trước đó, Trung tâm Y tế (TTYT) TP. Tây Ninh là đơn vị phụ trách tiêm vaccine cho người dân phường 2. UBND phường chỉ là đơn vị trung gian lập danh sách những người đã đăng ký gửi về TTYT cập nhật lên hệ thống và chọn lọc đối tượng tiêm khi có đợt.

Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật có một số trường hợp “sai số liệu, sai nội dung” nên đã xảy ra tình trạng người dân đăng ký rất lâu nhưng không được tiêm, trong đó có nhiều đối tượng ưu tiên. Do đó, UBND phường đã yêu cầu người dân đến đăng ký trực tiếp tại trụ sở, không chấp nhận đăng ký trực tuyến, mỗi người phải có một số điện thoại riêng để tránh trường hợp khi cập nhật lên hệ thống bị trùng, sai số.

Đối với việc chọn lọc đối tượng ưu tiên cụ thể, ông Vinh cho biết thêm: “Hiện UBND phường giao nhiệm vụ cho công chức hoạt động không chuyên trách đảm nhiệm công tác chọn lọc đối tượng tiêm vaccine.

Do đó, phương pháp, cách chọn lọc đối tượng cụ thể như thế nào thì không có thống kê, vì đơn vị chỉ mới trực tiếp tiếp nhận công tác tiêm chủng vaccine trong thời gian ngắn. Sắp tới, UBND phường tiếp tục tiêm 2.000 liều vaccine mũi 1 và mũi 2 cho người dân trên địa bàn và sẽ hoàn thành mũi tiêm đến ngày 23.10.2021”.

Khám sàng lọc trước tiêm vaccine tại Trạm y tế Phường 3 (TP. Tây Ninh)

Ai tiêm mũi 1 ở đâu, tiêm mũi 2 ở đó?

Anh Phùng Thanh Vũ (ngụ xã Trường Hòa, TX, Hòa Thành) cho biết, trong đợt UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức đón người dân từ TP.HCM trở về (tháng 8.2021), anh đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19.

Ngày 16.9, anh Vũ đến hạn tiêm mũi 2, mặc dù đã đăng ký trên hệ thống sổ SKĐT trước đó, nhưng chờ đợi lâu không nhận tin nhắn mời tiêm, anh Vũ đã đến đăng ký trực tiếp tại UBND xã Trường Hòa, nhưng lại không được tiếp nhận, do trên hệ thống sổ SKĐT không xác nhận đã tiêm mũi 1, mặc dù anh Vũ đã có giấy xác nhận.

Ngoài anh Vũ, rất nhiều trường hợp đã tiêm mũi 1 tại TP. HCM trở về địa phương nơi sinh sống đăng ký tiêm mũi 2 nhưng bị UBND phường, xã từ chối. Theo ông Phạm Hồng Oanh- Chủ tịch UBND xã Trường Hòa, địa phương vẫn còn lúng túng trong việc cập nhật hệ thống và tổ chức tiêm trả mũi 2 cho người dân đến hạn tiêm. Hướng tới, UBND xã sẽ triển khai tiêm trả mũi 2 theo quy định, chỉ cần cầm giấy xác nhận đã tiêm mũi 1 ở địa phương khác đến, UBND xã sẽ cập nhật lên hệ thống và tổ chức tiêm khi đến hạn cho người dân.

Không riêng tại xã Trường Hòa, các địa phương khác như: Trí Bình, Ninh Thạnh, Long Thành Nam… cũng không chấp nhận trường hợp tiêm trả mũi 2 cho người dân từ nơi khác về. Theo bà Nguyễn Thị Hữu Phúc- Chủ tịch UBND xã Trí Bình, phía TTYT huyện đã có ý kiến chỉ đạo “người tiêm mũi 1 ở đâu, thì tiêm mũi 2 ở đó”, các điều chỉnh trên hệ thống sau khi UBND xã tiếp nhận đều phải chuyển đến bộ phận IT thuộc TTYT huyện điều chỉnh, bổ sung.

Bà Trần Thị Thanh Thuyên- Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Thạnh cho biết trước đó UBND phường có nhận những thông tin phản hồi từ người dân về việc này, phía chính quyền địa phương cũng bị vướng mắc, không biết hướng dẫn người dân như thế nào. Tuy nhiên, mới đây UBND thành phố có chỉ đạo tiếp nhận những trường hợp tiêm mũi 1 ở các tỉnh khác về và cập nhật thông tin lại, còn khi nào tiêm trả mũi 2 thì địa phương “không nắm được”.  

Người dân mong muốn công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 phải công bằng, đúng đối tượng.

Quản lý chặt để người dân tiếp cận vaccine sớm

Hiện tại, việc tiếp nhận thông tin đăng ký và gửi tin nhắn mời người dân tiêm vaccine phòng Covid-19 đều do UBND cấp xã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cách làm của mỗi địa phương không đồng nhất trong việc tiếp nhận thông tin đăng ký của người dân và xét duyệt danh sách tiêm vaccine. Để người dân sớm tiếp cận vaccine,  bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo hướng dẫn của UBND tỉnh, mới đây, Sở Y tế có văn bản chấn chỉnh công tác tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, có dư luận về các tiêu cực trong tiêm chủng tại các địa phương, gây bức xúc trong xã hội, để chấn chỉnh, Sở Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị được phân công tiêm chủng triển khai rà soát theo thứ tự, đúng đối tượng ưu tiên, không tiêm các trường hợp không đúng qui định.

Đồng thời, chấn chỉnh, thực hiện tiêm đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng, bảo đảm phương châm “Không bỏ sót người dân nào đủ điều kiện tiêm”.

Nghiêm cấm việc thu tiền từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng với bất kỳ hình thức nào, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông Sơn cho biết thêm, đối với các trường hợp đã tiêm mũi 1 tại địa phương khác, khi về lại địa phương nơi cư trú cần tạo điều kiện tiêm nhắc các đối tượng này đúng theo quy định.

Sở Y tế cũng đề nghị các địa phương yêu cầu đầu mối quản lý tài khoản (đã được Sở Y tế cấp trước đó) thường xuyên theo dõi, cập nhật và xử lý kịp thời các thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên trang https://tiemchungcovid19.gov.vn.

Theo Sở Y tế, tính đến ngày 18.10, Tây Ninh đã triển khai tiêm 1.082.152/1.338.690 liều vaccine được phân bổ cho người từ 18 tuổi trở lên. Hiện các địa phương kích hoạt tất cả các điểm tiêm chủng, kể cả điểm tiêm tại các cơ sở tư nhân trên địa bàn để đạt công suất tiêm tối đa, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Tiêm vaccine cho đối tượng là học sinh, sinh viên tại Trạm y tế Phường 3, TP. Tây Ninh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh (ngày 8.10), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm- Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Đặc biệt, trong điều kiện tỷ lệ bao phủ vaccine của người dân tương đối thấp, nhiệm vụ trọng tâm là cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; trong đó đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm vaccine cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả kế hoạch tăng tốc tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn tỉnh, sớm hoàn thành chỉ tiêu, số lượng vaccine được phân bổ để làm cơ sở đề xuất Trung ương bổ sung, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.

Trong đó, công tác tiêm phòng phải bảo đảm đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên, triển khai nhanh, hiệu quả đối với đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đăng ký tiêm vaccine trên sổ SKĐT, tạo điều kiện cho quá trình tiêm chủng được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các tổ chức, đơn vị và người dân sử dụng ứng dụng để đăng ký tiêm vaccine ngừa Covid-19 như: Tây Ninh Smart, sổ Sức khỏe điện tử, Cổng thông tin https://tiemchungcovid19.gov.vn.

Tổng đài 1022 Tây Ninh đã tiếp nhận 25.000 cuộc gọi, trên 1.500 phản ánh hiện trường, hơn 7.000 câu hỏi liên quan các vấn đề như: điều kiện để di chuyển nội tỉnh và liên tỉnh tới Tây Ninh; đăng ký hồ sơ trợ cấp đối với người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc điều chỉnh thông tin tiêm vaccine; đăng ký nguyện vọng về Tây Ninh theo hình thức chính quyền tỉnh tổ chức...

Tâm Giang