Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hỏi: Nữ 25 tuổi, mang thai lần đầu, thai 12 tuần, phát triển bình thường. Cách nay 3 tháng, tôi thấy nổi mụn cóc ở vùng kín, đi khám được chẩn đoán là mào gà sinh dục, đã được điều trị bằng đốt điện. Xin hỏi, bệnh này có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
Một bạn đọc
Đáp: Mụn cóc sinh dục (còn gọi là mào gà hay mồng gà sinh dục) là mụn thịt nhỏ, màu hồng, thường nhô khỏi bề mặt da hoặc niêm mạc ở vùng sinh dục (âm đạo, âm hộ, cổ tử cung), hậu môn. Đây là tổn thương đặc trưng do vi rút gây u nhú ở người (gọi tắt là HPV) gây ra. Nhiễm HPV rất thường gặp, ít nhất 80% số phụ nữ bị nhiễm HPV một lần trong đời, do lây truyền qua quan hệ tình dục. Điều trị nhiễm HPV chỉ đặt ra đối với mụn cóc sinh dục hay các tổn thương tiền ung thư, ung thư.
Có hơn 40 loại HPV gây bệnh ở đường sinh dục, gồm 2 nhóm: nhóm nguy cơ cao, có thể gây ra các tổn thương tiền ung thư và ung thư, và nhóm nguy cơ thấp, có thể gây ra mụn cóc sinh dục nhưng không gây ung thư. Một người có thể nhiễm đồng thời nhiều loại HPV, thuộc một hoặc hai nhóm kể trên. Hầu hết người nhiễm HPV không biết họ bị nhiễm vì HPV không gây ra bất kỳ triệu chứng hay vấn đề sức khoẻ nào. Đa số trường hợp nhiễm HPV tự khỏi tự nhiên và không để lại bất kỳ hậu quả sức khoẻ nào.
Phụ nữ có thể nhận biết bản thân nhiễm HPV khi nhìn thấy mụn cóc sinh dục, phát hiện tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư khi làm phết tế bào cổ tử cung (xét nghiệm Pap), hay phát hiện HPV khi xét nghiệm dịch âm đạo. Phụ nữ nên sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ, kể cả trong thời gian mang thai nếu cần thiết.
Với phụ nữ mang thai nhiễm HPV, thai nhi không bị ảnh hưởng khi còn trong bụng mẹ nhưng có thể bị lây nhiễm trong quá trình sinh nở tự nhiên, có thể gây ra các tổn thương u nhú ở họng và thanh quản.
Trường hợp của bạn, tổn thương mụn cóc sinh dục rất dễ nhận biết, nên chẩn đoán thường đúng, và có thể bạn đã được điều trị khỏi các mụn cóc sinh dục. Tuy vậy, bạn cần khám theo dõi mỗi 3 tháng để điều trị các mụn cóc tái phát (nếu có). Nếu chưa từng sàng lọc ung thư cổ tử cung trong vòng 2 năm nay, bạn nên đề nghị làm xét nghiệm Pap để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các tổn thương tiền ung thư, ung thư cổ tử cung. Bạn cũng có thể đề nghị xét nghiệm dịch âm đạo xem bạn có đồng thời nhiễm các loại HPV nguy cơ cao không, để đánh giá bạn có nguy cơ cao phát sinh ung thư cổ tử cung hay không. Nếu không phát hiện được mụn cóc sinh dục hay tổn thương tiền ung, ung thư cổ tử cung thì bạn không cần phải lo lắng. Chỉ định mổ lấy thai có thể đặt ra khi mụn cóc nhiều, gây cản trở cuộc sinh hay có nguy cơ chảy máu nhiều khi sinh tự nhiên.
Bác sĩ Huỳnh Văn Tú