Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chân dung người lính thời bình
Thứ bảy: 16:38 ngày 19/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử giữ nước của dân tộc.

Ðã có nhiều bài thơ gây xúc động khi viết về những người lính trong giai đoạn chiến tranh này với nhiều chân dung nguyên mẫu, những tấm gương anh hùng.

Thông qua thủ pháp nghệ thuật của thơ, những hình tượng ấy càng đẹp và chói lọi. Bài thơ “Bạn tôi” của nhà thơ Hữu Nhân cũng hướng về đề tài ấy bằng những câu thơ giới thiệu mở đầu: “Mười năm ở đất K về/ Cánh tay nằm lại bên bìa rừng xanh/ Nụ cười bạn vẫn hiền lành/ Còn bao đồng đội đã thành thiên thu”.

Ðây quả là hình tượng tiêu biểu của những anh hùng thời đại Hồ Chí Minh. Còn gì vượt lên trên được phong thái của một người lính dạn dày chiến trận vẫn còn lấp lánh khi trở lại với đời thường: “Mười năm núi thẳm sông sâu/ Bao cơn sốt rét đổi màu thịt da/ Nâng ly bạn vẫn khề khà/ Chân còn đủ sức băng qua cuộc đời”.

Phẩm chất anh hùng của người lính có thể xuất hiện rực rỡ trong những giờ phút thử thách ác liệt nhất nhưng cũng có khi ẩn kín trong công việc, trong mối ứng xử giao tiếp bình thường hằng ngày.

Phải có “con mắt xanh” của nhà thơ mới phát hiện được phẩm chất cao quý ấy đang hiện diện trong đời sống xã hội thời bình. Một nhà thơ có tâm hồn ý nhị luôn cố tránh việc thể hiện người anh hùng như những siêu nhân tách rời khỏi tập thể quần chúng.

Ở góc nhìn này thì nhà thơ Hữu Nhân đã thành công khi đưa chân dung người lính, cụ thể hơn là hình ảnh người cựu chiến binh đang hoà mình vào cuộc sống thời bình: “Qua bao ngày qua bao đêm/ Ði qua hết thảy mọi miền quê hương (Cái màu áo lính yêu thương/Giữa chiến trường, giữa đời thường ngời xanh)”.

Làm sao không khỏi nghe lòng mình rung động khi đọc được những dòng thơ trầm trầm mà cứa vào hồn những cảm xúc sâu đậm ấy. Ðây chính là nét mặt, hơi thở, nụ cười và một niềm tự tin còn mãi sáng ngời từ chân dung người lính thời bình: “Mười năm về với ruộng đồng/ Bạn tôi giờ đã lão nông tri điền/ Bao ưu tư bao muộn phiền/ Với người lính rất dễ quên cười xoà”.

Và làm sao mà người đọc thơ không khỏi rung động cùng nhà thơ với những câu thơ: “Người đồng đội của tôi ơi/ Vẫn còn rực lửa một thời hành quân/ Một thời chân bấm dấu chân/ Mà qua bao núi bao rừng thản nhiên”. Ðể rồi đồng cảm cùng tác giả bài thơ bằng hai câu thơ kết thật chân thành, thật bồi hồi: “Uống đi, bạn vẫn khề khà/ Nâng ly, tôi thấy mắt nhoà nhoà cay”.

Nhà thơ Hữu Nhân sinh năm 1968, quê quán Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh hiện là Thư ký Toà soạn Báo Văn nghệ Ðồng Tháp. Bài thơ “Bạn tôi” được in trong tập thơ riêng của anh có tựa đề “Bài ca về những dòng sông” do Hội Văn học - Nghệ thuật Ðồng Tháp ấn hành vào năm 2005.

VĂN TÀI

Bạn tôi

 

Mười năm ở đất K về

Cánh tay nằm lại bên bìa rừng xanh

Nụ cười bạn vẫn hiền lành

Còn bao đồng đội đã thành thiên thu

***

Mười năm núi thẳm sông sâu

Bao cơn sốt rét đổi màu thịt da

Nâng ly bạn vẫn khề khà

Chân còn đủ sức băng qua cuộc đời

***

Người đồng đội của tôi ơi

Vẫn còn rực lửa một thời hành quân

Một thời chân bấm dấu chân

Mà qua bao núi bao rừng thản nhiên

***

Qua bao ngày qua bao đêm

Ði qua hết thảy mọi miền quê hương

(Cái màu áo lính yêu thương

Giữa chiến trường, giữa đời thường ngời xanh)

***

Mười năm về với ruộng đồng

Bạn tôi giờ đã lão nông tri điền

Bao ưu tư bao muộn phiền

Với người lính rất dễ quên cười xoà

***

Uống đi, bạn vẫn khề khà

Nâng ly, tôi thấy mắt nhoà nhoà cay.

Hữu Nhân

Tin cùng chuyên mục