Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chân quê
Thứ sáu: 08:01 ngày 10/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhớ và nhìn những góc lúa, bờ tre... những ao làng, bờ ruộng, cầu khỉ lắt lẻo trên ao nước tràn đầy hoa sen, hoa súng. Cả những thứ chỉ còn trong ký ức người già, bạn trẻ chưa bao giờ thấy như cái sa cá, ông bù nhìn đứng lơ ngơ giữa ruộng.

Ðấy là ở hẻm số 27, đường 30.4- đại lộ trung tâm của thành phố Tây Ninh. Nhớ số hẻm, vì tôi mới đi qua 2 con hẻm khác có cùng đuôi số 7. Vào hẻm 37 ở gần đầu Lâm Vồ thì gặp suối. Mùa mưa, dòng suối ầm ào duềnh lên một làn nước đỏ phù sa. Sang hẻm số 7 đường Nguyễn Hữu Thọ là đến suối. 

Nơi đây suối lượn một đường cong như ôm lấy cả hai khu phố ở Ninh Sơn và Ninh Thạnh rồi luồn dưới những bụi tre gai trôi mải miết về phía rạch Tây Ninh. Ngược về hẻm 27, có biển chỉ đường vào quán cà phê Góc Thư Giãn của một vị bác sĩ quen.

Tôi cũng đã đến mấy lần vào các dịp tết nguyên tiêu, tranh giải cờ tướng phường 1 hay khai trương Câu lạc bộ Ðờn ca tài tử... Nghĩ lại, toàn những sinh hoạt văn hoá tinh thần quê kiểng. Hèn chi chủ quán khắc cả bài thơ Chân quê lên đá, có in cả chân dung nhà thơ Nguyễn Bính. Bảng đá đề thơ nằm bên cầu Tao Ngộ lối vào.

Chân quê! Thì nhiều người đã biết. Một đoạn kết: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Mà đấy mới chỉ là em thay đổi chút ít thôi.

Là ăn mặc có chút ít cải tiến tân thời, với: “Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi”. Có lẽ tác giả đã “khổ” tâm vì em đã diện những trang phục có cúc cài, khuy bấm du nhập từ bên Tây. Ðể cho “anh” nhớ những áo quần hồn cốt dân gian như áo yếm, dây lưng, áo tứ thân với khăn mỏ quạ...

Ðến hôm nay, em đã không chỉ “đi tỉnh về” nữa, mà còn đi ra ngoài thế giới bao la. Nếu tác giả còn, liệu ông có còn làm thơ được nữa hay không, với đủ loại thời trang, kiểu cách tiếp thu từ văn minh thời đại 4.0, kết nối toàn thế giới?

Nhưng có lẽ, càng đi xa, người ta lại càng nhớ về những chân quê, hồn cốt văn hoá ông bà. Có vậy Góc Thư Giãn mới là nơi đi về, hò hẹn của biết bao người trẻ. Họ đến để ngắm và nhớ về những kỷ niệm xưa, tưởng đã mất tăm giữa thời công nghiệp hiện đại và số hoá lên ngôi.

Nhớ và nhìn những góc lúa, bờ tre... những ao làng, bờ ruộng, cầu khỉ lắt lẻo trên ao nước tràn đầy hoa sen, hoa súng. Cả những thứ chỉ còn trong ký ức người già, bạn trẻ chưa bao giờ thấy như cái sa cá, ông bù nhìn đứng lơ ngơ giữa ruộng.

Những ông bù nhìn kết bằng rơm, đội cái nón mê rách, và: “Vùng vẫy trên tay một lá cờ/ Dẹp giống chim muông xa phải lánh/ Dể quân cày cuốc gọi không thưa/ Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi/ Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa” (Thơ của Hội thơ Tao Ðàn, do vua Lê Thánh Tôn (1442-1497) làm Tao đàn nguyên suý).

Nhắc đến sen và súng, cũng cần nói thêm rằng, tháng 8 Tây Ninh vẫn đang rộ mùa hoa mọc trên ao nước, đầm hồ. Tôi đã đi theo hẻm 27 vào xa hơn để ngắm cả một cánh đồng sen rực rỡ chỉ 2 màu hồng và trắng trên cái nền xanh điệp trùng của lá. Lá sen xanh và búp sen xanh. Búp màu xanh sẽ nở ra một bông hoa trắng tinh khôi, rung rinh trong gió.

Nhưng khi vào quán uống cà phê trong ngôi nhà lợp lá dừa nước, tôi còn gặp một loài hoa Tây Ninh đáng ngưỡng mộ. Ðấy là hoa súng đỏ. Bông to cỡ một cái tô và cành lá sóng sượt lập lờ mặt nước dài tới hơn 3 mét. Thứ hoa mà tôi mới nghe, chỉ có ở miền Tây vào mùa nước nổi này đây. Nước lên cao đến đâu cuống hoa dài ra đến đó.

Từ ao nhìn ra, còn thấy những góc nhà quê ngoại, với rổ rá, đó, đăng, nồi đất... xếp đầy. Ðứa cháu bốn tuổi tôi chở đi cùng hôm ấy thích mê tơi những con cá tai tượng trong hồ, mỗi con dài cỡ nửa mét, lừng lững như con tàu ngầm Nau-ti-lux (truyện của Jules Verne ). Và nữa, cháu còn thích cả những loài hoa cỏ xập xè mặt đất, bên những tượng thỏ, tượng heo và các loài thú nhỏ chỉ có trong các truyện tranh Nhật Bản.

Ôi chà! Vậy là cũng tìm được một điển hình của chốn chân quê rồi đây! Dù ở Tây Ninh không thiếu các quán cà phê sinh thái với tiểu cảnh sân vườn và các nhà ngói xưa.

Nguyễn

 

Tin cùng chuyên mục