Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chấn chỉnh tình trạng “Báo hoá” trang tin điện tử
Thứ tư: 09:09 ngày 02/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), tổ chức hội thảo Ðánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021. Tại hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động thông tin trên nền tảng số, đặc biệt là hoạt động của mạng xã hội và trang tin điện tử, được đặt ra.

“Báo hoá” trang thông tin điện tử.

Theo báo cáo đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 định hướng 2021, hiện đang có sự dịch chuyển mạnh từ “báo hoá” trang tin sang “báo hoá” mạng xã hội. Cụ thể, các hồ sơ xin phép gửi đến Bộ có tên miền “na ná” với tên miền cơ quan báo chí tăng cao, ví dụ như kinhtephattrien.vn, kinhdoanhvaxahoi.vn, kinhtehoptac.vn, nguoisaigon.com.vn, chuyendong360.vn, kdp.vn, thongtinthitruong.net.vn, kinhtenet.com.vn,phapluatvathoidai.cn,doanhnghiepvadoisong.vn, xahoivacongluan.vn, kinhdoanhplus.vn, doichandoanhnhan.vn, newvietnam.vn…

Trong năm 2020, các đơn vị chức năng của Bộ nhận nhiều đơn thư, thông tin phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng mạng xã hội cử nhân sự đi thu thập thông tin, tài liệu, viết bài để đăng tải mạng xã hội, hoạt động như cơ quan báo chí. Giao diện các mạng xã hội giống báo điện tử, gồm các chuyên mục, nội dung, bài viết giống với sản phẩm báo chí, nhiều bài thể hiện dưới dạng phóng sự, điều tra…

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng nhà báo thành lập nhiều mạng xã hội cùng với nhiều trang tin điện tử tổng hợp, để khi một nội dung được đưa lên, đồng loạt mạng xã hội, cùng các trang thông tin điện tử tổng hợp do nhà báo này quản trị đều đăng tải nhằm tạo thêm áp lực với đối tượng bị ảnh hưởng.

Ðể chấn chỉnh tình trạng này, cơ quan thanh tra chuyên ngành đã tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà soát, theo dõi các mạng xã hội có dấu hiệu “báo hoá” để có biện pháp xử lý kịp thời. Qua đó, đã phát hiện 24 trường hợp có dấu hiệu “báo hoá” và xử phạt 6 trường hợp, với tổng số tiền 273 triệu đồng. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này và có biện pháp xử lý quyết liệt hơn, không loại trừ biện pháp rút giấy phép đối với các mạng xã hội thường xuyên vi phạm.

Thị trường trò chơi điện tử phát triển vượt bậc

Theo đánh giá của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay, thị trường trò chơi điện tử trên mạng (game online) phát triển vượt bậc. Số lượng game được cấp phép và phát hành tại Việt Nam tăng theo hằng năm.

Nhiều trò chơi mới được bổ sung, da dạng thể loại, cách chơi và phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ tới người trưởng thành. Nhiều trò chơi điện tử giúp giải trí, gắn kết bạn bè, tăng kỹ năng nhận thức, trí não, thậm chí còn được đánh gia là môn thi đấu thể thao điện tử bổ ích (như game bắn sung góc nhìn thứ nhất, thứ ba).

Bên cạnh đó, trò chới điện tử trên mạng hiện nay đang được xếp vào là một trong những ngành công nghiệp nội dung số có hàm lượng trí tuệ cao, mang lại lợi nhuận cao, tạo việc làm cho ngành công nghệ thông tin và đóng góp đáng kể  cho ngân sách nhà nước.

Ðặc biệt, mặc dù năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn xã hội, nhưng ngành game vẫn giữ vững được doanh thu và thị trường lao động ổn định, thậm chí còn tăng nhẹ.

Tuy nhiên, vẫn còn tình  trạng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gameonline vi phạm các quy định pháp luật, bị Cục PTTH và TTÐT xử phạt, hoặc rút giấy phép hoạt động.

Nguy cơ cài cắm bản đồ “đường lưỡi bò” trong game online nhập khẩu

Theo Cục PTTH và TTÐT, các công ty Trung quốc cố tình vi phạm bằng chiêu thức cài cắm “đường lưỡi bò” trong game khi cập nhật, nâng cấp phiên bản trong chơi đã được doanh nghiệp mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam, hoặc trong các game không được phép phát hành xuyên biên giới dành có trẻ em, nhằm xâm lấn văn hoá, tuyên truyền để đầu độc trẻ em Việt Nam.

Do đó, Cục PTTH và TTÐT khuyến cáo các doanh nghiệp thận trọng trong việc lựa chọn, mua bán quyền các game có nguồn gốc từ Trung quốc. Ðặc biệt lưu ý doanh nghiệp cân nhắc không hợp tác phát hành các game đang triển khai tại Trung quốc có xuất hiện “đường lưỡi bò”, tránh tình trạng tiếp tay cho doanh nghiệp Trung quốc cung cấp các hình ảnh, sơ đồ, bản đồ vi phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam nhất là khi nâng cấp, cập nhật phiên bản trò chơi.

Ngoài ra, Bộ TTTT cũng cảnh báo tình trạng game online không phép cung cấp xuyên biên giới. Theo báo cáo của Bộ, từ năm 2017 đến nay, Bộ đã thiết lập cơ chế làm việc và yêu cầu Google, Apple gỡ bỏ các game không phép, game có nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên khi ứng dụng của Apple, Google; yêu cầu Facebook gỡ bỏ link quảng cáo cho game cờ bạc trên nền tảng này.

Qua đó, đã có 121 game không phép, cờ bạc, bạo lực bị gỡ bỏ. Ngoài ra, Bộ TTTT cũng yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài có trò chơi phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam. Cụ thể như, phải hợp tác thông qua doanh nghiệp Việt Nam khi phát hành game. Sau nhiều động thái quyết liệt, các doanh nghiệp nước ngoài đã tuân thủ khá đầy đủ các yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam.

Tập trung xử lý  các kênh youtube nhảm nhí

Theo Bộ TTTT, để chấn chỉnh lại hoạt động quản lý thông tin trên không gian mạng và trò chơi điện tử, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Ðồng thời, có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng “báo hoá” trang tin, “báo hoá” mạng xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò choi điện tử có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định.

Ðặc biệt, sẽ mạnh tay xử lý các nền tảng xuyên biên giới, trong đó, tập trung xử lý các kênh youtube kiếm tiền có nội dung nhảm nhí và yêu cầu các nền tảng này không chia sẻ doanh thu quảng cáo trên các kênh vi phạm, nếu tái phạm sẽ xoá bỏ kênh.

Các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định, nhất là các trường hợp vi phạm chủ quyền lãnh thổ.

Trường hợp cần thiết sẽ phối hợp hoặc chuyển các cơ quan chức năng có liên quan để xem xét, phối hơp xử lý theo quy định. Mặt khác, Bộ TTTT cho biết, sẽ tăng cường công tác cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hoá, đạo đức lành mạnh để người sử dụng mạng có đủ sức đề kháng trước những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Lê Duy

Theo báo cáo, đến ngày 30.10.2020, Bộ TT&TT đã cấp 728 giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép. Tuy nhiên, số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chỉ chiếm dưới 10%. Trong khi số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội Facebook là khoảng 65 triệu người và YouTube là 60 triệu người. Ðáng lưu ý, mạng Zalo - mạng xã hội của Việt Nam, có khoảng 60 triệu người sử dụng.

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh