Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chăn nuôi hữu cơ -Hướng chăn nuôi bền vững
Thứ sáu: 08:03 ngày 21/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao và thân thiện với môi trường ngày càng được chú trọng. Vì vậy, việc áp dụng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi là xu thế tất yếu, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

Xu hướng tất yếu

Trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB), có điều kiện ban đầu để hướng đến chăn nuôi hữu cơ. Toàn tỉnh có 462 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; cấp mới 3 giấy chứng nhận cơ sở ATDB cho 2 trang trại chăn nuôi heo và 1 trang trại chăn nuôi gà; huyện Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà (bệnh dịch tả gà), và 71 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB.

Theo công bố của Bộ NN&PTNT, tại Việt Nam, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1%-2% so với tổng sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm chăn nuôi tiềm năng, đã được chứng nhận hữu cơ và được ưu tiên như sữa, mật ong, yến sào, thịt gia súc, gia cầm...
Với chăn nuôi hữu cơ, cơ sở chăn nuôi phải sử dụng tỷ lệ thức ăn hữu cơ không ít hơn 90% (tính theo khối lượng chất khô) đối với các loài nhai lại và không ít hơn 80% đối với các loài không nhai lại. Cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50% lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực. Ngoài ra, thuốc kháng sinh, thuốc trị cầu trùng, thuốc trị bệnh, chất kích thích tăng trưởng, kích thích sinh sản đều không được dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Theo Sở NN&PTNT, một số doanh nghiệp đến Tây Ninh đã đầu tư những trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, có cơ sở chăn nuôi đến vài trăm ngàn con gà/đợt; con giống có nguồn gốc rõ ràng, được mua từ các công ty chăn nuôi quy mô lớn có uy tín.

Ông Lý Văn Tâm- Quản lý trại nuôi gà, xã Suối Dây, huyện Tân Châu cho biết, giống gà được trang trại chọn mua từ Công ty Cổ phần Bel - Gà, sau 15 ngày tuổi, gà được tiêm vaccine đúng quy trình trong chăn nuôi. Trại nuôi gà được thiết kế khoa học, thoáng mát, thuận lợi cho vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ đàn gà; thường xuyên được tiêu độc, khử trùng phòng ngừa nhiễm bệnh để đàn gà phát triển đồng đều, khoẻ mạnh.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, chăn nuôi hữu cơ nói riêng trở thành vấn đề cấp bách, nhất là thời điểm Việt Nam đang hội nhập với quốc tế. Theo đó, tỉnh Tây Ninh đang sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện ban đầu để làm nền tảng phát triển chăn nuôi hữu cơ.

Theo Sở NN&PTNT, nhiều năm trước, huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà, và 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.

Mô hình chăn nuôi gà được kiểm soát an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Ông Dương Văn Phụng- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu cho biết, từ năm 2023 đến nay, tình hình chăn nuôi gia súc và gia cầm trên địa bàn huyện Tân Châu phát triển tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, chỉ một vài trường hợp dịch lẻ tẻ xảy ra được khống chế, xử lý kịp thời.

Thực tế cho thấy, qua sự kêu gọi đầu tư của tỉnh, hiện nay chăn nuôi gia cầm quy mô công nghiệp ngày càng phát triển.

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu cho biết thêm, trong quá trình chăn nuôi hữu cơ không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng. Đồng thời, chăn nuôi theo hướng hữu cơ nhằm giảm nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tạo mọi điều kiện phát triển chăn nuôi hữu cơ

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc- Phó trưởng Văn phòng Nam bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, những năm gần đây, Tây Ninh được Bộ NN&PTNT xác định là một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi của cả nước, đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể chăn nuôi, xuất khẩu những sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới.

Theo ông Hà Thanh Tùng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh, chăn nuôi hữu cơ là hạn chế sử dụng các chất hoá học, chất kích thích để tăng sản lượng nhằm tăng lợi nhuận. Điển hình như nuôi heo hữu cơ, theo đó thức ăn chăn nuôi heo là những sản phẩm không có hoá chất và được trồng theo hướng hữu cơ, bảo đảm về mặt tiêu chuẩn, tránh ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng.

Chăn nuôi gà an toàn sinh học trên địa bàn thành phố Tây Ninh

Ông Tùng cho biết thêm, khó khăn nhất trong việc chăn nuôi hữu cơ là quy trình nuôi phải tốn nhiều chi phí, thời gian nuôi dài; quá trình nuôi đòi hỏi nguồn thức ăn bảo đảm là hữu cơ; trong khi đó giá thị trường của sản phẩm chưa xác định được, lợi nhuận cũng chưa rõ ràng.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; sự cần thiết phải tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng về sản phẩm nông nghiệp.

“Chăn nuôi hữu cơ là một trong những xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng” - ông Tùng khẳng định.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục