Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi heo hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chất lượng giống thấp, giá thức ăn cao, dịch bệnh luôn đe doạ, thị trường tiêu thụ không ổn định, có một số người chăn nuôi lạm dụng các chất kích thích, thuốc kháng sinh. Do đó, chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP đang là vấn đề được ngành lựa chọn, nhưng để nhân rộng không phải đơn giản.
Trại heo chăn nuôi theo hướng VietGAHP của ông Tư Hải, ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu.
Chi phí đầu tư lớn
Ông Tư Hải- chủ trại heo ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cho biết, trang trại của gia đình ông liên kết với Công ty CP Việt Nam chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP, hiện nuôi khoảng 2.500 con heo thịt, mỗi năm 2 lứa.
Chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAHP là giải pháp nhằm kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Khi liên kết, người chăn nuôi không lo về nguồn thức ăn, con giống, kiểm soát dịch bệnh cũng như áp dụng những kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi.
Tuy nhiên, muốn chăn nuôi theo hướng VietGAHP, trước hết, người chăn nuôi cần có số vốn khá lớn để đầu tư xây dựng trại, hệ thống làm lạnh, nguồn điện, nguồn nước tuyệt đối sạch để cung cấp cho heo, và đặc biệt là phải có đường để vận chuyển bởi chuồng trại phải ở xa khu dân cư. Với diện tích 1.000m2 chuồng, ông Hải phải đầu tư hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, tiền điện cũng là gánh nặng cho người chăn nuôi. Ông Hải chia sẻ, chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP, hệ thống làm lạnh phải hoạt động liên tục để giúp heo tăng trưởng mạnh, đề phòng dịch bệnh... Hệ thống xử lý nước thải cũng phải vận hành 24/24 giờ mỗi ngày. Với giá điện hơn 4.000 đồng/kg, mỗi tháng trang trại của ông phải trả hơn 25 triệu đồng tiền điện.
Anh Tăng Xuân Nam, ngụ phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh cũng đầu tư nuôi 600 con heo thịt. Từ trước đến nay, anh nuôi heo theo cách truyền thống nên dịch bệnh không được kiểm soát một cách an toàn. Anh cũng muốn liên kết với Công ty CP Việt Nam chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP để có lợi nhuận khá hơn, lại không phụ thuộc giá cả thị trường, nhưng công ty đòi hỏi gia đình phải xây dựng chuồng trại lạnh, bảo đảm hệ thống điện nước, hệ thống xử lý nước thải, quy mô từ 1.000 con trở lên. Với tiêu chí này, chi phí đầu tư không dưới 1,5 tỷ đồng, gia đình anh không thể kham nổi.
Theo ông Hải, rất nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh nhận thấy chăn nuôi theo cách truyền thống mang lại nhiều rủi ro, và muốn chuyển sang chăn nuôi heo theo quy chuẩn VietGAHP. Thế nhưng, cái khó lớn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư ban đầu để xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín. Do đó, người chăn nuôi nhỏ lẻ, dù muốn chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP cũng không dễ thực hiện.
Nguồn giống chưa bảo đảm
Thực tế, những người chăn nuôi tư nhân trên địa bàn tỉnh chưa hình thành mối liên kết trong sản xuất để phục vụ cho phát triển chăn nuôi. Trước hết là liên kết để sản xuất và tiêu thụ heo giống.
Hiện các trại nhân giống thuộc khu vực tư nhân phát triển tự phát, chủ trang trại tự hoạch định theo ý tưởng kinh doanh của mình, thiếu sự hỗ trợ, định hướng của ngành và địa phương, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng con giống của cơ quan chức năng gần như không thực hiện. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác giống cũng ít được quan tâm do mục đích sản xuất giống chỉ để nuôi thương phẩm.
Ông Hùng ở ấp Năm Trại, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành cho biết, gia đình ông đầu tư nuôi 500 con heo thịt theo cách truyền thống, với giá heo vừa rồi ông thua lỗ nặng. Hiện nay, giá heo tăng trở lại, ông định tái đàn khoảng 500 con heo thịt và chuyển sang chăn nuôi theo hướng VietGAHP để giảm bớt rủi ro và hướng đến chăn nuôi bền vững. Thế nhưng, ông luôn băn khoăn về chất lượng heo giống, bởi ông chưa biết tìm đâu ra con giống khoẻ mạnh và thức ăn phù hợp với quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP để bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Muốn ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững trong tương lai, trước tiên cần khắc phục các hạn chế về công tác giống và chất lượng giống; đồng thời xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giống để thực hiện chiến lược phát triển giống tốt, không ngừng cải tiến về chất lượng và năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu thay đàn cho các trang trại và nông hộ trong tỉnh.
Ðể mở rộng chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP, cần đầu tư cho các trại sản xuất giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, từ đó cung cấp đủ giống tốt cho các trang trại và các nông hộ chăn nuôi heo thương phẩm trong tỉnh.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, liên kết sản xuất những cây trồng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có ưu thế của tỉnh để đáp ứng nhu cầu, hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thức ăn công nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm cho chăn nuôi heo để khẳng định vị trí trên thị trường; đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, phát triển cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, tiến tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn heo đạt từ 320.000 con trở lên, trong đó, tỷ lệ heo đạt tiêu chuẩn VietGAHP là 25% so với tổng đàn. Ðồng thời phát triển chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trong đó, chăn nuôi trang trại đạt tỷ lệ 80 - 85%; nông hộ tham gia chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP đạt 10% so với đại trà.
THANH NHI