Nách Chan Nên, cô giáo người Khmer hiện đang giảng dạy tại Trường tiểu học Tân Đông B, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, là một trong 63 gương thầy cô giáo tiêu biểu được chọn và vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” lần thứ 5, được tổ chức tối 16.11 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội.
Không chỉ có thế, năm học này, cô giáo Chan Nên còn được vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ khen tặng vì những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người”, nhất là đối với trẻ em đồng bào dân tộc.
Có dịp tiếp xúc với Chan Nên mới cảm nhận được tình cảm cũng như tấm lòng của cô giáo trẻ này đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa - đặc biệt là trẻ em của ấp Kà Ốt nơi cô đang sinh sống.
Ngoài những giờ trên lớp, Chan Nên còn dạy chữ Khmer cho các em học sinh đủ mọi lứa tuổi trong xóm để giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc.
Những ngày cuối tuần hoặc lúc rảnh rỗi, cô giáo Chan Nên còn tranh thủ dạy bổ túc “miễn phí” cho các em tại làng. Cô đi xin đồ chơi, quần áo cũ, sách cũ… ra chùa Kiri Satray Meanchay gần nhà, dạy trẻ em nghèo, không có điều kiện đến trường, dạy chúng học, dạy chúng múa, cho chúng đồ chơi và đọc sách.
Niềm vui của cô giáo Chan Nên là giảng dạy cho các em học sinh tại trường.
Với Chan Nên, được đem lại niềm vui, tiếng cười cho trẻ em trong làng, được chăm lo và bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi cho trẻ nhỏ mới là công việc chính của cô giáo nhỏ nhắn nhưng có nụ cười đôn hậu này.
Cô giáo trẻ này giải thích: trong tiếng Khmer, Chan là mặt trăng, Nên là nhỏ, còn Nách là họ của bố. Nách Chan Nên nghĩa là mặt trăng nhỏ.
Đúng như ý nghĩa của cái tên, từ lâu Chan Nên đã là tấm gương và niềm tự hào của các em học sinh Khmer và gần 2.000 nhân khẩu đang sinh sống tại ấp Kà Ốt biên giới xa xôi.
Đức An - Lê Quân