Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chấn chỉnh hoạt động bến thuỷ nội địa
Thứ sáu: 05:49 ngày 06/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại các bến thuỷ nội địa như quy hoạch, cấp phép, hoạt động, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... luôn được dư luận quan tâm và đề nghị ngành chức năng có giải pháp chấn chỉnh.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải khảo sát cảng Thanh Phước. Ảnh: Phương Thảo

Quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường sông đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020: Vẫn còn hiệu lực

Trên địa bàn tỉnh có 134 bến thuỷ nội địa được cấp phép hoạt động, gồm: sông Vàm Cỏ Đông 69 bến; sông Sài Gòn 14 bến; hồ Dầu Tiếng 23 bến; hồ Tha La 3 bến; rạch Tây Ninh 9 bến; rạch Trảng Bàng, Bàu Nâu, rạch Vàm Bảo, rạch Đá Hàng 16 bến. Trong đó có 90 bến tập kết vật liệu xây dựng, hàng hoá thông thường, cát xây dựng đang hoạt động; 5 bến khách ngang sông đang hoạt động; 39 bến thuỷ nội địa dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, cơ quan này đã tham mưu quy hoạch chi tiết phát triển GTVT đường sông đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND ngày 8.2.2012. Đây là cơ sở để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sông và phát triển vận tải đường sông trên địa bàn tỉnh từ đó đến thời điểm hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 11.7.2019 của HĐND tỉnh về việc bãi bỏ các nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh trong kỳ hệ thống hoá 2014-2018 trên địa bàn tỉnh, ngày 9.8.2019, UBND tỉnh đã bãi bỏ Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, đến ngày 2.12.2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 110/NQ-CP về danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Theo đó, các quy hoạch phát triển GTVT của địa bàn từng tỉnh đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước ngày 1.1.2019, cụ thể là Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh (phê duyệt trước ngày 1.1.2019)… vẫn tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Hiện nay, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, do đó, Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND vẫn còn hiệu lực.

Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 đề án: Một là, Đề án phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, trong đó, rà soát quy hoạch các cảng, bổ sung các cảng, cụm cảng trên sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn, các bến thuỷ nội địa ngoài các quy hoạch (được phê duyệt tại Quyết định số 11), cập nhật thêm một số bến...

Hai là, Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch có cảng hành khách và cảng hàng hoá: Dương Minh Châu, Phước Đông, Thành Thành Công (đang đầu tư), cảng Hiệp Thạnh, Thạnh Đức, Bến Đình, Gò Chai, Ninh Điền, Bến Sỏi, Châu Thành... Hai đề án này sẽ được tích hợp hoàn toàn vào quy hoạch tỉnh.

Sẽ rà soát hoạt động của các bến thuỷ nội địa

Theo quy định, các bãi tập kết vật liệu xây dựng của các bến thuỷ phải là đất thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp các bãi tập kết này lại là đất trồng cây hàng năm, đất trồng lúa... Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết, bến thuỷ là công trình quy mô nhỏ, phân loại cụ thể gồm: bến khách ngang sông và bến phục vụ ngắn hạn.

Bến khách ngang sông thường đặt ngay đầu kết nối giao thông đường bộ và đường thuỷ. Còn những bến phục vụ cho cung cấp vật tư, vật liệu trong quá trình thi công công trình, các vật liệu xây dựng khác có thời gian hoạt động ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng, 1 năm... thì không yêu cầu chuyển đổi mục đích.

Bến này chỉ có vùng đất và vùng nước ở bến. Vùng đất có công năng phục vụ xếp, dỡ hàng hoá, không phải lưu kho, lưu bãi; vùng nước để neo đậu tàu, thuyền. Bến chỉ mang tính chất tạm, là công trình nhỏ, cá biệt.

“Những bến có xây dựng công trình kiên cố hoặc hoạt động lâu năm buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất dịch vụ, thương mại và đối với những bến này sẽ triển khai theo Luật Đầu tư.

Chỉ có những bến tạm mới giao cho Sở GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện nay, thực hiện theo Nghị định số 08. Những bến hoạt động lâu năm, có tính chất thương mại, dịch vụ, bến có xây dựng công trình kiên cố thì thực hiện theo Luật Đầu tư, trong đó, có chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có sự phối hợp giữa các ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư.

Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ phối hợp với địa phương rà soát lại có trường hợp nào hoạt động lâu năm mà chưa chuyển đổi mục đích hay không, để có báo cáo UBND tỉnh”-  ông Tài nói.

Thời gian qua, Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo lực lượng Cảng vụ đường thuỷ nội địa và Thanh tra GTVT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tại các cảng, bến thuỷ nội địa và trên các tuyến đường thuỷ nội địa địa phương về các điều kiện trong hoạt động khai thác bến bãi, việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực hoạt động bến thuỷ…

Hằng năm, thực hiện theo quy chế phối hợp của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường thuỷ nội địa, Cục Đăng kiểm Việt Nam trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, Sở GTVT Tây Ninh tham mưu cho Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đường thuỷ nội địa gồm Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Thanh tra GTVT, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, Chi cục Đăng kiểm số 6, Cảng vụ Đường thuỷ nội địa trực thuộc Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam và Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã. Kết quả kiểm tra hằng năm hầu hết các bến thuỷ nội địa đều chấp hành tốt các quy định trong quá trình hoạt động.

Đối với công tác tuần tra xử lý phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tuần tra kiểm soát, xử lý phương vận chuyển vi phạm trật tự an toàn giao thông, chở quá tải trọng cho phép, gây ô nhiễm môi trường…

Giám đốc Sở GTVT cho biết thêm, dịch vụ ăn uống trên sông, kênh rạch, hoạt động vui chơi trên mặt nước là hoạt động có điều kiện, được quản lý khắt khe, phải bảo đảm các quy định tại Nghị định số 08 và Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5.6.2019 quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Đối với những trường hợp mà báo chí, người dân phản ánh, Sở GTVT đã kiểm tra và phối hợp với địa phương đình chỉ ngay.

Hầu hết đó là những hoạt động chui, lậu, không có điều kiện và không được cấp phép. Hoạt động vui chơi trên mặt nước phải có đủ điều kiện về bảo đảm an toàn phương tiện điều khiển và người tham gia, có vùng nước được phép và vùng nước không được phép.

Ngoài ra, một số tuyến đường khi cấp phép công bố hoạt động của các bến thuỷ không có quy định là đường bê tông xi măng hay đường đá, đường sỏi, nhưng phải bảo đảm điều kiện về tải trọng phương tiện, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

“Trên thực tế, còn nhiều tuyến đường trong mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi bặm, ảnh hưởng tới cuộc sống dân sinh của bà con xung quanh, Sở GTVT sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra cụ thể, có chấn chỉnh, đề nghị các chủ bến phải có cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, không để ảnh hưởng đến người dân”- ông Tài khẳng định.

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục