Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học

Cập nhật ngày: 26/11/2010 - 10:54

Trong các số báo ra ngày 11 và 20.10.2010, BáoTây Ninh có đăng hai bài viết ngắn của phụ huynh học sinh, phản ánh tình trạng một số trường học thu nhiều khoản tiền bất hợp lý khiến phụ huynh thắc mắc, thậm chí có người bất bình.

Đó là trường hợp, Trường mầm non 20.11 thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu (đăng trên số báo ra ngày 11.10). Sau khi báo ra, ngày 15.11.2010, ông Nguyễn Đức Bằng, Hội trưởng Hội phụ huynh của Trường mầm non 20.11 đã có ý kiến giải trình. Tuy nhiên, nội dung giải thích của ông Nguyễn Đức Bằng cho thấy, Trường mầm non 20.11 của huyện Dương Minh Châu đã thu những khoản tiền không thể chấp nhận được!

Theo ông Trần Thanh Bạch, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính của Sở GD – ĐT Tây Ninh thì trong số 13 khoản thu mà Trường mầm non 20.11 thu của phụ huynh có một số khoản thu vô lý, đó là: tiền mua máy chiếu; tiền mua đồ dùng học tập; tiền bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên và tiền chất đốt. Ông Bạch giải thích: máy chiếu là thiết bị dạy học đắt tiền, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, nếu chưa được đầu tư thì cũng là trách nhiệm của Nhà nước. Hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào bắt buộc người học hoặc gia đình họ phải đóng tiền để mua máy chiếu. Mặt khác, việc đại diện hội phụ huynh nói rằng, nhà trường mua đồ dùng học tập giúp học sinh là không hợp lý. Bởi vì những đồ dùng tối thiểu này học sinh hoàn toàn có thể tự mua lấy. Việc gì Hội phụ huynh phải “nhiệt tình” đến thế? Khoản tiền bồi dưỡng ăn sáng, ăn trưa cho cán bộ công nhân viên, giáo viên của nhà trường lại càng bất hợp lý, bởi vì cán bộ giáo viên đều là người hưởng lương của Nhà nước giống như nhiều ngành nghề khác. Nếu giáo viên, cán bộ muốn ăn sáng, ăn trưa thì phải tự bỏ tiền túi ra chứ sao lại bắt các cháu và gia đình phải đóng tiền cho thầy cô ăn? Về khoản tiền mua chất đốt, mỗi tháng nhà trường thu tổng cộng 6.400.000 đồng, trong khi mỗi tháng trường mầm non bán trú chỉ học có 20 hoặc 21 ngày (thứ 7 và chủ nhật nghỉ). Nếu lấy số tiền trên chia cho 20 ngày thì bình quân mỗi ngày Trường mầm non 20.11 “đốt” hết hơn 300.000 đồng tiền gas (?!)

(ảnh minh hoạ)

Sau khi đọc bài viết phản hồi của ông Nguyễn Đức Bằng, một giáo viên ở Thị xã đã gửi về Toà soạn ý kiến như sau (trích nguyên văn): “Tôi có con đang học mẫu giáo ở một trường trên địa bàn Thị xã. Tiền hội phụ huynh học sinh và các dụng cụ học tập một năm đóng chưa tới 300.000 đồng. Trong khi ở tận huyện mà lại thu đến 450 ngàn đồng/năm cũng là hơi quá rồi đấy. Bản thân tôi cũng là giáo viên, nhận thấy Hội cha mẹ học sinh trường 20.11 chi khuyến khích giáo viên đạt danh hiệu hội thi, chi thăm hỏi giáo viên là không đúng vì hai khoản đó là thuộc Công đoàn trường. Ngoài ra, Hội cha mẹ học sinh chỉ có trên danh nghĩa, có hoạt động gì nhiều đâu mà trích tới 5% tiền tổng mức phí thu”.

Theo chúng tôi, những phân tích của ông Bạch và của một bạn đọc ở Thị xã là hoàn toàn có cơ sở. Hội phụ huynh của Trường mầm non 20.11 đã thu của người dân những khoản tiền không thể chấp nhận được. Trả lời của ông Nguyễn Đức Bằng, càng thấy có nhiều điều không ổn. Chẳng hạn ông viết: “Việc thực hiện chi các khoản thu trên được thống nhất liên tịch giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và được phê duyệt của UBND thị trấn”. Ông lại khẳng định “đại đa số cha mẹ học sinh đồng thuận”. Không rõ thực chất của “đại đa số” là bao nhiêu?

Về phản ánh có một trường THPT ở huyện Hoà Thành thu của học sinh 50.000 đồng tiền quét rác một năm, ông Trần Thanh Bạch cho biết, sau khi báo đăng, lãnh đạo Sở GD- ĐT đã tiến hành xác minh và xác định được “danh tính” của trường học này. Theo ông Bạch, việc nhà trường thu tiền của học sinh để thuê người dọn vệ sinh trường lớp là có thể chấp nhận được, vì nếu không thuê thì chính các em học sinh phải làm. Học sinh THPT, nhất là nữ sinh phải mặc áo dài khi đến lớp nên sẽ rất bất tiện nếu để các em phải tự quét dọn. Tuy nhiên, việc nhà trường thu mỗi em 50.000 tiền quét rác là quá cao. Theo ông Bạch, chỉ nên thu của học sinh khoảng từ 35 đến 40 ngàn đồng là vừa, vì trường này có đến 1.500 học sinh. Nếu nhà trường thuê 3 người làm vệ sinh thì mỗi người cũng được trả đến khoảng 2 triệu rưỡi một tháng, lao động giản đơn mà thu nhập như thế là cao lắm rồi! Ông Bạch cũng cho biết thêm, hiện BGH trường THPT nêu trên đang làm văn bản giải trình với Sở GD- ĐT. Trong tháng 11 này, lãnh đạo Sở GD- ĐT sẽ lần lượt làm việc với các huyện thị để chấn chỉnh tình trạng lạm thu - ông Bạch thông tin thêm.

Tình trạng lạm thu trong trường học không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, việc nhiều trường học “bắt tay” với hội phụ huynh học sinh để tự đặt ra các khoản thu trái quy định một cách quá đáng đã khiến dư luận phải lên tiếng. Vừa qua, Bộ GD –ĐT đã có công văn yêu cầu các địa phương chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học. Công văn nêu rõ, thu các khoản tiền ngoài quy định là trái pháp luật.

Đ.V.T

 

 


 
Liên kết hữu ích