Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, đại biểu đưa ra nội dung chất vấn “Karaoke di động trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phổ biến, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và tạo ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp để sớm khắc phục tình trạng này?”.
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trả lời chất vấn như sau: Tính đến ngày 31.12.2016, trên địa bàn tỉnh có 319 người kinh doanh cho thuê thiết bị, phục vụ các hoạt động hát với nhau có màn hình (như karaoke) hoặc không có màn hình (thường gọi là dàn âm thanh kẹo kéo). Cụ thể, huyện Bến Cầu có 36 người kinh doanh, Gò Dầu có 129 người, Châu Thành 43 người, huyện Dương Minh Châu 17 người, Tân Châu 4 người, Tân Biên 8 người, Hòa Thành 28 người, thành phố Tây Ninh 1 người, Trảng Bàng 53 người kinh doanh.
Theo Sở VHTT&DL, việc tư nhân đầu tư các trang thiết bị âm thanh đã góp phần làm cho phong trào văn nghệ ở cơ sở có điều kiện phát triển, các loại hình giải trí thiếu lành mạnh giảm đáng kể. Do nhận thức của một bộ phần không nhỏ chủ cơ sở kinh doanh dàn âm thanh và người dân, nhiều người đã điều chỉnh âm lượng âm thanh vượt quá độ ồn cho phép, hoạt động không bảo đảm giờ giấc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của nhân dân. Một số trường hợp làm mất an ninh trật tự tại địa bàn dân cư, gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Dàn âm thanh di động phục vụ tiệc vui ở một hộ gia đình- Ảnh minh họa. |
Theo quy định, đây là loại hình hoạt động văn nghệ quần chúng, không bắt buộc phải có giấy phép và không thực hiện thông báo biểu diễn. Cơ quan nhà nước chủ yếu quản lý thông qua các hoạt động tuyên truyền, hậu kiểm, xử lý nếu có vi phạm.
Đã có văn bản hướng dẫn xử lý
Để tăng cường công tác tuyên truyền, sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 31.7.2014 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hát với nhau trên địa bàn tỉnh; Sở VHTT&DL đã tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị và các quy định về âm thanh đến UBND các huyện/thành phố và cấp xã/phường/thị trấn, các đội kiểm tra liên ngành, các chủ phương tiện cho thuê âm thanh.
Sau 2 năm triển khai, kết quả thực hiện chưa tốt, còn nhiều mặt chưa được, như: âm thanh mở vượt quá độ ồn cho phép, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự ở địa bàn dân cư. Nguyên nhân chủ yếu do các ngành, các cấp, đặc biệt ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong tuyên truyền hướng dẫn, xử lý các vi phạm.
Sở VHTT&DL đã trình UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo việc tăng cường, chấn chỉnh công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã ban hành Công văn số 793/SVHTTDL-QLVH về việc chấn chỉnh các hoạt động gây tiếng ồn quá quy định tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh gửi UBND, phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố.
Giám đốc Sở VHTT&DL cũng cho biết, căn cứ xử lý đối với loại hình hoạt động văn nghệ quần chúng là Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT được ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường). Căn cứ theo quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm vượt mức độ ồn trên địa bàn tỉnh trách nhiệm chủ yếu của ngành Tài nguyên-Môi trường.
Căn cứ theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình,quy định, việc xử lý vi phạm về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh thuộc trách nhiệm chủ yếu của ngành Công an. Đồng thời, căn cứ theo quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm về nội dung bài hát chưa đúng quy định thuộc trách nhiệm của ngành VHTT&DL.
Ngoài các nghị định nêu trên, còn có các thông tư hướng dẫn thi hành. Như vậy, việc xử lý các vi phạm về hoạt động đối với loại hình âm thanh di động này đã có quy định, trong đó xác định rõ mức và thẩm quyền xử phạt của các ngành, các cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như: UBND cấp xã chưa có đủ nguồn lực thực hiện, chưa có máy đo độ ồn. Các cấp chính quyền, các ngành chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong xử lý vi phạm, nhiều người cho rằng việc này của ngành Văn hóa. Đa phần các hộ dân thuê âm thanh phục vụ cho các cuộc vui trong gia đình nên việc xử lý còn mang tính nể nang.
Giải pháp chấn chỉnh
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình âm thanh di động, Sở VHTT&DL đề xuất UBND tỉnh thực hiện các giải pháp sau: ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý các hoạt động âm thanh di động trên địa bàn tỉnh; trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, UBND các cấp (huyện, xã), Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền hướng dẫn các tổ chức, cá nhân cho thuê âm thanh di động đăng ký kinh doanh (quy định tại Khoản 2, Điều 3. Nghị định số 103/2009/NĐ-CP).
Sở VHTT&DL cũng kiến nghị UBND tỉnh giao Sở phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các quy định xử phạt, hướng dẫn thực hiện mức âm thanh theo Quy chuẩn số 26: 2010/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn) cho các cá nhân đang kinh doanh loại hình âm thanh di động trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cho các hộ, cơ sở kinh doanh dàn âm thanh di động ký cam kết không vi phạm về tiếng ồn tại hội nghị này.
Trong thời gian tới, tỉnh cần trang bị phương tiện đo độ ồn cho các đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp; bổ sung nội dung “không sử dụng âm thanh chưa đúng quy định” vào quy ước khu dân cư; đưa nội dung này vào tiêu chí chấp hành nếp sống văn minh nơi công cộng...
Hoàng Thi